Bí quyết lựa chọn đối tác kinh doanh hoàn hảo, đáng tin

14/04/2022 10:30
Lựa chọn đối tác kinh doanh là một trong những bước quan trọng nhất để bạn định hướng và thúc đẩy mở rộng thị trường, quy mô doanh nghiệp. Khi tìm kiếm và lựa chọn đối tác kinh doanh, bạn cần cách tiếp cận thông minh để tạo dựng các giao ước lâu dài, hợp pháp và hiệu quả.

Một tập đoàn, công ty hay cửa hàng, dù lớn hay nhỏ thì khi được thành lập đều sẽ cần tìm kiếm và hợp tác với những đối tác đáng tin cậy để phát triển lâu dài. Bạn cũng sẽ dành nhiều thời gian để lên kế hoạch cho các sự kiện, chiến lược, dự án kinh doanh lớn với đối tác của mình, do đó sẽ cần có sự hòa hợp giữa 2 bên.

Những cách chọn đối tác kinh doanh hoàn hảo nhất

I. Trước khi bắt đầu tìm kiếm đối tác kinh doanh

Muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh thì trước hết bạn cần hiểu được rằng bạn không thể đưa ra một ý tưởng nửa vời rồi mong đợi mọi người tin tưởng và đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian vào đó. Không ai có thể chấp nhận một công việc, một khoản đầu tư mà không hiểu rõ về những gì cần bỏ ra, vai trò thực tế cũng như cách thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận.
Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu cân nhắc tìm kiếm đối tác kinh doanh phù hợp nhất, bạn phải tính toán, xác định tất cả các tiêu chí hàng đầu mà bạn muốn tìm kiếm cũng như những gì bạn mong đợi cùng nhau đạt được. Bạn có thể trả lời các câu hỏi như:

  • Tại sao tôi cần một đối tác kinh doanh?
  • Đối tác sẽ giúp đỡ thế nào với việc kinh doanh như thế nào?
  • Có yêu cầu cụ thể nào mà đối tác của tôi nhất định phải có không?
Và theo cách tương tự, bạn cũng sẽ cần có một cái nhìn khách quan về bản thân:
  • Mình có thể đóng góp những giá trị khi liên doanh?
  • Thế mạnh và điểm yếu của bản thân ở đâu?

Sau khi rõ ràng về mục đích, yêu cầu, bạn có thể liệt kê đầy đủ thông tin và bắt tay vào xây dựng kế hoạch cũng như viết thư mời hợp tác kinh doanh.

II. Tìm đối tác kinh doanh ở đâu?

1. Đồng nghiệp

Lợi thế của việc tìm đến đồng nghiệp (cả hiện tại và đồng nghiệp cũ), thuyết phục họ hợp tác, trở thành đối tác kinh doanh là bạn biết về năng lực của họ, về điểm mạnh và cả hạn chế. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng ai đó mà bạn đã làm việc cùng 5 hoặc 10 năm trước có thể đã có rất nhiều sự thay đổi cả về định hướng nghề nghiệp nên hãy coi họ là đối tác tiềm năng nhưng vẫn cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch kinh doanh cũng như đánh giá họ một cách công bằng. Nếu hai bên cùng chung chí hướng, có thể hợp tác là tốt nhất còn nếu không thì bạn vẫn còn những cơ hội khác.

2. Bạn bè, người quen và thành viên gia đình

Ưu điểm của giải pháp này là đối tác kinh doanh tiềm năng của bạn đều sẽ đáng tin và có mức độ tương thích nhất định ở cấp độ cá nhân. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là bạn bè, người thân của bạn chắc chắn sẽ trở thành đối tác kinh doanh phù hợp vì mọi người có thể rất khác nhau về nghề nghiệp, cách nhìn nhận về lợi ích, phương thức kinh doanh... Lời khuyên cho trường hợp này là bạn hãy cẩn thận, đảm bảo đánh giá nghiêm túc, đừng tạo ra những ngoại lệ. Sự cả nể hay dựa dẫm dễ dẫn đến kinh doanh không hiệu quả mà mối quan hệ đáng giá còn có nguy cơ bị hủy hoại.

Tìm đối tác kinh doanh ở đâu đáng tin nhất?

3. Tham gia các diễn đàn chuyên nghiệp, sự kiện, các cuộc thi

Tham dự các sự kiện kết nối, kêu gọi đầu tư trực tiếp hay những diễn đàn chuyên nghiệp về ngành nghề kinh doanh, cuộc thi... đều là cách để mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm được đối tác kinh doanh chất lượng. Ngoài ra, bạn có thể thử các nền tảng được thiết kế để gắn kết doanh nhân.

