Cách viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn cao

19/12/2022 08:30
Bạn muốn ứng tuyển vào một vị trí phù hợp với những kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp chuyên môn của nhà tuyển dụng? Vậy bạn có nên "liều lĩnh" ứng tuyển vào công việc này? Cách viết CV xin việc thế nào khi bạn không có bằng cấp cao?

Theo thống kê, chỉ có 2% nhà tuyển dụng đặt yếu tố về bằng cấp lên hàng đầu, số khác cho rằng tiềm năng của ứng viên (45%), kinh nghiệm (37%) và phẩm chất (16%) mới là điều kiện quan trọng nhất. Bởi vậy, không có đủ bằng cấp chuyên môn, bạn vẫn có thể ứng tuyển vào công việc mà mình yêu thích. Tuy nhiên, bạn cần phải điều chỉnh lại CV sao cho làm nổi bật được những thế mạnh về kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bản thân thay vì các yếu tố liên quan đến bằng cấp.

Hướng dẫn cách viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn

Thiếu đi bằng cấp chuyên môn, bạn có thể mất tự tin khi ứng tuyển vào nhiều vị trí vì bạn hiểu rằng mình đã không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản là bằng cấp phù hợp. Bạn hãy nghĩ theo hướng tích cực, tự tạo động lực cho bản thân vì bạn có cơ hội xin việc thành công vào các vai trò có việc tốt, lương cao nếu như điều chỉnh đơn giản với CV xin việc.
Bước đầu tiên trước khi viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn là bạn cần tự xác định xem đâu là thông tin, là tố chất nhà tuyển dụng coi trọng nhất ở một ứng viên như bạn. Liệu có phải kinh nghiệm hay kỹ năng hay tiềm năng từ bạn? Theo đó, thông tin không thể thiếu trong CV vị trí này là kỹ năng phục vụ công việc và tiềm năng - nghĩa là sự nỗ lực, chăm chỉ, không ngại vất vả. Xuyên suốt nội dung CV, bạn hãy đưa các thông tin và từ khóa này vào.

II. Chọn mẫu CV phù hợp cho người không có bằng cấp

Khi không đáp ứng đủ các yêu cầu về bằng cấp chuyên môn của nhà tuyển dụng, bạn nên chọn định dạng CV xin việc theo kiểu Hybrid. Đây là kiểu CV có sự kết hợp giữa CV theo trình tự thời gian (giúp làm nổi bật kinh nghiệm làm việc của bạn) và kiểu CV chức năng (nhấn mạnh những kỹ năng và thành tích mà bạn đã đạt được).

Mẫu CV ảnh hưởng rất nhiều đến ấn tượng của nhà tuyển dụng với bạn. Với các định dạng kể trên, bạn có thể ít nhiều làm cho phần học vấn, bằng cấp trở nên mờ nhạt hơn, ít được chú ý hơn. Khi mà các nội dung về kỹ năng, kinh nghiệm đã khá ấn tượng và được sắp xếp ở phía đầu CV thì việc thiếu trình độ chuyên môn sẽ ít bị "soi" hơn. Ngoài ra, dù chọn mẫu CV xin việc thế nào thì bạn cũng phải đảm tính thẩm mỹ, sao cho đơn giản nhưng đẹp, bố cục chuẩn nhé.

III. Cách viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn cao

1. Thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân là phần đầu tiên trong CV xin việc với tất cả các vị trí và dù là với các ứng viên có bằng Thạc sĩ hay những người chưa có, không có bằng cấp chuyên môn cao thì phần này cũng phải được viết đầy đủ, chính xác. Lưu ý cho bạn là hãy lựa chọn ảnh CV thật đẹp, thật tươi sáng và nếu có thể, hãy phần nào thể hiện được sự trung thực, chân thật của bạn. Khi tuyển lao động không có bằng cấp chuyên môn, nhà tuyển dụng thích các bạn có vẻ nhiệt tình và trung thực vì thường thì những người như vậy sẽ nghiêm túc, trân trọng cơ hội việc làm.
Nếu như trên Facebook, Instagram của bạn có nhiều hình ảnh, thông tin cho thấy kỹ năng và kinh nghiệm của bạn: Chỉnh sửa ảnh, video, viết nội dung thú vị hay các "tác phẩm" hoàn thiện từ tay nghề của bạn (thủ công, phụ kiện)... thì hãy đưa link vào CV, còn nếu không thì bạn cần đặc biệt tránh phần này nhé.

Nên đưa những gì vào CV xin việc khi không có bằng cấp cao?

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu nghề nghiệp mà bạn viết trong CV xin việc nhất định phải phù hợp với vai trò bạn ứng tuyển. Bạn không thể đặt mục tiêu trở thành giám đốc sáng tạo khi ứng tuyển nhân viên kinh doanh. Nhìn chung, hãy dựa vào mục tiêu thực tế của cá nhân bạn và đừng quên khẳng định mục tiêu của bạn đều nhằm đóng góp, cống hiến cho công ty.
Gợi ý viết mục tiêu nghề nghiệp cho vai trò Nhân viên kinh doanh:

  • Sử dụng kỹ năng chuyển đổi có được từ các công việc trước đây để đạt doanh số bán hàng và vượt KPI sau 2 tháng.
  • Học hỏi, nâng cao kỹ năng chốt đơn hàng, mục tiêu vượt doanh số 10 - 20% sau 6 tháng làm việc.
  • Thăng tiến lên leader sau 2 năm.

