Bật mí cách viết CV tiếng Nhật như người bản địa

18/04/2024 07:30
Khi viết CV tiếng Nhật, ứng viên thường cảm thấy bối rối và thiếu tự tin. Lý do có thể là thiếu kiến thức về cách viết CV theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Nếu đang có chung những nỗi lo này, thì bài viết dưới đây của JobOKO sẽ là giải pháp dành cho bạn.
Viết CV tiếng Nhật đúng chuẩn, đầy đủ thông tin là bước đầu tiên bạn cần làm để tiếp cận với công việc mơ ước. Xem ngay hướng dẫn cách viết CV chuẩn người Nhật trên JobOKO, giúp bạn chinh phục mọi nhà tuyển dụng.

Hướng dẫn cách viết CV tiếng Nhật chuẩn, ấn tượng

I. Ứng tuyển vị trí nào thì cần gửi CV tiếng Nhật?

Sinh viên học ngành ngôn ngữ Nhật hoặc các khối ngành khác biết ngoại ngữ tiếng Nhật sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, có thể xin việc vào nhiều vị trí, vai trò khác nhau, cơ bản nhất là nhân viên kinh doanh tiếng Nhật, biên phiên dịch tiếng Nhật, giáo viên tiếng Nhật... Dù ứng tuyển vào đâu thì bạn cũng sẽ phải gửi CV nhưng khi nào thì nên gửi CV tiếng Nhật?

  • Cần viết CV tiếng Nhật khi ứng tuyển tại các vị trí như: Biên/ phiên dịch hoặc làm việc, lao động xuất khẩu tại Nhật.
  • Khi ứng tuyển tại công ty Nhật Bản hoặc các công ty quốc tế có mối quan hệ với Nhật Bản.
  • Khi nhà tuyển dụng yêu cầu: Nếu trong JD yêu cầu ứng viên "Gửi CV xin việc tiếng Nhật tới địa chỉ email...", bạn hãy làm theo yêu cầu của nhà tuyển dụng nhé.

II. Người Nhật thường viết CV như thế nào?

Thực tế, CV ứng tuyển viết bằng ngôn ngữ nào cũng sẽ giữ nguyên vai trò là một tài liệu, hồ sơ xin việc mà trong đó ứng viên giới thiệu về bản thân, tuổi tác, học vấn, kinh nghiệm, mục tiêu nghề nghiệp... Nhà tuyển dụng căn cứ vào đó để so sánh, đánh giá và "chấm điểm" mức độ phù hợp của bạn với các tiêu chí, yêu cầu được đặt ra từ trước.

Tuy nhiên, CV tiếng Nhật có những điểm đặc trưng riêng, ứng viên cần điều chỉnh khi viết sao cho phù hợp với môi trường, văn hóa, con người Nhật Bản. Người Nhật chú trọng đến sự trung thành, trung thựccẩn thận, tỉ mỉ nên khi viết CV, đó là những từ khóa mà bạn không thể quên. Bên cạnh đó, mỗi vai trò cụ thể sẽ có yêu cầu riêng, chẳng hạn như mảng kinh doanh cần thông tin về doanh số (KPI), giáo viên cần kinh nghiệm trợ giảng, đứng lớp, biên phiên dịch cần kỹ năng, lập trình viên cần thông tin các dự án đã tham gia, hoàn thành.

III. Tải mẫu CV xin việc tiếng Nhật ở đâu chuẩn nhất?

CV xin việc tiếng Nhật (có thể được gọi là rirekisho (履歴書) không có quá nhiều mẫu, một phần cũng vì thực tế là nhiều bạn có bằng cấp, chứng chỉ tiếng Nhật thường tự tạo CV. Hơn nữa, người Nhật chú trọng đến sự đơn giản nên đôi khi, CV xin việc có thể hơi đơn điệu. Dù vậy, bạn vẫn cần cân nhắc và chọn mẫu mình cảm thấy phù hợp nhất để viết.
Một số mẫu CV xin việc tiếng Nhật được JobOKO giới thiệu đến bạn:

Mẫu số 1:

Mẫu số 2:

Mẫu số 3:

IV. Cách viết CV tiếng Nhật ấn tượng, chuẩn nhất

Lưu ý là các mẫu CV tiếng Nhật cho các bạn sinh sống, làm việc tại Nhật sẽ có điểm khác so với khi bạn xin việc ở trong nước. Bài viết này của JobOKO sẽ tập trung vào CV xin việc tiếng Nhật cho các bạn có nhu cầu ứng tuyển, làm việc tại Việt Nam.

