Nhà tuyển dụng có nên test ứng viên bằng trắc nghiệm MI?

26/02/2022 13:30
Trắc nghiệm MI hay trắc nghiệm đa trí thông minh MI được sử dụng rộng rãi cả ở Việt Nam và trên thế giới, dùng để "đo lường" trí thông minh của một người theo hướng toàn diện, đầy đủ, với 9 kiểu trí thông minh khác nhau.

Mục tiêu hàng đầu của bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng là làm sao để tìm ra ứng viên tài năng nhất cho dù phải thực hiện nhiều vòng phỏng vấn, đánh giá. Trong đó, trắc nghiệm MI được sử dụng khá rộng rãi, thậm chí nhiều nhà tuyển dụng còn đánh giá bài test này ý nghĩa hơn hẳn trắc nghiệm trí thông minh tự nhiên IQ vốn được ưa chuộng từ xưa tới nay.

Ưu điểm của Test ứng viên bằng trắc nghiệm MI

I. Trắc nghiệm MI là gì? Được ứng dụng trong những lĩnh vực nào?

Trắc nghiệm MI hay trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligence) ra đời dựa trên lý thuyết cùng tên của nhà khoa học Mỹ Howard Gardner vào năm 1983. Mục tiêu của trắc nghiệm MI là thông qua bài đánh giá gồm 86 câu hỏi trắc nghiệm để tính toán, đánh giá năng lực, trí tuệ của một cá nhân dựa theo các điểm mạnh thuộc lĩnh vực khác nhau.

Thông qua trắc nghiệm đa trí thông minh MI, các cá nhân sẽ được đo lường về khả năng tương tác với thế giới xung quanh và thể hiện sức mạnh trí tuệ.

Khi mới ra đời, MI phân chia thành 7 loại trí tuệ, sau dần được mở rộng thành 9 loại trí thông minh được công nhận ngày nay là:

  • Trí thông minh Logic.
  • Trí thông minh Vận động cơ thể.
  • Trí thông minh Không gian.
  • Trí thông minh Triết học.
  • Trí thông minh Nội tâm.
  • Trí thông minh Tự nhiên.
  • Trí thông minh Ngôn ngữ.
  • Trí thông minh Âm nhạc.
  • Trí thông minh Tương tác cá nhân.

Thời điểm ban đầu, ứng dụng phổ biến nhất của trắc nghiệm MI là dùng trong giáo dục. Các trường tiểu học, trung học ở Mỹ sử dụng bài test này để đánh giá các học sinh xem chúng có thế mạnh như thế nào, trong lĩnh vực gì, sau đó giúp điều chỉnh chương trình dạy học, phân lớp, lớp năng khiếu phù hợp.

Sau này, trắc nghiệm MI có thêm nhiều ứng dụng khác vì người ta nhận ra rằng, chỉ để đánh giá học sinh thì quá đáng tiếc. Những ứng dụng phổ biến nhất của bài trắc nghiệm đa trí thông minh MI là:

  • Để các cá nhân có góc nhìn khách quan, chính xác hơn về bản thân, từ đó, bạn có thể tự tin rằng mình có thể "thiếu thông minh" ở lĩnh vực này nhưng chắc chắn sẽ có tài năng ở lĩnh vực khác.
  • Nắm bắt được thế mạnh bản thân, từ đó phát huy điểm mạnh, thử khắc phục điểm yếu và trở nên hoàn thiện hơn.
  • Hiểu được rằng mỗi người đều khác biệt, có tài năng nhất định, tránh cái nhìn và các cách đánh giá tiêu cực, chỉ trích người khác.
  • Đặc biệt, ứng dụng của trắc nghiệm MI được biết đến nhiều nhất hiện nay là để chọn lựa nghề nghiệp. Chẳng hạn, bạn làm bài kiểm tra và thấy rằng mình là người có trí thông minh âm nhạc thì những nghề liên quan tới nhạc lý, âm thanh, phối âm, sáng tác, nghệ thuật,... sẽ phù hợp hơn là làm công việc kỹ thuật, tính toán. Ngược lại, các bạn có trí thông minh ngôn ngữ có thể không giỏi toán học, nhưng rõ ràng bạn vẫn có thể chọn ngành học, nghề nghiệp về biên tập, viết lách, biên dịch và làm tốt.
  • Với ngành tuyển dụng nhân sự, các nhà tuyển dụng đang sử dụng các bài kiểm tra đa trí thông minh MI để đánh giá ứng viên, thông qua kết quả để biết được thế mạnh của ứng viên đó.

II. Nhà tuyển dụng có nên kiểm tra ứng viên bằng trắc nghiệm MI?

Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy nhưng không phải ai cũng tin tưởng vào trắc nghiệm MI. Nhiều người cho rằng việc xem xét đến các loại trí thông minh như trí thông minh tự nhiên, trí thông minh vận động,... có vẻ nhưng không mấy thích hợp. Điều này cũng là dễ hiểu bởi vì từ xưa đến nay, mỗi khi nói tới trí thông minh là chúng ta nghĩ ngay tới IQ, những bài kiểm tra khả năng tư duy, tính toán.

Việc nhà tuyển dụng sử dụng trắc nghiệm MI để đánh giá trí thông minh của ứng viên trước đây vẫn được cho là lựa chọn không mấy thực tế vì mọi người nghi ngờ tính hiệu quả.

