Cách viết CV xin việc Nhân viên thiết kế

28/11/2020 12:30
Vì là dân thiết kế nên CV xin việc thường phải ấn tượng, độc đáo và phải làm nổi bật được "chất riêng" của mình. Tham khảo tiếp bài viết dưới đây của JOBOKO để tìm hiểu chi tiết cách viết CV xin việc nhân viên thiết kế nhé.
Nhân viên thiết kế có thể là nhân viên thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, sản phẩm, kiến trúc,... Dù làm ở vị trí nào thì có một điểm chung là bạn phải có khả năng thiết kế, có con mắt nghệ thuật và khả năng sáng tạo, sẵn sàng phá vỡ những giới hạn và tạo ra những tiêu chuẩn mới về cái đẹp có tính ứng dụng. Cá tính, sự chuyên nghiệp, tài năng và kinh nghiệm của bạn đều phải được thể hiện qua CV xin việc nhân viên thiết kế.

Cách viết CV xin việc nhân viên thiết kế

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Nhân viên thiết kế

Nhân viên thiết kế là những người làm công việc sáng tạo, cũng vì vậy, CV xin việc của bạn cũng nên khác biệt, độc đáo, thể hiện được phong cách riêng của bạn. Sự độc đáo đó không chỉ thể hiện qua màu sắc hay thiết kế CV của bạn mà còn phải được làm nổi bật qua nội dung. Chỉ khi xác định được thông tin quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm, có hiệu quả phân biệt bạn với các ứng viên cạnh tranh thì bạn mới có thể thực sự tạo ra CV xin việc nhân viên thiết kế thật xuất sắc.
Với vị trí này, thông tin không thể không có trong CV là các dự án thiết kế và các "sản phẩm" thiết kế thực tế của bạn. Dự án đó thành công hay không, được biết đến rộng rãi hay không, có tính thẩm mỹ và tính ứng dụng như thế nào? Tất cả đều sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá qua thông tin về dự án mà bạn chia sẻ trong CV xin việc nhân viên thiết kế.

II. Mẫu CV xin việc Nhân viên thiết kế

Nhân viên thiết kế chắc chắn phải là người có con mắt nghệ thuật và có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ, phần mềm thiết kế. Do đó, khi chuẩn bị CV xin việc, bạn có ít nhất 2 lựa chọn: Tự thiết kế CV cho mình hoặc sử dụng các mẫu CV online có sẵn.
Dù lựa chọn của bạn là gì thì vẫn phải đảm bảo CV đẹp, sáng tạo, chỉ cần nhà tuyển dụng nhìn thấy sẽ nhận xét rằng "đây đúng là CV xin việc của dân thiết kế". Nói thì dễ, làm mới khó. Đôi khi, chính phong cách hay sự tự tin lại khiến CV của bạn bị "quá đà" và gây rối cho nhà tuyển dụng, tạo cảm giác không mấy thuyết phục và ấn tượng. Trong nhiều trường hợp, để tiết kiệm thời gian và lựa chọn một giải pháp an toàn thì bạn hãy sử dụng mẫu CV xin việc nhân viên thiết kế sẵn có để đảm bảo tính thẩm mỹ và có sự cân bằng trong sử dụng màu sắc, bố cục.

III. Cách viết CV xin việc Nhân viên thiết kế​

1. Thông tin cá nhân

Như đã đề cập, sáng tạo là phẩm chất, kỹ năng quan trọng nhất của một nhân viên thiết kế. Khi bắt tay vào viết phần đầu tiên trong CV xin việc - phần thông tin cá nhân, bạn hãy thử nghĩ về những cách để có thể giới thiệu mình sao cho độc đáo. Ngoài họ tên, năm sinh hay cách thức liên lạc, bạn muốn nhà tuyển dụng hình dung thế nào về mình?
Bởi vì CV xin việc nhân viên thiết kế không thể quá dài nên bạn không thể "nhồi nhét" thông tin, nhất là ở những phần cơ bản như thế này. Mẹo đơn giản nhất là bạn hãy đưa link Facebook hoặc Instagram hoặc website cá nhân, blog của bạn nếu bạn có nhiều thiết kế thể hiện phong cách riêng của mình trên đó. Dù là thiết kế của riêng mình bạn hay hợp tác với người khác, nếu tự tin hãy chia sẻ trong phần thông tin cá nhân nhé.

