Câu hỏi phỏng vấn Trợ lý kinh doanh

26/01/2020 18:55
Trợ lý kinh doanh là công việc dễ thăng tiến nên thu hút nhiều ứng viên trẻ. Trong cuộc phỏng vấn cho vị trí này, nhà tuyển dụng sẽ muốn đặt ra những câu hỏi phỏng vấn Trợ lý kinh doanh thật sát sao để đánh giá chính xác về năng lực, kỹ năng của ứng viên. Ứng viên càng chuẩn bị sẵn sàng sẽ càng gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Công việc trợ lý kinh doanh (Sale Admin) là mơ ước của không ít người bởi đây là vị trí không phải ai cũng có thể đảm nhận. Với mong muốn tìm kiếm cho mình một công việc có thu nhập tốt và nhiều cơ hội thăng tiến, các bạn trẻ đều mong muốn gửi CV xin việc Nhân viên sale admin khi có đợt tuyển dụng. Những ai đang có nhu cầu tìm việc, đừng bỏ lỡ bài viết sau bởi JOBOKO sẽ cung cấp những câu hỏi phổ biến nhất trong các cuộc phỏng vấn vị trí trợ lý kinh doanh và gợi ý trả lời để bạn dễ dàng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Trợ lý kinh doanh thường có những câu hỏi phỏng vấn nào phổ biến?

I. Yêu cầu công việc của trợ lý kinh doanh

Trợ lý kinh doanh chịu trách nhiệm cho rất nhiều công việc khác nhau, tuỳ thuộc vào công ty và bộ phận làm việc. Thông thường, bạn sẽ phụ trách quản lý luồng giao tiếp tại văn phòng, xử lý các nhiệm vụ kế toán cơ bản, quản lý việc mua và phân phối vật tư, bảo trì thiết bị và điều phối việc sử dụng không gian văn phòng cho các cuộc họp hoặc sự kiện khác.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào công ty cụ thể, một trợ lý kinh doanh cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ khác. Ví dụ, một trợ lý làm việc trong lĩnh vực marketing có thể chịu trách nhiệm đọc các tài liệu hoặc giúp điều phối và quản lý các sự kiện,... Bất kể các trách nhiệm cụ thể nào, công việc của trợ lý kinh doanh là cung cấp hỗ trợ cho sếp và đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ.

II. Câu hỏi phỏng vấn trợ lý kinh doanh và gợi ý trả lời

1. Tại sao bạn muốn nhận công việc trợ lý kinh doanh này?
Các công ty muốn thuê những người có đam mê với công việc, vì vậy bạn cần có một câu trả lời chân thành nhưng ấn tượng về lý do tại sao bạn muốn vị trí trợ lý kinh doanh này. Đầu tiên, bạn cần xác định ít nhất 2 yếu tố trọng tâm chứng minh rằng mô tả công việc rất phù hợp với bạn và chia sẻ lý do tại sao bạn thích công ty.

Gợi ý trả lời: "Tôi thích công việc này bởi vì tôi luôn muốn có sự tương tác cũng như mang đến sự hài lòng cho những người xung quanh bằng cách hỗ trợ hết mình để giải quyết tốt vấn đề. Tôi cũng luôn là một người nhiệt huyết và sẵn sàng học hỏi, tôi nghĩ công ty mình sẽ là môi trường tuyệt vời để tôi thể hiện bản thân tốt nhất".

2. Bạn đã học được gì từ những sai lầm trong công việc trợ lý kinh doanh?

Với câu hỏi này, các ứng viên không đưa ra được ví dụ cụ thể sẽ bị đánh giá là thiếu chân thực. Tuy nhiên, sai lầm bạn chia sẻ không nên quá nghiêm trọng hoặc kết luận bằng kinh nghiệm lượm lặt không phù hợp.
Gợi ý trả lời: "Lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí trợ lý kinh doanh, tôi từng phạm phải sai lầm đáng nhớ. Khi được tham gia dự án cùng nhóm, tôi đã nỗ lực làm việc một mình mà quên rằng teamwork có nghĩa là hợp tác, học hỏi giữa các thành viên và kỹ năng này đặc biệt quan trọng với một trợ lý kinh doanh".

Hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn trợ lý kinh doanh chuyên nghiệp

3. Bạn nghĩ gì về những thử thách trong vị trí trợ lý kinh doanh?

Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất để nhà tuyển dụng xác nhận mục tiêu của bạn cho vị trí công việc mới và thậm chí là để đánh giá xem bạn có phù hợp với vai trò trợ lý kinh doanh hay không. Phương pháp tốt nhất để trả lời là thảo luận về cách bạn muốn sử dụng hiệu quả các kỹ năng và kinh nghiệm của mình nếu bạn được nhận công việc này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đề cập đến việc bạn cảm thấy có động lực, được thúc đẩy nhiều hơn bởi những thử thách, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và vượt qua. Bạn cũng đừng quên nói về khả năng chuyển đổi linh hoạt trong công việc để thích nghi với những thay đổi lớn.
Gợi ý trả lời: Tôi biết công việc nào cũng có những thử thách nhất định, đặc biệt là với vai trò trợ lý kinh doanh do đặc thù công việc phải phụ trách nhiều vấn đề, hỗ trợ nhiều người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bản thân có các kỹ năng và trình độ chuyên môn đủ để giải quyết các vấn đề một cách tối ưu nhất có thể. Ngoài ra, tôi cũng là người có tính cách mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và linh hoạt trong xử lý tình huống.

