Ngành Luật/ Pháp lý có những vị trí việc làm nào? Mức lương và cơ hội thăng tiến

16/05/2022 08:30
Là một ngành xã hội, luật học không hề khô khan như nhiều người vẫn nghĩ và cơ hội việc làm ngành luật/ pháp lý cũng không bị giới hạn trong môi trường nhà nước. Có rất nhiều lựa chọn việc làm mà các bạn học ngành luật có thể theo đuổi và thành công sự nghiệp.

Ngành luật phù hợp với các bạn có tư duy logic, phản biện, khả năng phân tích, ghi nhớ tốt và kỹ năng đàm phán, suy luận xuất sắc. Bên cạnh đó, sự nghiêm túc, đạo đức nghề nghiệp cũng quan trọng không kém. Bạn cần học từ bằng cử nhân ngành luật và các chuyên ngành liên quan nếu muốn tìm việc làm trong lĩnh vực luật, pháp lý.

Những vị trí việc làm Hot của ngành Luật/ Pháp lý

1. Tổng quan về ngành Luật/ Pháp lý

Ngành luật, pháp lý đào tạo nhân sự cho các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp và nhân sự xử lý các nghiệp vụ kinh doanh, quản lý tuân thủ pháp luật trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Với số công ty đăng ký hoạt động kinh doanh lên tới gần 1 triệu như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành luật, pháp lý là rất cao. Không chỉ vậy, ở các cơ quan nhà nước thì tính đến năm 2020, số nhân sự giữ các chức danh tư pháp đã lên tới 20.000 người.

2. Các vị trí việc làm ngành Luật/ Pháp lý

Khác với quan điểm trước đây cho rằng, học các ngành luật, pháp lý thì ra trường chỉ có thể làm nhà nước và nếu thi công chức, viên chức "trượt" thì buộc phải làm trái ngành, ngày nay, với tấm bằng tử cử nhân luật trở lên, bạn có thể cân nhắc tới các vị trí việc làm như:

  • Chuyên viên pháp lý.
  • Nhân viên pháp chế.
  • Nhân viên pháp lý.
  • Trợ lý luật sư.
  • Trưởng phòng pháp chế/ Trưởng phòng pháp lý.
  • Thư ký pháp lý.
  • Giám sát pháp chế (và tuân thủ).
  • Nhân viên pháp lý dự án.
  • Nhân viên xử lý hợp đồng vay.
  • Nhân viên điều tra và xử lý tín dụng.
  • Trưởng ban pháp chế.
  • Luật sư.
  • Thư ký tòa án.
  • Công chứng viên.
  • Công tố viên.
  • Kiểm sát viên.
  • Thẩm phán.
  • Hòa giải viên.
  • Điều tra viên.

Ngoài ra, tốt nghiệp cử nhân ngành luật, bạn còn có thể cân nhắc ứng tuyển các lĩnh vực, ngành nghề khác như:

  • Nhân viên nhân sự.
  • Chuyên viên tuyển dụng nhân sự.
  • Nhân viên C&B (xử lý vấn đề tiền lương, chế độ).
  • Nhân viên chứng từ.
  • Nhân viên xuất - nhập khẩu.
  • Làm việc tại các cơ quan nhà nước như phường/ xã, quận/ huyện, tỉnh/ thành phố,...
  • Đảm nhiệm các chức vụ tại các cơ quan ngoại giao, báo chí, truyền thông.

Cơ hội việc làm ngành Luật/ Pháp lý ra sao?

3. Học gì ra trường làm việc trong lĩnh vực Luật/ Pháp lý?

Các việc làm ngành luật đều yêu cầu ứng viên có trình độ, bằng cấp đúng ngành. Do đó, để ra trường làm việc trong lĩnh vực luật, pháp lý, bạn sẽ cần có bằng cấp từ cử nhân trở lên các chuyên ngành:

  • Ngành luật.
  • Luật thương mại quốc tế.
  • Luật quốc tế.

Hoặc các chuyên ngành dành cho bậc học thạc sĩ và tiến sĩ như:

  • Luật dân sự và tố tụng dân sự.
  • Luật hiến pháp và luật hành chính.
  • Luật hình sự và tố tụng hình sự.
  • Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm.
  • Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật.

Lưu ý: Bằng cử nhân luật (các chuyên ngành) thường chỉ phù hợp để ứng tuyển các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp, tổ chức. Trong khi đó, nếu muốn đảm nhiệm các vai trò như luật sư, thẩm phán,... thì sẽ cần bạn theo học các chương trình đào tạo theo quy định để có chứng chỉ hành nghề luật sư và/ hoặc được sắp xếp công việc tại các cơ quan nhà nước.

4. Đánh giá mức lương ngành Luật

Có thể thấy, ngành luật/ pháp lý có nhiều vị trí việc làm và vì vậy, mức lương của các vai trò khác nhau cũng sẽ dao động cao hoặc thấp hơn. Theo khảo sát của JobOKO thì mức lương, thu nhập của nhân sự ngành luật sẽ là:

