Công việc của nhân viên Sales Assistant chủ yếu bao gồm hỗ trợ cho các nhân viên, giám sát và quản lý trong bộ phận, từ việc xử lý giấy tờ, các nhiệm vụ hành chính đến hỗ trợ tiếp xúc và tư vấn khách hàng. Ở mỗi môi trường làm việc khác nhau thì các nhiệm vụ cụ thể mà Sales Assistant đảm nhiệm cũng sẽ không giống nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vai trò của Sales Assistant như một Trợ lý kinh doanh - làm việc trong bộ phận kinh doanh.
Tầm quan trọng của Sales Assistant trong bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp
Cơ cấu nhân sự của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, tùy vào quy mô và các quy trình tiêu chuẩn, các quản lý sẽ tuyển dụng và phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng người một cách hợp lý. Vị trí Sales Assistant thường xuất hiện ở những công ty có phòng kinh doanh lớn, đông nhân viên, rất cần một hoặc vài người hỗ trợ các công việc bên ngoài nhiệm vụ chuyên môn.
Mặc dù chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nói cách khác là không thực sự có thế mạnh về năng lực chuyên môn với một khía cạnh, phương diện trong kinh doanh nhưng không thể phủ nhận rằng Sales Assistant giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc của cả bộ phận. Sự hỗ trợ của họ trong chuẩn bị giấy tờ, hợp đồng, các tài liệu, gửi email, chuẩn bị cho cuộc họp, chăm sóc khách hàng... đều sẽ giúp các nhân viên khác tiết kiệm thời gian và công sức, tập trung nhiều hơn vào chuyên môn.
Ở nhiều công ty, Sales Assistant đôi khi được gọi là những người cung cấp "miếng vá" - ở bất cứ đâu, trong bất kỳ bước nào của quy trình, chỉ cần có vấn đề cần hỗ trợ thì họ sẽ đảm nhiệm.
Bởi vì Sales Assistant cung cấp sự hỗ trợ tối đa cho đồng nghiệp và sếp của họ nên họ cũng đồng thời có những đóng góp tích cực để tạo nên một môi trường làm việc tốt. Khi một loạt các nhiệm vụ thường bị cho là "không đáng kể nhưng không thể không làm" được nhân viên Sales Assistant đảm nhiệm và hoàn thành, mọi người đều có thể có thêm thời gian, tinh lực để làm tốt những công việc chính khác. Sự hài hòa trong môi trường làm việc tạo thành từ việc nhận được sự giúp đỡ kịp thời sẽ gián tiếp thúc đẩy sự hài lòng với công việc nói chung.
Để xin việc và làm tốt vai trò Sales Assistant, trước hết bạn cần có những kiến thức cơ bản về kinh doanh và bán hàng - ít nhất đủ để hiểu các thuật ngữ, những từ hay dùng, hiểu tâm lý khách hàng... Do đó, những ai có bằng cấp liên quan hoặc kinh nghiệm làm việc như nhân viên bán hàng, bán hàng online, telesales có thể sẽ dễ thích nghi hơn.
Một phần lớn thời gian làm việc của Sales Assistant là dùng để xử lý các công việc hành chính, giấy tờ như chuẩn bị hợp đồng, gửi báo giá, in ấn tài liệu kinh doanh... Vì vậy, các kỹ năng hành chính văn phòng rất quan trọng, đảm bảo không có sai sót khi soạn thảo hoặc thao tác, giao tiếp qua điện thoại và email.
Khi tuyển Sales Assistant, nhà tuyển dụng có thể chấp nhận ứng viên mới ra trường, học không đúng các chuyên ngành về kinh doanh nhưng yêu cầu bắt buộc sẽ là bạn phải thành thạo kỹ năng hành chính. Kiến thức chuyên môn và cách xử lý tình huống trong kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn... đều có thể học được trong quá trình làm Sales Assistant.
Nhân viên Sales Assistant cần có kỹ năng, phẩm chất gì?
Khi tuyển dụng Sales Assistant, hầu hết nhà tuyển dụng đều chú trọng nhiều nhất đến tính cách và phẩm chất của ứng viên. Dĩ nhiên, không dễ gì để đánh giá chính xác về tính cách của một người nhưng vị trí này tương đối đặc thù. Nếu bạn không phải là người chăm chỉ, nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ thì rất khó để làm lâu dài. Trên thực tế, nhiều người xin việc làm Sales Assistant nhưng chỉ làm được một thời gian ngắn đã xin nghỉ chỉ vì cảm thấy chán nản khi mãi làm những công việc "không mấy quan trọng" trong văn phòng.
Điều đó cho thấy bạn đã xin việc khi chưa hiểu rõ được các nhiệm vụ của vai trò này. Với vai trò hỗ trợ như Sales Assistant, bạn cần suy nghĩ được rằng trách nhiệm và niềm vui công việc của mình là giúp đỡ đồng nghiệp để hoàn thành mục tiêu chung của cả bộ phận. Sự tích cực, tính cách chân thành, nhiệt tình, luôn muốn giúp đỡ người khác mà không phàn nàn, khó chịu sẽ rất hữu ích trong vai trò này.
Sales Assistant thường được cho là một vị trí đầu vào, khá dễ xin việc nhưng với điều kiện bạn phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về kỹ năng và phẩm chất của nhà tuyển dụng. Bạn hãy nhớ rằng, công việc nào cũng có giá trị riêng, tùy vào việc bạn tìm kiếm điều gì từ vị trí đó. Sales Assistant có thể là một cơ hội để bạn bước đầu làm quen với lĩnh vực kinh doanh, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, có được sự kiên nhẫn để bắt đầu cho các mục tiêu nghề nghiệp cao hơn.
MỤC LỤC:
I. Vai trò của Sales Assistant trong bộ phận kinh doanh
II. Phẩm chất, kỹ năng cần có của Sales Assistant
Đọc thêm: Sales Assistant là làm gì? Mô tả công việc của Sales Assistant
Đọc thêm: Câu hỏi phỏng vấn Trợ lý kinh doanh