Để xin việc nhân viên thiết kế cần tạo CV sao cho chuyên nghiệp

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Khi làm công việc thiết kế, mỗi nhân viên thiết kế sẽ có những mục tiêu và tham vọng riêng. Một số người muốn sáng tạo ra những tác phẩm để đời, nổi tiếng trong giới trong khi nhiều người muốn sản phẩm của mình có tính ứng dụng cao, kiếm được nhiều tiền và thăng tiến hoặc ra kinh doanh riêng. Thực tế, các mục tiêu nghề nghiệp này không hề mâu thuẫn với nhau nhưng để chia sẻ với nhà tuyển dụng trong CV xin việc nhân viên thiết kế, bạn vẫn phải cân nhắc đến giới hạn.
Hầu hết nhà tuyển dụng đều kỳ vọng nhân viên của mình có mục tiêu phù hợp với sứ mệnh, định hướng của công ty và đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của công ty. Sẽ không phải một ý hay khi ứng viên viết rằng họ muốn mở studio, mở công ty thiết kế riêng. Vì vậy, bạn có thể nói về các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, tránh trở thành "đối thủ cạnh tranh" tiềm ẩn ngay từ khi gửi CV đến nhà tuyển dụng.
Gợi ý:

  • Được tham gia nhiều dự án thiết kế quy mô, ý nghĩa, đóng góp cho hình ảnh thương hiệu của công ty;
  • Định hình phong cách thiết kế, xây dựng thương hiệu cá nhân và được biết đến nhiều hơn;
  • Không ngừng học hỏi, đón đầu các xu hướng thiết kế và phát triển tư duy sáng tạo, phấn đấu thăng tiến lên trưởng phòng thiết kế sau 5 năm.

3. Học vấn

Nhân viên thiết kế đồ họa sẽ cần bằng cấp khác với nhân viên thiết kế nội thất hay nhân viên thiết kế thời trang... Vẫn là nghề thiết kế nhưng mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ có đặc điểm khác nhau, yêu cầu chi tiết khác nhau. Ngày nay, nhân viên thiết kế không nhất định phải có bằng đại học các chuyên ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất,... mà nhiều bạn chỉ cần có năng khiếu, đam mê và theo học các chương trình đào tạo ngắn hạn khoảng 2 năm là có thể làm được. Dù vậy, bằng cấp cao vẫn sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai.
Với phần học vấn trong CV xin việc nhân viên thiết kế, bạn cần điền chính xác thông tin về bằng cấp cao nhất của mình. Trong trường hợp bạn có bằng trung cấp hoặc cao đẳng rồi học lên đại học, hãy ghi đầy đủ để các mốc thời gian hợp lý và cho thấy sự nỗ lực của bạn trên con đường học thiết kế.

Gợi ý: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (2016 - 2020)
  • Ngành: Thiết kế công nghiệp
  • Xếp loại: Khá.
  • GPA (điểm trung bình học tập): 3.16
Hướng dẫn cách viết phần Học vấn trong CV xin việc Nhân viên thiết kế

4. Kinh nghiệm

4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Khi đánh giá kinh nghiệm của ứng viên vị trí nhân viên thiết kế, các nhà tuyển dụng có thể có quan điểm khác nhau: Vẫn có nhiều công ty muốn tuyển người có kinh nghiệm vì năng lực được chứng minh qua thực tế và ứng viên sẽ thích nghi nhanh, biết việc, thạo việc; trong khi đó, một số doanh nghiệp lại thích tuyển người mới vì hi vọng rằng ứng viên có sự mới mẻ, sáng tạo, có khả năng tạo nên các tác phẩm đột phá. Dù vậy, không nghi ngờ gì về việc nhân viên thiết kế có kinh nghiệm vẫn dễ trúng tuyển hơn.
Thế nhưng, kinh nghiệm như thế nào thì có thể viết vào CV xin việc nhân viên thiết kế? Có nhất định phải làm đúng việc thiết kế hay không? Đáp án là tốt nhất, bạn hãy viết vào CV 3 - 5 kinh nghiệm (từ 6 tháng trở lên) về thiết kế. Trong trường hợp bạn chỉ vừa mới đi làm thì thậm chí, kinh nghiệm không liên quan cũng có thể đưa vào. Bạn đừng quên viết ngắn gọn về nhiệm vụ của mình và các thành tích, dự án thiết kế đã thực hiện.
Gợi ý: Công ty Tư vấn Thiết kế ABC, Nhân viên thiết kế đồ họa (6/2020 - nay)

  • Thiết kế độc lập cho các dự án của khách hàng theo chỉ đạo, phân công của công ty;
  • Các dự án thiết kế nổi bật nhất: [tên các dự án bạn đã hoàn thành].