  • Nhân viên pháp chế: Vị trí này thường dành cho các bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và làm việc ở doanh nghiệp có bộ phận pháp chế - có người dẫn dắt và hướng dẫn. Mức lương trung bình của nhân viên pháp chế8 - 10 triệu/ tháng, khởi điểm khoảng 4 - 7 triệu/ tháng, cao nhất khoảng 25 triệu/ tháng.
  • Chuyên viên pháp lý: Mức lương trung bình trên thị trường lao động hiện nay là khoảng 14 - 15 triệu/ tháng (cho ứng viên có kinh nghiệm), khởi điểm từ khoảng 5 - 11 triệu/ tháng và mức cao là từ 17 - 40 triệu/ tháng.
  • Trưởng phòng pháp chế: Trung bình, mỗi tháng, trưởng phòng pháp chế nhận được lương từ 25 - 40 triệu/ tháng là phổ biến, có thể cao hoặc thấp hơn một chút tùy kinh nghiệm và hiệu quả công việc, bằng cấp.
  • Luật sư: Lương luật sư ở Việt Nam không thực sự cạnh tranh (so với vai trò tương đương ở nhiều nước trên thế giới). Một luật sư có trên 5 năm kinh nghiệm sẽ có lương từ 25 - 50 triệu/ tháng là phổ biến. Không có nhiều luật sư lớn nhận lương từ 60 - 100 triệu hoặc cao hơn (200 - 300 triệu). Hơn nữa, thu nhập của luật sư cũng sẽ phụ thuộc vào từng án bạn nhận bào chữa.

Lưu ý: Đối với các việc làm nhà nước, nhân sự ngành luật sẽ hưởng lương theo bậc, hệ số lương của nhà nước, các khoản phụ cấp,...

Mức lương của các vị trí ngành Luật/ Pháp lý được đánh giá cao

5. Cơ hội việc làm cho nhân sự ngành Luật

5.1. Cơ hội việc làm tại Việt Nam

Như đã đề cập, cơ hội việc làm ngành luật tại Việt Nam luôn rộng mở với các bạn có trình độ chuyên môn, có định hướng làm đúng ngành. Các vị trí việc làm đa dạng và có thu nhập khá ổn. Tuy nhiên, nếu muốn có công việc tại các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp hay phát triển theo định hướng chính trị thì cần nỗ lực học thêm các bằng cấp, chứng chỉ và tham gia nhiều kỳ thi.

Bên cạnh đó, tốt nghiệp các chuyên ngành luật, bạn cũng có thể lựa chọn mở văn phòng luật sư, tư vấn luật,... khi đã có đủ kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề luật sư và bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ luật.

5.2. Cơ hội việc làm tại nước ngoài

Bởi vì là một lĩnh vực đặc thù nên cơ hội việc làm ngành luật ở nước ngoài bị giới hạn. Trường hợp bạn học chuyên ngành luật quốc tế, thương mại quốc tế và du học ở nước ngoài thì có thể sẽ có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

6. Lộ trình thăng tiến sự nghiệp ngành Luật

Con đường sự nghiệp ngành luật phụ thuộc vào mục tiêu, năng lực của bạn và từng xuất phát điểm, cụ thể như sau:

  • Lộ trình sự nghiệp của một luật sư: Cử nhân đại học > học và thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư > luật sư tập sự/ trợ lý luật sư > luật sư/ cộng sự > luật sư cao cấp > cố vấn cao cấp.
  • Lộ trình sự nghiệp từ nhân viên pháp chế: Nhân viên pháp lý > chuyên viên pháp lý/ chuyên viên pháp chế > trưởng phòng pháp chế/ trưởng phòng pháp lý > giám đốc pháp lý/ giám đốc pháp chế.

Đối với các vị trí khác, lộ trình thăng tiến sự nghiệp của bạn sẽ khác tùy vào năng lực, bằng cấp, định hướng mục tiêu của bạn và sự sắp xếp của cơ quan (các vị trí việc làm ngành luật trong cơ quan nhà nước).

Theo đuổi ngành Luật/ Pháp lý có những cơ hội và thách thức gì?

7. Khó khăn khi theo ngành Luật/ Pháp lý

Để thi và theo học ngành luật, ra trường vẫn tiếp tục theo ngành luật sẽ cần nhiều sự cố gắng và kiên định. Nguyên nhân là vì chương trình học các ngành luật khá "nặng", cần sự tập trung, chăm chỉ cũng như khả năng tư duy logic và phản biện, các kỹ năng thuyết trình, đàm phán,... Một số thách thức bạn sẽ phải đối mặt khi theo ngành luật, pháp lý sẽ là:

  • Áp lực cần ghi nhớ, vận dụng các điều luật, quy định, nghị định vào các trường hợp cụ thể.
  • Yêu cầu kỹ năng phản biện, suy luận xuất sắc.
  • Cần tốt nghiệp với bằng cấp khá, giỏi trở nên và không dễ để có việc ngay sau khi có bằng cử nhân.
  • Để trở thành luật sư, đảm nhiệm các vai trò trong cơ quan nhà nước cần học thêm từ 1 - 2 năm là tối thiểu.
  • Mức lương ngành luật ở Việt Nam hiện nay chưa phải thực sự cạnh tranh.
  • Nhân sự ngành luật làm trái ngành khá nhiều.

Có thể thấy, ngành luật/ pháp lý có nhiều vị trí việc làm khác nhau, cơ hội ứng tuyển đa dạng. Dù vậy, để thăng tiến sự nghiệp ngành luật và nhận mức lương cao, bạn sẽ cần học hỏi và phấn đấu không ngừng và kiên trì với mục tiêu nghề nghiệp của mình.

MỤC LỤC:
1. Tổng quan về ngành Luật/ Pháp lý
2. Các vị trí việc làm ngành Luật/ Pháp lý
3. Học gì ra trường làm việc trong lĩnh vực Luật/ Pháp lý?
4. Đánh giá mức lương ngành Luật
5. Cơ hội việc làm cho nhân sự ngành Luật
6. Lộ trình thăng tiến sự nghiệp ngành Luật
7. Khó khăn khi theo ngành Luật/ Pháp lý

Đọc thêm: Học gì ra làm Nhân viên tư vấn pháp luật?

Đọc thêm: Tương lai ngành Luật trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888