Cách viết CV xin việc Nhân viên tiếp thị

19/11/2020 06:30
CV của mỗi vai trò trong lĩnh vực khác nhau cũng sẽ không giống nhau, đặc biệt là trong những ngành nghề yêu cầu cao về sự độc đáo, tính sáng tạo như tiếp thị. Để thể hiện được những ưu điểm, những thế mạnh giúp bạn cạnh tranh với các ứng viên khác, hãy điều chỉnh CV xin việc nhân viên tiếp thị của bạn thật hiệu quả nhé.


Nhân viên tiếp thị còn được gọi là nhân viên marketing, là những người làm việc tại một trong những bộ phận quan trọng nhất trong doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm/dịch vụ và thương hiệu đến khách hàng. Một nhân viên tiếp thị xuất sắc trong vai trò này sẽ có kỹ năng tổng hợp, có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Trong CV xin việc nhân viên tiếp thị, bạn nhất định phải cho thấy tính sáng tạo, năng động và chuyên nghiệp.

Hướng dẫn viêt CV xin việc nhân viên tiếp thị đơn giản

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Nhân viên tiếp thị

Nghề tiếp thị, quan trọng nhất vẫn là có giúp bộ phận kinh doanh tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng hay không, có giúp công ty xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực, mở rộng thị trường và phạm vi hoạt động, tác động hay không. Mọi việc mà các nhân viên tiếp thị làm đều sẽ xoay quanh mục đích này.


Cũng vì thế mà trong CV xin việc nhân viên tiếp thị, ứng viên nhất định phải đề cập thông tin về các chiến dịch tiếp thị bạn đã tham gia, dù là trực tuyến hay trực tiếp và số liệu. Qua đó, nhà tuyển dụng có thể thấy được một phần trải nghiệm, cách tiếp cận vấn đề, tiếp cận thị trường của bạn, lĩnh vực bạn quen thuộc, từ đó quyết định tính thuyết phục của CV của bạn.

II. Mẫu CV xin việc Nhân viên tiếp thị

Với ngành tiếp thị, sáng tạo và khác biệt tạo nên những giá trị mới tích cực và có ý nghĩa. Nếu bạn có thể thể hiện được "tinh thần" này ngay trong CV xin việc nhân viên tiếp thị thì chắc chắn bạn đã bước đầu thành công trong việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.


Cho dù bạn tự tạo CV hay lựa chọn mẫu CV online có sẵn, hãy chú ý đến việc chọn bố cục, màu sắc hợp lý cho CV. Nhìn chung, CV xin việc nhân viên tiếp thị nên được thiết kế theo cách sáng tạo, bố cục có thể "không theo lẽ thường" nhưng cũng không được "quá lố". Về cơ bản, nhân viên tiếp thị không phải nghệ thuật gia nên sự sáng tạo nên được giữ trong khuôn khổ. Tùy vào thế mạnh kinh nghiệm, kỹ năng hay trình độ mà bạn chọn CV thời gian hay CV dạng chức năng. Ngoài ra, CV cũng có thể sử dụng màu sắc sáng hoặc tông màu nóng, miễn là đẹp và dễ đọc là được bạn nhé.

III. Cách viết CV xin việc Nhân viên tiếp thị​

1. Thông tin cá nhân

Trong hầu hết các mẫu CV online, thông tin cá nhân luôn ở vị trí đầu tiên và cần ứng viên hoàn thành trước nhất. Bạn phải giới thiệu xem bạn là ai, tuổi tác, cách liên hệ với bạn và vị trí ứng tuyển trước khi đi vào chi tiết lý do vì sao nhà tuyển dụng nên tuyển bạn. Ngoài việc viết đúng, đủ thông tin thì ở phần này, với CV xin việc nhân viên tiếp thị, link Facebook, Instagram hay blog, website cá nhân của bạn đưa vào chắc chắn sẽ là điểm cộng, miễn sao cho thấy mặt tích cực, năng động.

Cách viết Cv xin việc nhân viên tiếp thị đúng chuẩn

2. Mục tiêu nghề nghiệp​

Nhân viên tiếp thị có nhiều kinh nghiệm có thể đặt mục tiêu sớm thăng tiến lên các vị trí như leader, trưởng phòng tiếp thị...; trong khi các bạn mới đi làm vài tháng, 1 năm thì thường mong học được nhiều hơn, được tăng lương. Dù thế nào, viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc nhân viên tiếp thị sẽ không khó nếu bạn tự tin nói về kỳ vọng của chính mình trong khi gắn kết với mục tiêu đóng góp cho doanh nghiệp. Và đương nhiên, bạn cũng không nên nói sẽ sớm trở thành giám đốc tiếp thị sau 2, 3 năm làm việc ở đó, nhất là khi người sẽ phỏng vấn bạn có thể chính là vị đó.