1. Thông tin cá nhân (基本情報欄)

Phần thông tin cá nhân trong CV tiếng Nhật vẫn bao gồm các mục chính như CV tiếng Việt. Tuy nhiên, vì 2 ngôn ngữ khác nhau nên bạn phải chú ý để không bị sai, nhầm các nguyên tắc trình bày cơ bản.

  • ふりがな (Furigana): Đây là phần phiên âm tên của bạn từ tiếng Việt sang tiếng Nhật, bạn hãy viết bằng katakana nhé.
  • 氏名 (Họ tên): Ở đây, bạn viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt không dấu, viết hoa.
  • 生年月日 (Ngày sinh): Cách viết ngày tháng năm sinh của người Nhật hơi khác với chúng ta, họ sẽ viết theo thứ tự "ngược lại": Năm, tháng, ngày nên bạn tránh bị nhầm nhé.
  • Địa chỉ: Mục này cũng sẽ có cả phần là Furigana nhưng bạn chỉ cần viết địa chỉ bằng tiếng Việt không dấu, không nhất thiết phải phiên âm.
  • Email và số điện thoại liên hệ: Viết chính xác số di động, địa chỉ email bạn đang dùng.
  • Ảnh trong CV: Tươi tắn nhưng nghiêm túc, tránh dùng các ảnh quá phá cách hoặc năng động vì người Nhật có quan điểm hơi "bảo thủ", thích sự chỉn chu, lịch sự.

2. Mục tiêu nghề nghiệp/ Lý do ứng tuyển

Tùy vào mẫu CV mà phần này có thể được sắp xếp ở ngay đầu hoặc đẩy xuống gần cuối. Trong khi ngày nay, CV viết bằng tiếng Việt thì phần này có thể là 2, 3 gạch đầu dòng tóm tắt ngắn gọn mục tiêu cá nhân thì ở trong CV xin việc tiếng Nhật, bạn nên viết thành đoạn, giải thích lý do vì sao muốn ứng tuyển vào công ty, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình là gì.
Nhìn chung, vẫn nên viết ngắn gọn và trung thực, dĩ nhiên, bạn cần soát lỗi cẩn thận để không xảy ra trường hợp chỉ 1 đoạn 3, 4 dòng lại có lỗi chính tả hay ngữ pháp. Tùy vào vị trí việc làm bạn ứng tuyển, kỳ vọng của bản thân, mục tiêu cá nhân mà bạn trình bày hợp lý, thuyết phục trong CV.
Ví dụ: 私の目標は、チームで協力し合いながら、組織の目標達成に貢献することです。私は新しいことを学び、成長し、プロフェッショナルなスキルを向上させる意欲があります。
Tạm dịch: Tôi mong muốn được hợp tác làm việc theo nhóm và đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu của tổ chức. Tôi luôn có động lực để học hỏi những điều mới, phát triển và nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình.

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

3. Học vấn (学歴)

Phần học tập, đôi khi được dịch ra là lý lịch học tập - chắc chắn là một trong những phần quan trọng nhất trong CV tiếng Nhật. Thực tế, không có gì quá đặc biệt ở phần này nhưng cách trình bày thì vẫn khác. Nội dung sẽ được chia làm 3 cột rõ ràng (thay vì viết các gạch đầu dòng như CV tiếng Việt, tiếng Anh). Ở cột đầu tiên sẽ là thời gian nhập học, tiếp theo là thời gian tốt nghiệp, cuối cùng mới là tên trường, tên ngành, xếp loại và GPA (điểm trung bình học tập).
Với 2 mốc thời gian, bạn hãy nhớ viết theo thứ tự năm - tháng - ngày nhé. Trong khi đó, ở cột cuối, chỉ viết GPA nếu nhà tuyển dụng ghi rõ yêu cầu hoặc bạn vừa ra trường, bạn rất tự tin với kết quả học tập của mình. Trường hợp bạn tốt nghiệp đã lâu, ví dụ quá 5, 6 năm thì nên bỏ qua GPA.

