Kết quả đánh giá nhân viên sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để khen thưởng và xét tăng lương. Đôi khi, nó cũng được dùng để ra quyết định cử nhân viên tham gia chương trình đào tạo hoặc hỗ trợ học lên. Tuỳ thuộc vào từng công ty và vị trí mà tiêu chí đánh giá nhân viên có thể khác nhau. Có khi nào bạn tự hỏi,
trước khi đề xuất tăng lương, cần cân nhắc kỹ những điều gì và nhà tuyển dụng đánh giá nhân viên qua các tiêu chí nào chưa?
Tiêu chí đánh giá hiệu suất làm việc làm của nhân viên khác nhau giữa các doanh nghiệp
Đánh giá nhân viên dựa trên các tiêu chí nào?
1. Kỹ năng tổ chức và giao tiếp
Một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá nhân viên là khả năng tổ chức công việc và giao tiếp, tương tác với sếp, đồng nghiệp cũng như khách hàng. Bộ kỹ năng này sẽ cho thấy khả năng thích ứng và mức độ ưu tiên của nhân viên đó trong các nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau.
Những đặc điểm mà các nhà quản lý đánh giá bao gồm cam kết về sự hài lòng của khách hàng, khả năng làm việc theo nhóm,
kỹ năng giao tiếp, không ngừng học hỏi và phát triển, kỹ năng quản lý thời gian.
2. Khả năng hoàn thành công việc tại vị trí cụ thể
Hiệu suất công việc là tiêu chí đánh giá quan trọng nhất khi đánh giá nhân viên, vì đó là yếu tố cốt lõi cho thấy giá trị thực tế của nhân viên đó. Mức thấp nhất được xem xét là nhân viên có hoàn thành được tất cả nhiệm vụ liệt kê trong bản
mô tả công việc khi ứng tuyển hay không. Trên thực tế, việc đánh giá khách quan về hiệu suất công việc vẫn thường đơn giản hơn so với các tiêu chí khác.
Ví dụ, nếu một trong những nhiệm vụ của nhân viên liên quan đến phát triển các kế hoạch marketing hàng tháng, người quản lý có thể dễ dàng xác định liệu nhân viên đó hoàn thành các kế hoạch đó mỗi tháng, đúng kỳ hạn hay không. Nhìn chung, tiêu chí đánh giá chất lượng công việc thường được xây dựng dựa trên các nhiệm vụ cụ thể, và coi việc hoàn thành là thước đo.
Một số tiêu chí cụ thể để đánh giá khả năng hoàn thành công việc của nhân viên bao gồm:
2.1. Mức độ thực hiện công việc
Cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối năm là thời điểm thích hợp để đánh giá hiệu suất công việc của nhân viên. Khi đảm nhiệm vai trò cụ thể trong một doanh nghiệp, nghĩa là bạn đã cam kết hoàn thành các nhiệm vụ được giao và do đó, việc bạn hoàn thành hay không rất quan trọng. Thông thường, quản lý sẽ đánh giá cao những người chăm chỉ, cầu tiến, thái độ tích cực và đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của tất cả các công việc.
2.2. Chất lượng công việc
Trong thị trường cạnh tranh như hiện nay, công ty hay doanh nghiệp nào cũng cần đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ để có thể đứng vững và phát triển. Để làm được như vậy, mỗi nhân viên đều phải có khả năng xử lý tốt công việc, đảm bảo chất lượng công việc tốt nhất.
Tiêu chí đánh giá này sẽ được đo lường thông qua việc đánh giá sản phẩm/dịch vụ, phản hồi của khách hàng, khả năng thích nghi với các thay đổi của nền tảng sản xuất,...
2.3. Sức sáng tạo
Sáng tạo là một trong những điểm quan trọng nhất trong việc đánh giá hiệu suất của nhân viên. Cụ thể, nó được thể hiện qua việc nhân viên đó có đề xuất, đóng góp ý tưởng cho bộ phận hay không? Có khả năng đưa ra giải pháp mới hay không? Có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thành công hay không?
2.4. Tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn
Mỗi thành viên trong bộ phận nói riêng và toàn công ty nói chung phải có khả năng tự giác, chủ động hoàn thành phần công việc của mình. Khi đánh giá nhân viên, hãy kiểm tra tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn của họ và chất lượng cuối cùng.
2.5. Khả năng đảm bảo ngân sách
Đối với những vị trí liên quan tới lập kế hoạch, xây dựng chiến lược hoặc làm việc theo dự án, việc đảm bảo hoàn thành công việc theo dự toán ngân sách ban đầu là rất quan trọng. Một nhân viên sẽ được đánh giá cao hơn nếu có khả năng kiểm soát, điều chỉnh công việc phù hợp với mục tiêu ngân sách đã xác định từ trước.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao các ứng viên có kỹ năng và khả năng hoàn thành công việc tốt
3. Khả năng hoàn thành mục tiêu chung
Tất cả nhân viên đều phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng và thách thức, sau đó tự mình nỗ lực, phối hợp với đồng nghiệp để hoàn thành. Tiêu chí đánh giá nhân viên này chủ yếu được xây dựng dựa trên hiệu suất tổng thể của từng cá nhân.
Người quản lý có thể sử dụng thông tin được thu thập từ phần đánh giá này để xác định xem có nên đặt ra các mục tiêu thách thức hơn hay giữ nguyên chúng đối với các nhân viên khác nhau. Một số người thường xuyên đảm nhận các nhiệm vụ nằm ngoài mô tả công việc của họ, do đó, cấp trên có thể kết hợp đánh giá khả năng linh hoạt và thái độ sẵn sàng xử lý,
hoàn thành công việc đúng thời hạn của họ.
Ngoài ra, với các tiêu chí đánh giá nhân viên, doanh nghiệp cần xác định rõ mức độ dưới chuẩn, đạt chuẩn và xuất sắc. Ghi nhận và biểu dương thành tích tốt của nhân viên ưu tú sẽ tạo động lực, trong khi với các trường hợp kém hơn, có thể nhắc nhở hoặc tạo điều kiện để họ học hỏi và đào tạo nhiều hơn.