3. Kinh nghiệm làm việc

3.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Hãy đảm bảo từng câu chữ của mục "Kinh nghiệm làm việc" đều có ý nghĩa. Bạn nên cung cấp thông tin chi tiết về một công việc tương tự mà bạn đã từng làm, bao gồm cả những thành tích mà bạn đã đạt được.
Về cơ bản, bạn cần phải cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn sẽ trở thành một nhân viên tiềm năng trong công ty của họ và việc bạn còn thiếu một số bằng cấp, chứng chỉ liên quan sẽ không hề tác động với chất lượng công việc của bạn. Bạn đã có đầy đủ những tố chất, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành tốt nhất những công việc được giao.
Thiếu bằng cấp chuyên môn nhưng đổi lại kinh nghiệm của bạn đa dạng thì khả năng trúng tuyển của bạn vẫn có thể lên tới 80%. Dĩ nhiên các kinh nghiệm liên quan nhất tới vai trò, ví dụ làm nhân viên phục vụ, lễ tân spa 3 năm thì khi xin làm lễ tân khách sạn 3 sao sẽ được ưu tiên. Nếu có thể, bạn cũng đừng quên thêm một số số liệu, thành tích vào phần này.
Gợi ý: Công ty Tư vấn Bảo hiểm ABC, Chuyên viên tư vấn (1/2020 - nay)

  • Giới thiệu, tư vấn và bán các gói bảo hiểm nhân thọ cho khách.
  • Doanh thu trung bình 10 hợp đồng/tháng (hơn 200 triệu) trong 6 tháng đầu, tăng trung bình 15% cho đến nay.

3.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Vừa thiếu bằng cấp chuyên môn lại thiếu kinh nghiệm làm việc, đây có thể là "thế khó" nhất của một ứng viên, nhất là nếu bạn muốn ứng tuyển vào các công việc không phải lao động phổ thông. Lúc viết CV xin việc, chắc chắn bạn sẽ phải cân nhắc thật nhiều. Tùy vào ngành nghề mà bạn lựa chọn ra các trải nghiệm có vẻ sẽ hữu ích. Ví dụ, bạn xin việc lễ tân cho salon tóc thì có thể viết về kinh nghiệm hỗ trợ các sự kiện ở xã, phường, thị trấn của mình; xin việc thiết kế, chỉnh sửa ảnh trong studio chụp ảnh thì có thể viết về các thiết kế bạn đã làm, dù là làm thêm hoặc giúp đỡ bạn bè, người quen.
Gợi ý: Thiết kế tự do (2019 - 2020)

  • Photoshop ảnh, chỉnh sửa video theo yêu cầu của khách hàng.
  • Có kênh YouTube riêng, tổng lượt like video đạt hơn 5 triệu lượt.
Kinh nghiệm làm việc là phần mà nhà tuyển dụng chú ý nhiều nhất

4. Kỹ năng

Để nói về phần quan trọng nhất ngoài kinh nghiệm trong CV xin việc cho ứng viên không có bằng cấp chuyên môn cao, đó chắc chắn là phần kỹ năng. Cả kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn, tay nghề) hay kỹ năng mềm đều rất được nhà tuyển dụng chú ý, coi trọng. Nói cách khác, trong nhiều trường hợp, thiếu bằng cấp, kinh nghiệm thì kỹ năng chính là "cần câu cơm" duy nhất của bạn. Vì lý do đó, bạn không thể không làm nổi bật trong CV.
Như một lẽ đương nhiên, các kỹ năng bạn liệt kê phải liên quan tới vị trí ứng tuyển và ngành nghề, phải là kỹ năng bạn có (thay vì kể cho có hoặc lấy nguyên yêu cầu kỹ năng của nhà tuyển dụng). Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đưa vào CV khoảng 4, 5 kỹ năng.
Gợi ý viết phần kỹ năng cho vai trò Nhân viên lễ tân spa:

  • Kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, giao tiếp hiệu quả.
  • Kỹ năng sắp xếp.
  • Kỹ năng hành chính văn phòng.
  • Kỹ năng tin học cơ bản.
  • Kỹ năng tư vấn và chăm sóc khách hàng.