Thế nhưng, theo thời gian, người ta cũng dần phải chấp nhận một thực tế rằng, có những người IQ không cao nhưng họ vẫn cực kỳ thông minh và tài năng trong các lĩnh vực khác. Nói cách khác, họ vẫn có trí thông minh, chỉ là một kiểu trí thông minh khác như phân chia của trắc nghiệm MI mà thôi. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, không khó để thấy rằng bài trắc nghiệm đa trí thông minh MI đã trở thành công cụ hữu ích để nhà tuyển dụng phân loại ứng viên.

Để đánh giá rằng nên hay không nên dùng trắc nghiệm MI để đánh giá ứng viên, câu trả lời là nhà tuyển dụng nên coi đây là một trong số những cách dùng để phân loại ứng viên. Nếu vậy, đáp án là bạn nên "thử" ứng viên qua trắc nghiệm đa trí thông minh MI.

Sử dụng kết quả trắc nghiệm MI để đánh giá ứng viên liệu có chính xác?

III. Có nên dựa hoàn toàn vào kết quả trắc nghiệm MI để đánh giá ứng viên?

Tuy trắc nghiệm trí thông minh MI có nhiều ưu điểm và được đánh giá là có độ chính xác cao, khách quan đối với ứng viên nhưng không có nghĩa là là nhà tuyển dụng có thể căn cứ toàn bộ để lựa chọn người tài. Bản chất của trắc nghiệm tâm lý, tính cách, hành vi hay đa trí thông minh đều mang tính chất tương đối, không thể chuẩn 100%, phản ánh chính xác tất cả về một người.

Do đó, nếu nhà tuyển dụng lệ thuộc vào bài kiểm tra đa trí thông minh MI, bạn rất dễ đánh giá phiến diện ứng viên, tuyển sai người chỉ vì họ cho thấy rằng mình có kiểu trí thông minh mà bạn đang tìm. Đây là lỗi sai cơ bản không đáng có nên nhìn chung, các nhà tuyển dụng sẽ kết hợp với những bài kiểm tra khác, kết hợp với các phương pháp phỏng vấn khác nhau để chọn lọc, đưa ra quyết định tuyển dụng hoặc không đối với ứng viên.

IV. Ngoài trắc nghiệm MI, các bài test nào cần thiết để phân loại ứng viên?

Bởi vì chỉ riêng trắc nghiệm MI thì không đại diện cho toàn bộ trí tuệ, khả năng tư duy, tài năng của một người nên nhà tuyển dụng có thể test ứng viên bằng trắc nghiệm MI, đồng thời kết hợp với những bài kiểm tra khác để đánh giá cả về năng lực, tính cách, hành vi của ứng viên. Những bài kiểm tra phổ biến nhất gồm có:

  • Trắc nghiệm tính cách MBTI (phổ biến nhất).
  • Trắc nghiệm DISC để tìm hiểu về hành vi, cách phản ứng của một cá nhân với môi trường xung quanh.
  • Có thể kết hợp với bài test IQ nếu nghề nghiệp cần tư duy toán học, số học, thiên về tính toán,...
  • Bài kiểm tra chuyên ngành để đánh giá năng lực chuyên môn của ứng viên, ví dụ như tuyển dụng vị trí kế toán thì cho ứng viên làm bài test nghiệp vụ kế toán, làm báo cáo,...
  • Bài test ngoại ngữ, tin học.
  • Phỏng vấn chuyên sâu để tìm hiểu kỹ về ứng viên.

Ngoài ra, để đảm bảo tuyển dụng đúng người đúng việc thì nhà tuyển dụng cũng cần lưu ý để có cách tiếp cận cởi mở, kết nối chân thực với ứng viên. Các bài kiểm tra, đánh giá năng lực giảm tỷ lệ tuyển sai nhưng cũng không có nghĩa là không sai. Điều quan trọng là nhà tuyển dụng nên dành thời gian để có kết nối giữa con người với con người, nhìn ra tiềm năng, đam mê nghề nghiệp, hỏi về mục tiêu sự nghiệp của ứng viên. Tất cả sẽ giúp bạn đánh giá khách quan nhất, duy trì sự công bằng cho các ứng viên.

Trắc nghiệm MI không chỉ thuần túy là một bài kiểm tra đánh giá xem bản thân có thông minh hay không, thế mạnh như thế nào mà còn được vận dụng rất nhiều để bạn tin vào chính mình, hiểu về những người xung quanh và định hướng nghề nghiệp.

MỤC LỤC:
I. Trắc nghiệm MI là gì? Được ứng dụng trong những lĩnh vực nào?
II. Nhà tuyển dụng có nên kiểm tra ứng viên bằng trắc nghiệm MI?
III. Có nên dựa hoàn toàn vào kết quả trắc nghiệm MI để đánh giá ứng viên?
IV. Ngoài trắc nghiệm MI, các bài test nào cần thiết để phân loại ứng viên?

Đọc thêm: Trắc nghiệm tính cách MBTI - bài test đáng tin cậy nhất về tính cách

Đọc thêm: Trắc nghiệm MBTI có chính xác không? Sử dụng để chọn nghề nghiệp cần lưu ý gì?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888