4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Chưa có kinh nghiệm được chia làm 2 trường hợp: Bạn hoàn toàn chưa từng đi làm gì, ngay cả đi làm thêm và trường hợp thứ 2 là đã đi làm nhưng công việc đó không liên quan gì tới thiết kế. Lúc này, để viết CV xin việc nhân viên thiết kế, bạn sẽ cần tuân thủ các nguyên tắc như:

  • Có kinh nghiệm làm các công việc không liên quan: Viết vào CV, đừng quên thêm rằng trong quá trình đi làm các công việc đó bạn vẫn đi học về thiết kế hoặc làm thiết kế tự do (nếu có).
  • Chưa có kinh nghiệm đi làm chính thức nhưng từng đi thực tập, làm thêm các công việc liên quan tới thiết kế: Viết đầy đủ vào CV, bao gồm cả việc làm CTV thiết kế...
  • Hoàn toàn không có kinh nghiệm: Giải thích rằng bạn luôn tập trung vào việc học. Tuy nhiên, thực tế là gần như không có bạn nào học thiết kế lại thụ động không thực hành, do đó, dù chỉ đi học thì chắc chắn bạn cũng đã tự thiết kế, tham gia vào các hoạt động ở câu lạc bộ trong trường hay đơn giản là thực hành cho các môn học, có thể giải thích ở phần này luôn - tránh CV xin việc nhân viên thiết kế quá trống trải.

Gợi ý: Thiết kế tự do/Freelancer (7/2019 - nay)

  • Nhận các dự án thiết kế đồ họa nhỏ hoặc hợp tác làm việc nhóm trong các dự án lớn từ các group freelance trên Facebook và trang web cho Freelancer từ năm thứ 3 đại học;
  • Hoàn thành một số dự án nổi bật như [các dự án bạn tự tin nhất]; quen biết và hợp tác với nhiều khách hàng, duy trì mối quan hệ tích cực cho đến nay.

5. Kỹ năng

Không nghi ngờ gì nữa, với nhân viên thiết kế thì kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng cứng - kỹ năng thiết kế. Bạn phải thành thạo các công cụ thiết kế, đồng thời dễ dàng hình dung và đưa ra nhiều lựa chọn, thiết kế demo khi nghe yêu cầu. Các ý tưởng thiết kế sáng tạo, thú vị chỉ thực sự hữu ích khi trở nên trực quan nhờ các kỹ năng của người thực hiện. Muốn viết phần này trong CV xin việc nhân viên thiết kế, bạn đừng quên dành thời gian để xác định mình thành thạo kỹ năng gì và đó liệu có phải những kỹ năng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm hay không?
Sau khi đã cân nhắc, bạn nên viết vào phần kỹ năng trong CV xin việc nhân viên thiết kế khoảng 4, 5 kỹ năng bạn có và bạn cho rằng chúng cần thiết nhất với công việc. Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm, cũng chưa thực sự tự tin rằng mình thành thạo các kỹ năng, hãy chăm chỉ rèn luyện qua thực tế, chỉ khi phát triển bản thân thì bạn mới có thể cạnh tranh trong thị trường lao động dễ bị đào thải như hiện nay.
Gợi ý:

  • Kỹ năng thiết kế: Sử dụng thành thạo các phần mềm Sketchup, 3ds Max, Autocad, Adobe Photoshop, Adobe Illustrator;
  • Kỹ năng tư duy sáng tạo;
  • Kỹ năng tập trung, làm việc độc lập;
  • Chú ý đến chi tiết, cẩn thận và tỉ mỉ;
  • Kỹ năng quản lý thời gian, làm việc dưới deadline.
Kỹ năng trong CV xin việc Nhân viên thiết kế luôn được nhà tuyển dụng chú trọng

6. Sở thích

Nhân viên thiết kế có nhất thiết phải có tất cả mọi sở thích đều liên quan đến thiết kế hay không? Viết vào CV xin việc nhân viên thiết kế các sở thích cá nhân liệu có khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng? Câu trả lời là không. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ về bản thân và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá dựa trên hình dung chân thực hơn về tính cách của bạn - xem bạn liệu có thực sự phù hợp với công việc và môi trường công ty không.
Dù sở thích của bạn là gì, miễn là lành mạnh thì bạn đều có thể đưa vào CV và dĩ nhiên, tốt nhất là các sở thích đó phần nào phản ánh nét tính cách tích cực của bạn, cho thấy bạn kiên nhẫn, tỉ mỉ, tập trung, yêu thích hội họa, kiến trúc, thời trang, nội thất và sự sáng tạo, giàu ý tưởng...
Gợi ý:

  • Đọc sách, tạp chí và xem các chương trình khám phá, nghệ thuật.
  • Tham quan bảo tàng, đi du lịch.