4. Kinh nghiệm làm việc 職歴欄

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều thừa nhận rằng, phần đầu tiên họ đọc trong CV ứng viên gửi sẽ là kinh nghiệm. Điều đó phần nào nói lên tầm quan trọng của kinh nghiệm trong CV xin việc nói chung, CV tiếng Nhật nói riêng.
Về cơ bản, cách viết ở phần này cũng tương tự như CV tiếng Việt, tuy nhiên, như phần học vấn thì ở đây cũng chia theo từng cột. 2 cột đầu là thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc ở một công ty, cột tiếp theo mới là tên công ty, chức danh và mô tả đơn giản nhiệm vụ.
Việc chia từng phần trong CV thành các cột, hàng giúp ứng viên dễ viết hơn. Bạn hãy liệt kê các kinh nghiệm theo thứ tự thời gian đảo ngược, ưu tiên các công việc làm lâu dài. Người Nhật thường không thích ứng viên liên tục nhảy việc nên tốt nhất, bạn hãy tránh đề cập tới công việc làm dưới 6 tháng hoặc 1 năm (trừ khi bạn là sinh viên mới ra trường, chỉ đi thực tập, làm thêm...). Bên cạnh đó, ở mục ngày kết thúc, nếu bạn vẫn đang làm công việc đó thì có thể để trống.
*Lưu ý:

  • Với ứng viên có kinh nghiệm: Viết 3 - 5 kinh nghiệm liên quan nhất tới ngành nghề, lĩnh vực của bạn, nên bao gồm cả thành tích trong công việc, các dữ liệu, con số, dự án đã hoàn thành...
  • Với ứng viên chưa có kinh nghiệm: Chọn các trải nghiệm thực tập, làm thêm, làm CTV nếu có; nếu chưa từng làm bất kỳ việc gì, bạn nên giải thích rõ hoặc viết các khóa học bổ sung, nâng cao bạn tham gia, đặc biệt tránh nói dối vì chỉ cần bị phát hiện thì chắc chắn bạn sẽ bị loại vĩnh viễn.

5. Kỹ năng/Lĩnh vực thế mạnh

Có những công việc coi trọng kỹ năng chuyên môn, không phải giao tiếp nhiều nên kỹ năng cứng sẽ quan trọng hơn kỹ năng mềm. Trong khi đó, những công việc thiên về tư vấn, bán hàng, kinh doanh sẽ cần kỹ năng tư vấn, chốt đơn, thư tín thương mại... Nhìn chung, tùy vào việc làm tiếng Nhật bạn ứng tuyển và bộ kỹ năng bạn có mà điều chỉnh thông tin trong CV tiếng Nhật.
Lời khuyên cho bạn là chỉ nên viết ngắn gọn 4, 5 kỹ năng trong phần này, đừng quên bao gồm kỹ năng ngôn ngữ (ngoại ngữ) tiếng Nhật. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc độc lập, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề... cũng sẽ được đánh giá cao.

6. Chứng chỉ, giải thưởng

Mặc dù đã có phần học vấn nhưng chứng chỉ, giải thưởng vẫn là nội dung quan trọng trong CV tiếng Nhật. Trường hợp bạn là sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ tiếng Nhật hoặc đi du học về, theo học các chương trình đào tạo bằng tiếng Nhật thì chứng chỉ có thể không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn học tiếng Nhật như một ngoại ngữ thứ 2, thứ 3 ở trung tâm, bằng cấp là công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh... thì chứng chỉ sẽ quan trọng hơn.
Những kiểu chứng chỉ bạn nên đưa vào CV tiếng Nhật (nếu có) là:
  • Chứng chỉ ngôn ngữ: Phổ biến nhất là chứng chỉ năng lực tiếng Nhật JLPT, thường thì nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu rõ cần từ N mấy trở lên (N3, N2 hay N1). Nếu bạn có chứng chỉ tiếng Anh hay ngôn ngữ khác cũng hãy đề cập đến vì đó là một điểm mạnh khác sẽ được đánh giá cao.
  • Chứng chỉ chuyên môn theo từng lĩnh vực: Có thể là các chứng chỉ công nghệ thông tin, quản lý dự án, chứng chỉ hướng dẫn viên...
  • Chứng chỉ Tin học, kỹ năng mềm: Tin học văn phòng, hoàn thành khóa học phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý...
  • Các giải thưởng: Chỉ viết khi bạn đã đạt được giải thưởng trong công việc, thiết kế, phát minh, học tập, nghiên cứu...

