Cách viết CV xin việc Lễ tân khách sạn
Nhân viên lễ tân luôn được xem là bộ mặt của khách sạn. Bởi vậy, họ không chỉ cần có ngoại hình ưa nhìn mà còn phải có cả nền tảng kiến thức chuyên môn, kỹ năng tốt, thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là những yếu tố mà nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở CV ứng tuyển cho vị trí này. Mặc dù nhân viên lễ tân có thể làm ở khách sạn và văn phòng, tòa nhà, spa, nhà hàng... nhưng trong bài viết này, hãy cùng JobOKO tìm hiểu về CV xin việc của nhân viên lễ tân khách sạn nhé.
MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Lễ tân khách sạn
II. Mẫu CV xin việc Lễ tân khách sạn
III. Cách viết CV xin việc Lễ tân khách sạn
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Lễ tân khách sạn
Viết CV xin việc lễ tân khách sạn như thế nào cho độc đáo, ấn tượng?
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Lễ tân khách sạn
Mỗi nghề nghiệp, mỗi vị trí đều sẽ có các yêu cầu khác nhau, chú ý đến thông tin trọng tâm khác nhau trong CV, hồ sơ xin việc. Vậy, đâu là thông tin không thể thiếu trong CV xin việc lễ tân khách sạn? Chắc chắn, học vấn, kỹ năng hay kinh nghiệm là không thể thiếu, tuy nhiên, điều mà nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy trong CV của bạn còn là hình ảnh đẹp và nghiệp vụ khách sạn.
Quy trình xử lý công việc hay những lưu ý có thể được giải thích và hướng dẫn sau khi đã trúng tuyển nhưng ít nhất, nhà tuyển dụng sẽ cần ứng viên có ngoại hình sáng và sở hữu một số kỹ năng cần thiết như giao tiếp, dịch vụ khách hàng và đặc biệt là nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn. Đừng quên đưa những từ khóa quan trọng này vào CV xin việc lễ tân khách sạn bạn nhé.
II. Mẫu CV xin việc Lễ tân khách sạn
III. Cách viết CV xin việc Lễ tân khách sạn
1. Thông tin cá nhân
Như đã trình bày trước đó, khi tuyển lễ tân khách sạn, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đầu tiên đến ngoại hình. Ở phần đầu CV xin việc lễ tân khách sạn, ngoài việc điền đầy đủ thông tin cá nhân như số điện thoại, email thì bạn có thể dẫn link Facebook hoặc Instagram (IG tốt hơn vì toàn là hình ảnh). Dĩ nhiên nếu mạng xã hội của bạn ít ảnh cá nhân và không phù hợp thì bạn hãy bỏ qua. Ngoài ra, hình ảnh bạn chọn cho CV phải thật tự nhiên và tươi sáng nhé.
Các mục trong CV xin việc lễ tân khách sạn cần được đề cập một cách chuyên nghiệp
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Với phần mục tiêu nghề nghiệp, nhân viên lễ tân khách sạn nên đặt ra những mục tiêu như đóng góp cho khách sạn trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu tích cực, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất, thăng tiến làm trưởng ca, giám sát,... Trước khi viết phần này, bạn nên cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng xem mình thực sự muốn gì, phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Nếu bạn muốn trở thành trưởng bộ phận lễ tân sau 2 năm làm việc trong khi bạn vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm thì việc đưa mục tiêu đó vào CV xin việc lễ tân khách sạn sẽ là không hợp lý.
Gợi ý:
- Thích nghi nhanh với quy trình làm việc tại khách sạn, cung cấp dịch vụ chất lượng nhất, mang lại sự hài lòng lớn nhất cho khách lưu trú, góp phần xây dựng hình ảnh khách sạn thân thiện, chuyên nghiệp.
- Nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, xử lý tình huống phát sinh và kỹ năng, nghiệp vụ khách sạn.
- Thăng tiến lên giám sát bộ phận sau 3 năm làm việc.
Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc
3. Học vấn
Về cơ bản, nhân viên lễ tân khách sạn không cần có bằng đại học, trình độ trung cấp trở lên đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản rồi. Các chuyên ngành như du lịch, khách sạn, ngoại ngữ, khối ngành xã hội hay kinh tế đều phù hợp để làm trong vị trí này. Với phần này trong CV xin việc nhân viên lễ tân, bạn hãy viết chính xác, đầy đủ bằng cấp cao nhất của mình nhé. Nếu bạn có bằng cao đẳng thì viết tên trường, tên ngành, không cần đề cập tới trường cấp 3.