Gợi ý:
  • Sử dụng những kinh nghiệm làm tiếp thị trực tiếp trong 3 năm qua trong lĩnh vực bán lẻ vào vị trí mới, cùng bộ phận marketing triển khai thành công các chiến dịch phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tăng doanh thu.
  • Chủ động tìm hiểu, học hỏi và phát triển các kỹ năng digital marketing.
  • Thăng tiến lên leader sau 1 - 2 năm làm việc.

3. Kinh nghiệm

3.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Lĩnh vực tiếp thị năng động, nhiều cơ hội và cạnh tranh, đặc biệt phù hợp với người trẻ cũng như những người có khả năng nắm bắt xu hướng, có tầm nhìn và sẵn sàng thay đổi. Do đó, kinh nghiệm không thực sự là tiêu chí hàng đầu nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên tiềm năng. Dù thế thì nhiều công ty, agency vẫn sẽ cần bạn có kinh nghiệm trên 6 tháng ở vai trò tương đương hoặc liên quan. Dù bạn làm nhân viên marketing, chuyên viên kinh doanh, nhân viên chạy ads... hãy viết vào CV xin việc nhân viên tiếp thị của mình 3 - 5 kinh nghiệm nhé, đừng quên mô tả nhiệm vụ và thành tích đạt được, các chiến dịch đã tham gia.

Gợi ý: Công ty CP Truyền thông HIG, Nhân viên marketing (3/2020 - nay)

  • Nghiên cứu thị trường tiềm năng, phân tích dữ liệu, tham gia các chiến dịch marketing quảng bá sản phẩm thời trang Hè - Thu và Đông - Xuân của công ty.
  • Chiến dịch tiếp thị Hè - Thu đạt kết quả tốt, hiệu suất tổng thể tăng 155%.

3.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Trong nghề tiếp thị, thiếu kinh nghiệm có thể bù lại bằng sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám thử những cái mới với mong muốn đột phá. Trường hợp chưa có kinh nghiệm, bạn buộc phải chứng minh mình có kỹ năng, có học vấn và nền tảng tốt để nhanh thích nghi. Cùng với đó, cách viết phần này trong CV xin việc nhân viên tiếp thị cũng sẽ phải điều chỉnh, tốt nhất là: Thay thế kinh nghiệm đi làm chính thức bằng 2 - 3 trải nghiệm thực tập, làm thêm trong các vai trò thực tập sinh marketing, nhân viên bán hàng part-time,... để CV của bạn không bị trống và cho thấy bạn có kỹ năng chuyển đổi.

Trong trường hợp chưa từng đi làm, chưa đi thực tập nhưng bạn làm CTV viết bài, dịch bài, thiết kế, chỉnh ảnh hay là admin của blog, fanpage trên Facebook thì đó cũng sẽ là điểm cộng.

Gợi ý: Công ty CP Dịch vụ Truyền thông AGX, Thực tập sinh marketing (2/2021 - 4/2021)

  • Viết content cho website, quản lý 2 fanpage vệ tinh của công ty.
  • Tăng số người theo dõi lên 50% sau 2 tháng; đánh giá thực tập loại Giỏi.

Hướng dẫn cách viết mục Kinh nghiệm trong CV xin việc Nhân viên tiếp thị

4. Học vấn

Bạn không cần có bằng cử nhân đại học mới ứng tuyển và làm việc được trong vai trò nhân viên tiếp thị. Tuy nhiên, học vấn vẫn là một trong 3 thông tin chính nhà tuyển dụng sẽ đọc và xem xét trong CV xin việc nhân viên tiếp thị. Đối với phần này, bạn chỉ cần tuân thủ nguyên tắc viết ngắn gọn, chính xác về trường, ngành học, niên khóa, xếp loại của mình. Nếu bạn có bằng cấp cao đẳng trở lên các chuyên ngành Marketing, Quản trị kinh doanh, Báo chí - Truyền thông hay Công nghệ thông tin thì sẽ cạnh tranh tốt hơn với các bạn trái ngành.

Gợi ý: Đại học Thương mại (2016 - 2020)

  • Ngành: Marketing (Marketing thương hiệu)
  • Xếp loại: Khá. GPA: 3.1.

5. Kỹ năng

Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên ham học hỏi, khiêm tốn, biết quan sát, có tinh thần trách nhiệm, và có năng khiếu trong lĩnh vực marketing. Khi đọc và duyệt CV xin việc nhân viên tiếp thị, chắc chắn họ sẽ chú ý đến phần này và kiểm tra xem ứng viên có hiểu yêu cầu công việc cũng như có thành thạo các kỹ năng cơ bản phục vụ công việc hay không.