7. Sở thích

Đối với phần sở thích trong CV tiếng Nhật thì tùy vào vị trí ứng tuyển mà bạn viết hay không viết. Các sở thích cho thấy sự tỉ mỉ, cẩn thận, khả năng tập trung và sáng tạo sẽ thường gây ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.

8. Thông tin bổ sung

Khác với các mẫu CV phổ biến, CV tiếng Nhật sẽ bao gồm cả một phần thông tin bổ sung, cho phép bạn đưa ra đề xuất, mong muốn hoặc cung cấp thêm thông tin. Bạn có thể viết về chiều cao, cân nặng ở phần này (nếu nhà tuyển dụng yêu cầu trong tin đăng tuyển mà bạn thì loay hoay không biết viết vào đâu); bạn muốn đi làm ở chi nhánh nào, muốn đi công tác tại Nhật hay không... và các thông tin tương tự như vậy.
Một điều khác là bạn sẽ thấy, trong các phần của CV tiếng Nhật không có phần tham chiếu thông tin hay hoạt động. Bạn có thể bỏ qua hoạt động (hoặc đề cập đến như một sở thích), còn người tham chiếu có thể viết luôn ở phần kinh nghiệm (trong cột nơi làm việc).

V. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật

Công ty Nhật hay công ty Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ, châu Âu..., dù ở đâu thì chắc chắn, điều mà nhà tuyển dụng coi trọng nhất vẫn là năng lực và đóng góp thực tế của bạn với sự phát triển, các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, văn hóa công ty khác nhau, công việc khác nhau sẽ đòi hỏi ở ứng viên bằng cấp, các tố chất khác nhau. Nếu như yêu cầu về số năm kinh nghiệm, học vấn, kỹ năng thường được liệt kê rõ trong mô tả công việc thì bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng sẽ có các kỳ vọng khác.
Với nhân sự tiếng Nhật, những tiêu chuẩn tuyển dụng cơ bản có thể bao gồm:

  • Trung thực, chăm chỉ, tỉ mỉ.
  • Nghiêm túc, tập trung.
  • Tinh thần trách nhiệm với công việc.
  • Chủ động, độc lập và vẫn có thể làm việc nhóm, phối hợp tốt khi cần.
  • Giao tiếp tiếng Nhật thành thạo cả bằng ngôn ngữ nói, viết.
  • Yêu thích và am hiểu văn hóa, con người Nhật Bản.
Trên đây là cách viết CV tiếng Nhật chuẩn chúng tôi chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng, bài viết này sẽ giúp những bạn chưa có kinh nghiệm có thể trình bày mẫu CV bằng tiếng Nhật để chinh phục nhà tuyển dụng. Bạn cũng có thể tham khảo các mẫu CV tiếng Anh để sử dụng thuận tiện khi ứng tuyển việc làm.

MỤC LỤC:
I. Ứng tuyển vị trí nào thì cần gửi CV tiếng Nhật?
II. Người Nhật thường viết CV như thế nào?
III. Tải CV xin việc tiếng Nhật ở đâu?
IV. Cách viết CV chuẩn người Nhật
V. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật

Đọc thêm: Mẫu CV xin việc cho người không có bằng cấp chuẩn, chuyên nghiệp, ấn tượng mạnh

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Đọc thêm: ​Những sai lầm nghiêm trọng nhất khi viết CV xin việc và cách khắc phục

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888