Gợi ý: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (2016 - 2020)
- Ngành: Quản trị Khách sạn
- Xếp loại: Khá, GPA 3.12
4. Kinh nghiệm
4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm
Kinh nghiệm làm việc thực tế của một nhân viên lễ tân khách sạn quyết định phần lớn cơ hội trúng tuyển (hoặc bị loại của bạn). Không gì tốt bằng bạn đã từng làm việc ở các khách sạn 3 sao trở lên vì như vậy nghĩa là bạn đã quen thuộc với quy trình. Lúc này, bạn chỉ cần viết thông tin theo thứ tự thời gian đảo ngược vào CV, dĩ nhiên cũng đừng quên miêu tả đơn giản về công việc và thành tích của bạn (nếu có).
Dù kinh nghiệm của bạn không chính xác là lễ tân khách sạn mà là lễ tân văn phòng, nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng, telesales, nhân viên kinh doanh... thì đều có thể giúp bạn có kỹ năng thay thế, hoàn thành trong vai trò mới. Do đó, hãy ghi vào CV nhân viên lễ tân nhé.
Gợi ý: Khách sạn ABC, Nhân viên lễ tân (01/2019 - nay)
- Chào đón khách đến lưu trú tại khách sạn, xử lý thủ tục nhận phòng, trả phòng và hỗ trợ khách trong quá trình lưu trú; nhận đặt phòng qua điện thoại và cung cấp thông tin hữu ích về tour du lịch, nhà hàng, phương tiện giao thông, đặc sản địa phương...
- Được khách nhận xét tốt, giữ liên lạc với nhiều khách cũ; khen thưởng nhân viên xuất sắc năm 2019.
4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm
Bạn lo lắng vì mình vừa ra trường, còn chưa có kinh nghiệm nên sẽ khó xin việc lễ tân khách sạn? Thực tế, lo lắng không phải lúc nào cũng không tốt vì nhờ có vậy mà bạn chú ý hơn và chuẩn bị kỹ càng hơn để tăng cơ hội trúng tuyển. Rõ ràng, bạn sẽ gặp khó khi viết CV xin việc lễ tân khách sạn vì chẳng có mấy thông tin để lựa chọn đưa vào CV.
Bạn có từng tham gia các sự kiện tại khoa, tại trường hay các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện? Bạn có từng tự mình kinh doanh online? Bạn đã đi thực tập hay làm thêm ở nhà hàng, cửa hàng? Nếu có thì chắc chắn bạn có thể lựa chọn đưa các trải nghiệm này vào CV xin việc lễ tân khách sạn. Tuy nhiên, lưu ý là chỉ viết 2 - 3 kinh nghiệm thôi, ghi rõ về kỹ năng bạn đã có được trong quá trình đó nhé.
Gợi ý: Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, CLB Lễ tân (3/2020 - nay)
- Thành viên câu lạc bộ, chuẩn bị và làm lễ tân trong các sự kiện Đoàn, Hội tại trường, hỗ trợ các event của trường, của khoa.
- Quen thuộc với quy trình, nghiệp vụ giao tiếp và lễ tân ngoại giao; có kỹ năng giao tiếp tốt, tư duy nhanh và khả năng xử lý tình huống hiệu quả.
5. Kỹ năng
Cùng với kinh nghiệm làm việc, kỹ năng có thể được coi là một phần quan trọng hàng đầu trong CV xin việc nhân viên lễ tân khách sạn. Đối với nội dung này, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy dựa vào mô tả công việc của nhà tuyển dụng cũng như tìm hiểu thêm xem nhân viên lễ tân khách sạn sẽ cần kỹ năng nào để thành công. Qua đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh thông tin phù hợp nhất.
Về cơ bản, mẫu CV online sẽ cho phép bạn "chọn" mức độ thành thạo kỹ năng của mình. Tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh) và kỹ năng giao tiếp là phổ biến nhất. Tất cả chúng đều hữu ích với vai trò lễ tân khách sạn nên bạn hãy chọn mức gần tối đa (gần tốt nhất) nhé.
Tuy nhiên, nếu phần kỹ năng trong CV xin việc lễ tân khách sạn của bạn chỉ có Tin học, Ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp thì chắc chắn là không đủ. Bạn cần tự xác định xem mình có kỹ năng nào nổi bật, nhà tuyển dụng liệu có cần các kỹ năng đó hay không? Sau đó, bạn sẽ biết mình nên viết gì vào CV. Từ 4 - 6 kỹ năng là đầy đủ và hợp lý nhất cho phần này.