5. Học vấn

Ngay cả khi không có bằng cấp để liệt kê ra thì phần Trình độ học vấn của bạn vẫn cần phải thuật chuyên nghiệp. Thay vì liệt kê tên loại bằng cấp, bạn có thể thể hiện quyết tâm học tập và phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của mình.
Bạn có thể kể tên bất cứ một khóa đào tạo nào mà bạn đã tham gia, có thể do bạn chủ động hoặc được công ty cũ yêu cầu. Đó cũng có thể là thời gian thử việc, những chương trình, hội nghị, khóa học trực tuyến,... Đôi khi, những chương trình thực tế, mới mẻ như vậy còn có giá trị với nhà tuyển dụng nhiều hơn là những loại bằng cấp đã cũ hoặc về một lĩnh vực không liên quan.
Về mặt lý thuyết là vậy nhưng ứng viên cũng không thể ẩn phần học vấn khỏi CV xin việc. Bạn vẫn cần viết bằng cấp cao nhất của mình, dù đó là tốt nghiệp cấp 3 hay trung cấp nghề. Tuy nhiên, một lưu ý cho bạn là chỉ viết thông tin về một loại bằng cấp của mình, chẳng hạn như bằng THPT, bằng cao đẳng. Nếu đã có bằng trung cấp thì đừng viết về trường cấp 3 của mình.
Gợi ý: THPT [tên trường], [tên tỉnh/thành phố] (2017 - 2020)

  • Tốt nghiệp loại: Khá, điểm trung bình: 7,2

6. Chứng chỉ

Với ứng viên không có bằng cấp cao thì chứng chỉ thực sự là một phần cực kỳ quan trọng trong CV. Dù là chứng chỉ nghề hay chứng chỉ các khóa học trực tuyến về photoshop, marketing online, SEO hay ngoại ngữ,... miễn là bạn có, bạn đã phần nào cho thấy thái độ cầu tiến, niềm đam mê với lĩnh vực hay đơn giản là minh chứng cho việc bạn có kiến thức cơ bản và kỹ năng. Giả sử chưa có bất kỳ chứng chỉ nào, bạn cũng nên đầu tư thời gian và tiền bạc để theo học vì nó thực sự hữu ích cho công việc, sự nghiệp của bạn.

7. Sở thích

Thông qua phần sở thích trong CV xin việc, ứng viên có thể phần nào khiến hình ảnh của mình trong mắt nhà tuyển dụng trở nên ấn tượng hơn, thuyết phục hơn. Tưởng chừng như đây là một phần kém quan trọng nhưng với tình huống bạn không có bằng cấp chuyên môn cao thì lại có ý nghĩa tích cực. Nhìn chung, bạn cần đảm bảo viết sở thích lành mạnh và liên quan tới công việc hoặc đôi khi chỉ cần thể hiện rằng bạn chăm chỉ, có khả năng tập trung tốt... cũng phù hợp.

Còn lại 2 phần hoạt động và tham chiếu trong CV xin việc, bạn có thể ghi nếu đã tham gia nhiều hoạt động trong trường, chẳng hạn như làm lớp trưởng, lớp phó, bí thư hoặc đã có kinh nghiệm đi làm ở các vị trí khác, có người giám sát, người quản lý cũ. Nếu không, bạn có thể ẩn phần hoạt động và viết tham chiếu chỉ với 1 thông tin liên hệ là của giáo viên, giảng viên.

Nhà tuyển dụng dựa trên tiêu chí nào để chọn lao động không có bằng cấp cao?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng lao động không có bằng cấp cao

Rõ ràng, người lao động không có bằng cấp cao vẫn có nhiều cơ hội được làm việc trong các môi trường tốt vì họ có thể có kỹ năng xuất sắc, sở hữu những phẩm chất, tố chất được nhà tuyển dụng coi trọng. Vậy, liệu có tiêu chuẩn nào để đánh giá các ứng viên không có bằng cấp chuyên môn cao hay không? Câu trả lời là có, chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm, kỹ năng và đặc biệt là thái độ của bạn:

  • Trung thực, chăm chỉ, nghiêm túc.
  • Học hỏi nhanh, nghe theo lời hướng dẫn và đáp ứng các yêu cầu của quản lý.
  • Khả năng tự tìm tòi, học hỏi, chủ động trong công việc.
  • Thái độ tích cực, cách cư xử tốt.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt, có thể hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả.
  • Biết sắp xếp công việc và quản lý thời gian.

Ngoài ra, tùy vào từng vai trò khác nhau mà sẽ có thêm tiêu chuẩn khác để đánh giá ứng viên nhưng nhìn chung, thái độ của bạn là quan trọng nhất. Bạn nên nỗ lực không ngừng, có thể trong quá trình làm việc hãy cân nhắc theo học các khóa trực tuyến để có bằng cấp.
Hy vọng những kinh nghiệm, cách viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn cao được JOBOKO.com chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn vượt qua vòng xét duyệt CV và tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Vẫn có thể xảy ra trường hợp bạn bị từ chối bởi không có đủ bằng cấp nhưng chắc chắn vẫn có những nhà tuyển dụng đề cao kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và thành tích mà bạn đã đạt được. Đây mới thực sự là nơi bạn nên lựa chọn để cống hiến và để phát triển sự nghiệp.

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn
II. Chọn mẫu CV phù hợp cho người không có bằng cấp
III. Cách viết CV xin việc cho người không có bằng cấp chuyên môn cao
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng lao động không có bằng cấp cao

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888