4. Kết nối trên LinkedIn, mạng xã hội

LinkedIn có thể cung cấp cho bạn quyền truy cập vào nhóm kết nối rộng lớn hơn theo cách chuyên nghiệp với một số bảo mật. Cho dù là một người quen cũ ở trường đại học, một đồng nghiệp mà bạn đã làm việc trong thời gian ngắn hay một người nào đó mà bạn thấy có mặt tại một hội nghị chuyên ngành,... thì bạn đều có thể tìm kiếm, trò chuyện và cân nhắc gửi lời mời hợp tác.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng là một kênh khác để tìm kiếm và lựa chọn đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, có lưu ý là kênh này chủ yếu hợp với kinh doanh nhỏ lẻ như tìm đối tác góp vốn bán quần áo bình dân, thực phẩm, phụ kiện, tìm cộng tác viên...

III. Cần tìm kiếm điều gì ở một đối tác kinh doanh?

Xác định rõ những kỳ vọng của bạn với đối tác kinh doanh là bước bắt buộc phải làm trước khi ra quyết định. Chắc chắn, bạn cần xem xét kỹ kế hoạch của mình, đánh giá năng lực, nguồn vốn hiện có, triển vọng và sau đó xem xét bản thân thiếu những gì, liệu đối tác kinh doanh có đáp ứng được không. Dĩ nhiên, bạn có thể bị hấp dẫn khi tìm thấy đối tác có nhiều điểm chung nhưng đây không nhất thiết là những gì doanh nghiệp của bạn nhất định phải có. Hãy nhớ, đôi khi một người không cùng ngành nghề lại có những ý tưởng sáng tạo và có tiềm năng mạnh mẽ, có thể hợp tác hiệu quả và lâu dài với bạn.
Bên cạnh đó, đối tác bạn tìm được cũng phải là người có thể thỏa thuận về các vấn đề như đóng góp, quyền hạn và phân chia lợi nhuận. Tất cả các thông tin này đều cần rõ ràng và thống nhất dù phải họp bàn nhiều lần, miễn là có thể giúp hai bên tránh bất đồng sau này.

Tìm bí quyết thu hút đối tác kinh doanh tiềm năng

IV. Cách thu hút đối tác kinh doanh

Sau những bước trên, chắc chắn bạn đã thu hẹp được danh sách những đối tác kinh doanh tiềm năng. Cuối cùng, nhiệm vụ khó khăn nhất là bạn phải tìm nhiều cách để xác định xem họ có thực sự là người phù hợp hay không và bạn phải làm thế nào để "bán" ý tưởng của mình cho họ.
Đôi khi, đối tác kinh doanh hoàn hảo trên giấy cũng chỉ là trên giấy mà thôi - thực tế có thể khác xa những gì bạn nghĩ. Vì lý do này, điều quan trọng là bạn có thể truyền đạt hiệu quả kế hoạch của mình cho họ và trình bày kỳ vọng của mình. Những khía cạnh này cần được làm rõ ngay từ đầu vì hiểu lầm nhỏ có thể nhanh chóng tăng lên và làm suy yếu mối quan hệ hợp tác. Bạn nên dành thời gian, nỗ lực và kiên nhẫn với cả quá trình để tối đa hóa cơ hội thành công.

V. Quy trình lựa chọn đối tác kinh doanh

1. Người có kỹ năng và kinh nghiệm

Một đối tác kinh doanh tốt nên có các kỹ năng xuất sắc, nổi bật và kinh nghiệm làm kinh doanh. Mặc dù không ai có thể giỏi tất cả nhưng điều bạn cần sẽ là những người có những thứ bạn không có để bổ khuyết cho nhau, chẳng hạn bạn có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời nhưng kỹ năng phân tích tài chính kém thì có thể tìm đối tác có nền tảng vững chắc về kế toán doanh nghiệp. Đối tác kinh doanh giỏi và sẵn sàng hợp tác, lắng nghe sẽ giúp cho việc lập kế hoạch, phát triển và điều hành doanh nghiệp dễ dàng hơn.

2. Có thể chia sẻ giá trị, tinh thần doanh nhân và tầm nhìn của bạn

Trong tất cả những điều cần tìm kiếm ở một đối tác kinh doanh, điều này có lẽ là quan trọng nhất. Bạn sẽ cần có khả năng giao tiếp hiệu quả với đối tác của mình để đưa ra quyết định, đặt mục tiêu và thúc đẩy kinh doanh. Nếu bạn hợp tác với một người thích gây gổ hoặc cố chấp, không biết lắng nghe thì việc hợp tác gần như chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt.