4. Bạn có thể mô tả một tuần làm việc điển hình của vị trí trợ lý kinh doanh không?

Người phỏng vấn hy vọng ứng viên có thể thảo luận với họ về những nhiệm vụ cụ thể. Trước khi trả lời, bạn hãy xem xét vị trí bạn đang ứng tuyển và các công việc trước đây có kết nối như thế nào. Những trải nghiệm liên quan sẽ giúp bạn đưa ra câu trả lời hợp lý nhất.
Gợi ý trả lời: "Việc đầu tiên tôi làm vào thứ Hai là kiểm tra hộp thư thoại và email, sau đó là những công việc ưu tiên trong tuần được lên lịch từ trước. Dĩ nhiên, luôn có những phát sinh cụ thể và việc của tôi là hỗ trợ tối đa để công việc trong văn phòng diễn ra suôn sẻ. Vì vậy, tôi cũng sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng để xử lý các vấn đề đó".
Những công việc mà trợ lý kinh doanh cần làm mỗi ngày là gì?
5. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Không ứng viên nào muốn trả lời câu hỏi này vì nó yêu cầu một sự cân bằng tinh tế. Bạn không thể nói rằng mình không có điểm yếu; cũng không thể đánh lừa người phỏng vấn với những đáp án như điểm yếu cũng là điểm mạnh ("Điểm yếu của tôi là làm việc quá nhiều và tôi không thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc").
Và dĩ nhiên, bạn không nên nói về điểm yếu gây ấn tượng xấu ("Tôi không thể dậy sớm, nên rất hay đi làm muộn"). Cách tốt nhất để đối phó với câu hỏi này là tập trung vào những chi tiết nhỏ, thành thực nhưng vấn đề không quá nghiêm trọng. Ngoài ra, đừng quên nhấn mạnh rằng bạn nhận thức được điểm yếu của bản thân và luôn cố gắng khắc phục dần.
Gợi ý trả lời: Đôi khi tôi có thể bị lạc lối bởi những chi tiết nhỏ trong công việc/Thỉnh thoảng tôi hơi mất kiên nhẫn trong việc diễn giải nên có thể sẽ khiến đồng nghiệp khó hiểu về ý tưởng mà tôi đưa ra/Tôi vẫn chưa tự tin với khả năng phát biểu trước đám đông, thường cảm thấy lo lắng khi phải thuyết trình trong các cuộc họp,...

III. Một số câu hỏi phỏng vấn Trợ lý kinh doanh phổ biến khác

6. Hãy nói về lĩnh vực kinh doanh trước đây của bạn. Bạn đã đúc kết được những gì từ kinh nghiệm đó?
7. Thông thường, bạn sẽ cần bao nhiêu thời gian để quen thuộc với các sản phẩm bạn kinh doanh? Theo bạn, trợ lý kinh doanh có nhất định phải hiểu sâu về sản phẩm?
8. Đã bao giờ bạn đề xuất một cách để cải thiện hiệu quả, giảm chi phí hoặc tiết kiệm thời gian cho hoạt động kinh doanh của công ty? Bạn có cho rằng đó là một trong những trách nhiệm của trợ lý kinh doanh?
9. Bộ phận kinh doanh nên làm gì để xây dựng lòng trung thành của khách hàng?
10. Bạn sẽ làm thế nào để giới thiệu với khách hàng về các sự kiện đặc biệt do công ty tổ chức nhằm thúc đẩy kinh doanh? Bạn thuyết phục họ tham dự bằng cách nào?
11. Trong trường hợp một khách hàng liên tục yêu cầu giảm giá, bạn sẽ xử lý như thế nào?
12. Bạn thấy điều hấp dẫn nhất khi trở thành một trợ lý kinh doanh là gì? Tại sao?
13. Bạn nghĩ những kỹ năng nào là quan trọng nhất để thành công ở vị trí trợ lý kinh doanh?
14. Ở vị trí của một trợ lý kinh doanh, bạn đánh giá thế nào về vai trò của dịch vụ chăm sóc khách hàng với hiệu quả kinh doanh tổng thể?
15. Bạn có nghĩ rằng tính cạnh tranh trong đội ngũ kinh doanh là một điều lành mạnh hay không?
16. Bạn có kinh nghiệm với các hệ thống POS hay không?
17. Hãy chia sẻ về trường hợp bạn dùng ý tưởng và sự hỗ trợ của mình để thúc đẩy bộ phận kinh doanh hoàn thành một hợp đồng khó khăn.
18. Đã bao giờ bạn phải thu thập thông tin phục vụ kinh doanh từ nhiều nguồn? Bạn làm thế nào để xác định xem thông tin có quan trọng hay không?
19. Theo bạn, trợ lý kinh doanh có cần kỹ năng lắng nghe tích cực không? Vì sao?
20. Công việc của trợ lý kinh doanh có thể yêu cầu bạn thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, bạn làm thế nào để giữ cảm xúc ổn định và duy trì nụ cười trên môi?
Bên cạnh công việc trợ lý kinh doanh thì những ai yêu thích vị trí trợ lý cũng có thể ứng tuyển vào trợ lý dự án, trợ lý giám đốc kinh doanh, trợ lý giám đốc. Trước khi ứng tuyển thì bạn cần tìm hiểu kỹ trợ lý là làm gì? Mô tả chi tiết công việc trợ lý ra sao tại các tin đăng của nhà tuyển dụng để cân nhắc kỹ càng xem mình có phù hợp không, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt cho sự nghiệp tương lai.

MỤC LỤC:
I. Yêu cầu công việc của trợ lý kinh doanh
II. Câu hỏi phỏng vấn trợ lý kinh doanh và gợi ý trả lời
III. Một số câu hỏi phỏng vấn Trợ lý kinh doanh phổ biến khác

Đọc thêm: Trợ lý kinh doanh là làm gì? Lương cao không?

Đọc thêm: Top kỹ năng quan trọng nhất dành cho Trợ lý kinh doanh

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888