7. Tham chiếu

Dù bạn là ứng viên có kinh nghiệm hay chưa thì khi viết CV xin việc nhân viên thiết kế cũng không thể bỏ qua phần tham chiếu thông tin. Không phải nhà tuyển dụng nào cũng nhất định sẽ liên hệ với người tham khảo của bạn để hỏi về bạn nhưng ít nhất, thông tin này giúp bạn đáng tin cậy hơn. Không nhất thiết phải là giám đốc sáng tạo ở công ty cũ, đôi khi tham chiếu thông tin từ giảng viên hay người giám sát trực tiếp của bạn cũng sẽ thuyết phục.

8. Giải thưởng

Một nhân viên thiết kế từng nhận một hay nhiều giải thưởng thiết kế từ khi còn đi học và ngay cả khi đã đi làm chắc chắn sẽ được coi là một nhân tài - vừa có ý tưởng lại vừa có năng lực thiết kế. Hãy viết phần này trong CV xin việc nhân viên thiết kế nếu bạn từng nhận giải thưởng nhé, còn nếu không, hãy ẩn đi thay vì để trống.
Các phần chứng chỉ và hoạt động cũng tương tự. Trong trường hợp bạn tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến, ngắn hạn về thiết kế và nhận chứng chỉ thì hãy ghi vào CV, ngược lại, hãy ẩn đi. Hoạt động là phần có thể viết hoặc không tùy thuộc vào bạn. Nhìn chung, nếu bạn là nhân viên thiết kế nhiều kinh nghiệm thì phần này không thực sự quan trọng - vì nghề thiết kế không yêu cầu nhân sự phải rất năng động, nhiệt huyết. Tuy thế, nếu bạn là sinh viên mới ra trường thì việc tham gia hoạt động tích cực có thể giúp bạn ghi điểm.

Nhà tuyển dụng tuyển nhân viên thiết kế dựa trên những yếu tố nào?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Nhân viên thiết kế

Biết về các tiêu chuẩn tuyển dụng giúp ứng viên tự đánh giá bản thân và cân nhắc khi xin việc nhân viên thiết kế. Một số tiêu chí cơ bản của nhà tuyển dụng sẽ gồm có:

  • Sáng tạo, sáng tạo và không ngừng sáng tạo.
  • Giàu ý tưởng, không tự giới hạn bản thân.
  • Nắm bắt xu hướng, có khả năng dẫn đầu xu hướng thiết kế.
  • Kỹ năng thiết kế xuất sắc, có con mắt nghệ thuật và tư duy ứng dụng nghệ thuật vào thực tiễn.
  • Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm tốt, có thể hợp tác với các nhân viên thiết kế khác.

V. Đừng chỉ gửi CV xin việc khi ứng tuyển Nhân viên thiết kế

Vì đặc thù nghề nghiệp, nhân viên thiết kế rất khó để chứng minh năng lực bản thân và thu hút nhà tuyển dụng chỉ với CV xin việc. Những dự án thiết kế nào bạn đã tham gia, các công trình cụ thể, phong cách của bạn như thế nào...? Hãy để các tài liệu bổ sung giúp bạn ứng tuyển thành công:

  • Gửi CV xin việc nhân viên thiết kế kèm portfolio.
  • Đừng quên thư xin việc.

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Cuối cùng, đừng quên đọc lại CV để kiểm tra và phát hiện lỗi chính tả hoặc lỗi căn chỉnh nếu có nhé! Hy vọng những lưu ý trên đây sẽ giúp bạn viết một bản CV xin việc thiết kế đồ họa, nhân viên thiết kế ấn tượng nhất. Truy cập JOBOKO.com để khám phá thêm nhiều thông tin tuyển dụng hấp dẫn thôi!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Nhân viên thiết kế
II. Mẫu CV xin việc Nhân viên thiết kế
III. Cách viết CV xin việc Nhân viên thiết kế​
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Nhân viên thiết kế
V. Đừng chỉ gửi CV xin việc khi ứng tuyển Nhân viên thiết kế

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888