3. Không có nhiều vấn đề cá nhân

Nếu đối tác của bạn có những vấn đề trong cuộc sống cá nhân như tai tiếng, xung đột... thì điều đó có thể ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Thật tuyệt khi sẵn sàng cho ai đó cơ hội nhưng điều hành một doanh nghiệp hay cửa hàng rất cần sự tập trung, thời gian và năng lượng tích cực. Nếu đối tác kinh doanh của bạn đang đối phó với hết khủng hoảng cá nhân này đến khủng hoảng cá nhân khác thì rất có thể bạn sẽ phải gánh vác hầu hết sức nặng của công việc.

4. Có thể cung cấp tài nguyên và uy tín cho doanh nghiệp

Thật tuyệt khi có một đối tác kinh doanh có nguồn lực tài chính nhưng bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc khi đánh giá tiềm năng của một số giá trị khác tương đương mà đối tác có thể mang lại cho doanh nghiệp. Một đối tác có mạng lưới kinh doanh an toàn, các kết nối trong ngành, danh sách khách hàng hợp tác lâu dài hoặc kỹ năng mềm và năng lực chuyên môn cụ thể sẽ giúp gia tăng cơ hội đạt được thành công lâu dài.

5. Ổn định về tài chính

Việc đối tác của bạn có đóng góp tài chính nhiều hay ít không quan trọng bằng việc tìm hiểu xem họ có gặp khó khăn, rắc rối về tài chính không. Một người nào đó đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính có thể không phải là lựa chọn tốt nhất để hợp tác kinh doanh vì nhiều lý do, chẳng hạn như điều đó cho thấy họ thiếu các kỹ năng quản lý tiền bạc, tài sản và thời gian. Thậm chí những người đó còn mang đến nguy cơ dùng tiền công ty đi giải quyết vấn đề tài chính cá nhân.

6. Trung thực, đáng tin

Một lưu ý quan trọng khác khi lựa chọn đối tác kinh doanh là bạn chỉ nên hợp tác với người mà bạn có thể tin tưởng, tốt nhất là người coi trọng sự trung thực và có danh tiếng, uy tín, đạo đức tốt cả với đời sống cá nhân và kinh doanh. Điều này cũng giúp bạn tránh gặp các trường hợp bị đối tác ăn cắp lý tưởng hoặc vi phạm pháp luật, nhanh chóng tách ra kinh doanh riêng...

Những yếu tố cần thiết để có quan hệ tốt nhất với đối tác

7. Tôn trọng là yếu tố cần thiết để hình thành quan hệ đối tác thành công

Bạn không bao giờ nên hợp tác với người mà bạn không tôn trọng hoặc ngược lại. Mục đích chính của việc hình thành quan hệ đối tác kinh doanh là tin tưởng, ủng hộ và cùng nhau nỗ lực để đạt được thành công với tư cách là một nhóm. Bạn hoặc đối phương có thể không coi trọng ý kiến ​​và nỗ lực của người còn lại vì những định kiến hoặc sự không tôn trọng.

8. Lên kế hoạch trước cho trường hợp bất đồng và phải "đường ai nấy đi"

Cho dù bạn chọn hợp tác với ai trong kinh doanh, hãy đảm bảo 2 bên đều có tất cả các thỏa thuận bằng văn bản, hợp pháp. Không ai chắc chắn về việc liệu có thể hợp tác với nhau bao lâu dù khi bắt đầu ai cũng muốn lâu dài nhất có thể. Hợp đồng, thỏa thuận, ủy quyền... tất cả các tài liệu này đều phải được quy định từ trước khi ký kết và được đồng thuận từ 2 bên đề phòng trường hợp bất đồng sau này. Đừng để hiểu lầm về tiền bạc và tầm nhìn kinh doanh hủy hoại các mối quan hệ của bạn, dù là người thân hay bạn bè hợp tác cùng vẫn phải sòng phẳng và đúng đắn.
Lựa chọn đối tác kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng nhất ảnh hưởng đến triển vọng, tiềm năng phát triển của cửa hàng, công ty... Cũng vì vậy mà khi kêu gọi đầu tư, lựa chọn đối tác bạn nên dành thời gian cân nhắc, tìm hiểu, đánh giá cũng như tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược đầy đủ, thuyết phục.

MỤC LỤC:
I. Trước khi bắt đầu tìm kiếm đối tác kinh doanh
II. Tìm đối tác kinh doanh ở đâu?
III. Cần tìm kiếm điều gì ở một đối tác kinh doanh?
IV. Cách thu hút đối tác kinh doanh
V. Quy trình lựa chọn đối tác kinh doanh

Đọc thêm: 4 Bí quyết vàng để làm chủ sự nghiệp của bạn nhanh chóng

Đọc thêm: Bí quyết giúp nhân viên cảm thấy hài lòng với môi trường làm việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888