Bạn cần viết nội dung phần này bằng cách rõ ràng về kỹ năng mình có và kỹ năng nhà tuyển dụng cần, cân nhắc đưa vào CV 4 - 6 kỹ năng, tránh chung chung như ngoại ngữ, tin học, mà hãy chi tiết cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.

Gợi ý:

  • Kỹ năng thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu.
  • Kỹ năng viết lách, SEO.
  • Kỹ năng lập kế hoạch, sắp xếp công việc.
  • Kỹ năng công nghệ: Sử dụng phần mềm hợp tác, công cụ hỗ trợ SEO, SEM, thiết kế, edit video, chạy ads.
  • Kỹ năng ngoại ngữ: Tiếng Anh.
  • Kỹ năng thư tín thương mại.
  • Kỹ năng giao tiếp, tương tác hiệu quả.
Những kỹ năng cần có trong CV xin việc Nhân viên tiếp thị

6. Hoạt động

Bởi vì sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo là những tố chất mà nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở ứng viên vị trí nhân viên tiếp thị nên phần hoạt động trở thành một phần khá quan trọng trong CV. Sẽ thật lý tưởng nếu bạn là một ứng viên năng động, tham gia nhiều hoạt động ở trường lớp, đóng góp cho cộng đồng như đi tình nguyện, hiến máu, hoạt động câu lạc bộ năng nổ... Nếu đó là những gì bạn đã tham gia, đã làm được thì hãy viết vào CV xin việc nhân viên tiếp thị nhé.

7. Sở thích

Sở thích của nhân viên tiếp thị không nhất định phải khác với các nghề nghiệp khác nhưng bạn biết không? Thông qua sở thích của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được khá nhiều về tính cách của bạn đấy. Sau đó, họ sẽ cân nhắc xem liệu bạn có phù hợp với nghề, có thể phát triển, gắn bó lâu dài hay không và thậm chí là có phù hợp với văn hóa công ty không.


Tùy vào cá nhân bạn, bạn có thể viết vào CV xin việc nhân viên tiếp thị khoảng 2 - 4 sở thích như thích viết lách, vẽ, lướt mạng, nghe nhạc, du lịch, khám phá, chơi game...

8. Chứng chỉ

Ứng viên có các chứng chỉ về marketing, SEO có ưu thế hơn ứng viên không có vì thực sự, việc bạn học các khóa chuyên sâu, thi lấy chứng chỉ, đạt được chứng nhận chứng minh một phần đáng kể năng lực học tập, thực hành của bạn. Cho dù bạn có Chứng chỉ Individual Qualification Google Analytics, Giấy chứng nhận Google Ads Marketing, Chứng nhận YouTube hay Chứng nhận Microsoft Advertising hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì miễn là còn hạn, hãy viết vào CV xin việc nhân viên tiếp thị.

Tham chiếu và giải thưởng là 2 phần còn lại trong CV xin việc nhân viên tiếp thị và bạn chắc chắn phải viết tham chiếu thông tin (1 - 2 người tham khảo) nhưng có thể chọn viết hoặc không viết giải thưởng. Quyết định phụ thuộc vào việc bạn đã từng đạt được giải thưởng nào hay chưa, nếu chưa, chỉ cần ẩn cả mục khỏi CV.

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Nhà tuyển dụng tuyển Nhân viên tiếp thị dựa trên những tiêu chí nào?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Nhân viên tiếp thị

Tuyển nhân viên tiếp thị, nhà tuyển dụng sẽ vạch ra sẵn các yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, đôi khi là cả độ tuổi và khả năng sẵn sàng thuyên chuyển công tác, đi công tác ở các thị trường mới. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ có những kỳ vọng, các tiêu chuẩn tuyển dụng khác đối với vị trí này, như:

  • Hiểu biết về lĩnh vực tiếp thị, thành thạo các kỹ năng marketing cơ bản.
  • Sáng tạo, nhiều ý tưởng, suy nghĩ đột phá.
  • Yêu thích nghề tiếp thị, nhiệt tình trong công việc.
  • kỹ năng công nghệ xuất sắc.
  • Chăm chỉ, không ngại làm ngoài giờ.
  • Khả năng làm việc nhóm tốt, phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp và bộ phận kinh doanh, bán hàng.
  • Tư duy nhanh, hợp lý.
  • Khả năng giải quyết vấn đề.

Sau cùng, đừng quên truy cập JOBOKO.com để tham khảo những mẫu CV bắt mắt và chuyên nghiệp. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích bạn trong quá trình viết CV xin việc nhân viên tiếp thị. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích này tới đồng nghiệp, bạn bè và người thân nhé!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Nhân viên tiếp thị
II. Mẫu CV xin việc Nhân viên tiếp thị
III. Cách viết CV xin việc Nhân viên tiếp thị​
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Nhân viên tiếp thị

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888