Gợi ý:
- Kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, giao tiếp tốt.
- Kỹ năng tổ chức, sắp xếp và quản lý thời gian.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng.
- Kỹ năng giữ bình tĩnh dưới áp lực.
6. Sở thích
Sở thích - một phần tưởng như quá cơ bản và chẳng có nhiều "công dụng" trong CV nhưng với một số nghề nghiệp, đặc biệt là công việc trong lĩnh vực dịch vụ như lễ tân khách sạn thì phần này lại rất ý nghĩa. Ở một khía cạnh nào đó, các sở thích giúp ứng viên giới thiệu bản thân với tính cách, thói quen nhỏ nhưng trong mắt nhà tuyển dụng lại đáng để tham khảo.
Thực tế, nhiều người chỉ viết vào những sở thích chung chung, "vô thưởng vô phạt" như đọc sách, nghe nhạc mà không cần biết có phù hợp hay không. Thế nhưng, bạn hãy thử thay đổi cách suy nghĩ và viết đúng về sở thích của mình trong CV xin việc lễ tân khách sạn nhé. Hãy chọn những điều bạn cho là thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực và tích cực, thích giúp đỡ người khác của bạn.
Gợi ý:
- Tham gia các sự kiện tình nguyện, hiến máu.
- Làm đồ thủ công.
Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc
7. Hoạt động
Gần như nhà tuyển dụng nào cũng sẽ thích tuyển nhân viên lễ tân khách sạn năng động, tháo vát lại khéo léo. Nếu bạn là một người tích cực, từng tham gia nhiều hoạt động ngay khi còn trên ghế nhà trường thì tại sao không viết vào CV xin việc lễ tân khách sạn để cho thấy hình ảnh bản thân phù hợp, xứng đáng với vị trí ứng tuyển? Nội dung này cũng rất quan trọng với các bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm.
8. Tham chiếu
Tham chiếu thông tin có thể chẳng mấy quan trọng nhưng lại không thể không có trong CV xin việc lễ tân khách sạn. Chỉ là liệt kê thông tin nhưng bạn cũng phải chú ý đến việc lựa chọn ai là người tham chiếu và hãy viết vào CV 1 - 2 thông tin liên hệ là đủ, tránh dài dòng không cần thiết.
Chứng chỉ và giải thưởng là những phần còn lại trong CV xin việc lễ tân khách sạn mà ứng viên có thể lựa chọn viết hoặc không. Quyết định của bạn thực tế là dựa vào việc bạn có chứng chỉ, giải thưởng hay không và chúng có gần thời gian hiện tại không. Chắc chắn bạn không nên ghi vào giải thưởng từ cấp 2, cấp 3 chỉ vì làm cho CV dài thêm do cũng gần như không có tính chất tham khảo. Chứng chỉ ngoại ngữ, giải thưởng văn nghệ,... có thể phù hợp hơn. Ngược lại, bạn hãy ẩn nội dung khỏi CV nhé.
Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?
Nhà tuyển dụng tuyển Lễ tân khách sạn dựa theo những tiêu chí nào?
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Lễ tân khách sạn
Tiêu chuẩn trong tuyển dụng thường là tương đối vì nhiều khi, kết quả chọn lọc hồ sơ, phỏng vấn ứng viên phụ thuộc vào một số yếu tố khác như ấn tượng ban đầu hoặc so với mặt bằng chung. Dù vậy, có tiêu chí rõ ràng để bám sát vào giúp nhà tuyển dụng giảm nguy cơ tuyển sai người; trong khi ứng viên cũng tự đánh giá được mức độ phù hợp của mình.
Một số tiêu chuẩn tuyển dụng lễ tân khách sạn cơ bản nhất là:
- Xinh xắn, chú ý đến ngoại hình, gọn gàng và chỉn chu
- Chăm chỉ, cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết
- Sẵn sàng làm việc theo ca, có trách nhiệm trong công việc
- Thích giao tiếp, tương tác và giúp đỡ khách lưu trú cũng như những người xung quanh
- Kiên nhẫn, giữ bình tĩnh tốt trong mọi tình huống
- Phản ứng nhanh, giải quyết vấn đề hiệu quả
- Có khả năng ngoại ngữ tốt, cả trong giao tiếp và trao đổi qua email
- Nhiệt tình, thân thiện.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, JOBOKO đã giúp các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu khi viết CV xin việc lễ tân khách sạn. Nói tóm lại, bạn cần phải liệt kê đầy đủ các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết và đừng quên làm nổi bật những thành tích đã đạt được trong CV.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.