Trong thời đại số và chuyển dịch công nghệ 4.0, báo chí vẫn là một trong những ngành nghề được ưa chuộng và thu hút lực lượng lao động đông đảo. Tuy nhiên, để làm được công việc này, bạn cần phải có những tố chất và kỹ năng nhất định, từ sự năng động, nhiệt huyết, lập trường vững chắc cho tới kỹ năng ngôn ngữ và phân tích tốt.
Để theo đuổi nghề báo bạn cần có tố chất, kỹ năng gì?
Nhiệm vụ cốt lõi của nhà báo là cung cấp cho người đọc một bức tranh toàn cảnh, đầy đủ chi tiết về những gì đã xảy ra nên bạn buộc phải có kỹ năng quan sát và phân tích tốt, đánh giá vấn đề đa chiều và thậm chí là tìm ra những chi tiết dễ bị bỏ quên.
Bạn phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt, cả nói và viết nếu như muốn đặt chân vào lĩnh vực này. Bạn có thấy mình là người linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ? Giọng văn của bạn có đa dạng hay không? Bạn phù hợp để viết theo phong cách hài hước hay chính luận, phân tích có chiều sâu? Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không được nói ngọng hay mắc các lỗi về ngữ pháp, chính tả trong bài viết của mình.
Thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là Tiếng Anh cũng sẽ mang đến cho bạn những cơ hội tốt khi làm nghề báo như hội nhập với báo chí toàn cầu, làm phóng viên thường trú tại nước ngoài, phụ trách mảng tin tức quốc tế, ...
Trở thành nhà báo đồng nghĩa với việc phải luôn chuẩn bị tinh thần "đối phó" với các vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, bạn cần đủ cứng rắn và sự tự tin để chịu áp lực công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bạn thậm chí còn phải đón nhận các chỉ trích, lời soi mói từ nhiều phía. Còn tính an toàn trong công việc thì sao? Bạn có thể sẽ phải xông pha vào những nơi nguy hiểm như vào các vùng bão lũ hoặc theo sát một vụ án. Những điều này đòi hỏi bạn phải có quyết tâm cao độ và phải chịu được áp lực lớn.
Nghề báo là công việc luôn đòi hỏi khả năng chịu áp lực cao
Để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, bạn cần phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng về một lĩnh vực và nền tảng kiến thức cơ bản về các ngành nghề khác. Bạn cũng cần phải linh hoạt trong quá trình tiếp thu những kiến thức mới để không ngừng nâng cao chất lượng bài viết, bản tin của mình.
Không chỉ lấy tin và viết bài đơn thuần, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, những kỹ năng như lập trình, thiết kế đồ họa, báo chí đa phương tiện, ... đang dần trở thành điều kiện thiết yếu với mọi nhà báo. Kỹ năng thiết kế đồ họa hoặc chỉnh sửa hình ảnh/video sẽ khiến bài viết hấp dẫn hơn, từ đó tăng tương tác với người đọc.
Vì nhiệm vụ và trách nhiệm luôn gắn bó với lợi ích cộng đồng, một nhà báo chuyên nghiệp phải luôn tuân theo các chuẩn mực đạo đức và phải có nguyên tắc làm việc rõ ràng. Những nguyên tắc như đưa tin chính xác, đúng sự thật, có thái độ công bằng, khách quan,... luôn phải đặt lên hàng đầu. Chỉ có như vậy, người đọc mới có thể đặt niềm tin vào những nhà báo cũng như ngành báo chí nói chung.
Tò mò có thể là một tính xấu trong cuộc sống thường ngày nhưng điều này lại cực kỳ cần thiết đối với một nhà báo. Sau khi đọc một câu chuyện hoặc một sự việc nào đó, bạn có thường lên mạng để tìm kiếm xem các tờ báo khác nhau viết về nó như thế nào, họ nhìn từ góc cạnh nào, quan điểm của họ ra sao? Nếu có thì bạn đã sở hữu một trong những tố chất quan trọng nhất của nghề báo.
Ngoài ra, một nhà báo giỏi cũng luôn có xu hướng tự tìm kiếm thông tin về các sự kiện trong nước và quốc tế hoặc tìm tòi kiến thức về một lĩnh vực chuyên môn nào đó để có thể truyền tải đến người đọc những thông tin chính xác và toàn diện.
Với đặc thù nghề nghiệp luôn phải làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh, thay đổi chóng mặt, một nhà báo chuyên nghiệp phải luôn tràn đầy năng lượng để có thể đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào cần thiết nhằm cập nhật tin tức nóng hổi. Ngoài ra, bạn phải nuôi dưỡng đam mê với các vấn đề mang tính thời sự, từ đó sẵn sàng vào hiện trường thực hiện các cuộc phỏng vấn, khảo sát, theo sát sự kiện đến cuối cùng.
Bởi đối tượng lấy tin là những con người thực, tình huống thực có tác động đến nhiều người xung quanh; vì vậy, những người làm báo cần giữ chừng mực trong việc đặt câu hỏi, luôn tôn trọng cảm xúc của người đối diện, đặc biệt những người vừa trải qua bi kịch hay có hoàn cảnh khó khăn.
Dù đó là vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn hay không đáng kể, hãy nhớ rằng lời nói và câu chữ của bạn có sức nặng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Trước khi đặt bút viết, thử đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ có cái nhìn bao quát và nhân văn hơn. Suy cho cùng, trách nhiệm của nhà báo là đưa tin vì lợi ích cộng đồng nhưng cũng không được làm tổn thương bất kỳ cá nhân nào.
Những nhà báo có tố chất kinh doanh sẽ biết cách tận dụng nguồn tài nguyên mạng xã hội phong phú để phát triển sự nghiệp bản thân thay vì gò bó trong một tòa soạn hay đài truyền hình. Hiện nay, có rất nhiều MC, nhà báo có những trang blog, kênh YouTube riêng, mang lại nguồn thu nhập khá lớn bên cạnh mức lương chính thức.
Trên đây là 10 tố chất giúp bạn tự khẳng định liệu mình có phù hợp với nghề báo chí hay không. Đừng ngại học hỏi và cải thiện bản thân để có cơ hội đặt chân vào lĩnh vực đầy triển vọng này nhé!
MỤC LỤC:
I. Kỹ năng cần có của một nhà báo xuất sắc
II. Tố chất của một nhà báo có tâm, xứng tầm
Đọc thêm: Mẹo tăng kỹ năng phân tích cho bản thân
Đọc thêm: Các vị trí việc làm ngành Báo chí, Truyền thông thu hút ứng viên