Học ngành Quản trị nhân lực ra trường làm gì? nên học trường nào?

22/04/2022 16:30
Với tấm bằng ngành quản trị nhân lực, các bạn sẽ có nhiều cơ hội công việc từ làm tuyển dụng, nhân sự nội bộ cho doanh nghiệp tới làm headhunter hay vô số hướng đi khác. Cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập ổn, dễ xin việc là những điểm hấp dẫn khác khiến nhiều bạn nỗ lực học và thử sức trong lĩnh vực cạnh tranh này.
Là một trong những nghề nghiệp nhiều triển vọng, được đánh giá là sẽ tiếp tục hot vì khả năng không thể bị thay thế, tuyển dụng nhân sự đã và đang thu hút nhiều lao động trẻ có trình độ. Công ty, tổ chức nào cũng sẽ cần nhân sự chất lượng, cần nâng cao hiệu suất làm việc, xây dựng môi trường làm việc tích cực... Những bạn học ngành quản trị nhân lực được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ để phụ trách một trong những "nguồn vốn" ý nghĩa nhất của doanh nghiệp là nguồn vốn con người.

Cơ hội việc làm ngành quản trị nhân lực

I. Tổng quan ngành Quản trị nhân lực

Ngành quản trị nhân lực (một số trường gọi là quản lý nhân sự hoặc quản lý nguồn nhân lực) là ngành học tập trung vào đào tạo kỹ năng, cung cấp nền tảng kiến thức đầy đủ, chuyên sâu cho sinh viên về nguồn nhân lực: Tầm quan trọng, các phương pháp khai thác, quản lý nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy và tạo động lực cho nhân viên nâng cao năng suất lao động,...
Ngoài việc tập trung vào lĩnh vực quản trị con người, sinh viên học ngành quản trị nhân lực cũng sẽ học kinh doanh, cách thức vận hành của doanh nghiệp, quản trị tài chính, quản trị văn phòng. Dĩ nhiên, các môn học về Luật Lao động, bảo hiểm, tiền lương,... cũng là không thể thiếu trong chương trình học ngành quản trị nhân lực. Hiện nay, ngành này có các khối thi là A00, A01, D01 và C00.

II. Học Quản trị nhân lực ra làm gì? Lương bao nhiêu?

Có lẽ, yếu tố được nhiều người quan tâm nhất khi chọn ngành học là triển vọng của nghề nghiệp trong tương lai. Những ngành dễ xin việc làm, có môi trường làm việc tốt và mức thu nhập ổn (hoặc cao) lúc nào cũng sẽ cạnh tranh hơn so với một số ngành khác. Quản trị nhân lực là một ngành như vậy. Dù bạn tốt nghiệp cao đẳng hay có bằng cử nhân đại học thì bạn cũng có thể ứng tuyển vào nhiều vai trò thú vị như:
  • Chuyên viên/nhân viên nhân sự: Vai trò đầu tiên, phổ biến nhất mà các bạn học ngành quản trị nhân lực thường nghĩ đến là làm chuyên viên nhân sự. Thu nhập của bạn sẽ trong khoảng từ 8 - 12 triệu/tháng, cao nhất 35 triệu/tháng.
  • Nhân viên hành chính nhân sự: Đây cũng là công việc phổ biến với những ai có bằng quản trị nhân lực. Mức lương của vị trí này dao động từ 6 - 9 triệu/tháng, cao nhất 25 triệu/tháng.
  • Chuyên viên tuyển dụng (nội bộ): Ở những công ty, tập đoàn lớn thì thường tuyển riêng vai trò tuyển dụng và nhân sự. Mức lương của chuyên viên tuyển dụng hiện nay là từ 8,6 - 12,6 triệu/tháng, cao nhất 30 triệu/tháng.
  • Headhunter: Dịch vụ "săn đầu người" headhunter ngày càng hot vì nhiều doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tốc độ tuyển dụng, tuyển đúng người sẽ tìm đến headhunter. Headhunter có thể làm trong công ty cung cấp dịch vụ hoặc làm tự do. Thu nhập phụ thuộc vào hình thức làm việc, có thể lên tới 30 - 40 triệu/tháng.
  • Chuyên viên tuyển dụng đào tạo: Học ngành quản trị nhân lực, bạn cũng có thể cân nhắc theo hướng trở thành chuyên viên tuyển dụng đào tạo và nhận mức lương từ 8 - 12 triệu/tháng, cao nhất 20 triệu/tháng.
  • Chuyên viên đào tạo: Vị trí này có lương từ 9 - 14 triệu/tháng, cao nhất 35 triệu/tháng. Sau khi có kinh nghiệm và mạng quan hệ rộng, bạn có nhiều cơ hội thăng tiến hoặc mở các trung tâm đào tạo.
  • Lễ tân văn phòng: Khi vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm, nhiều bạn học ngành quản trị nhân lực lựa chọn làm lễ tân văn phòng với thu nhập từ 6 - 8 triệu/tháng, cao nhất 20 triệu/tháng. Mức lương chưa phải quá cao nhưng đổi lại công việc nhẹ nhàng và ổn định.
  • Trợ lý tuyển dụng: Vị trí này có mức lương trung bình từ 7 - 9 triệu/tháng, cao nhất 15 triệu/tháng.
  • Chuyên viên chính sách nhân sự: Vai trò thường có ở công ty lớn, thu nhập trong khoảng 8 - 12 triệu/tháng, cao hơn khoảng 20 - 25 triệu/tháng.
  • Truyền thông nội bộ: Mức lương bạn nhận được khi làm nhân viên truyền thông nội bộ là từ 7 - 10 triệu/tháng, cao nhất 30 triệu/tháng.
  • Nhân viên tiền lương/Nhân viên chính sách tiền lương (Nhân viên C&B): Vai trò này chuyên về đảm bảo chế độ phúc lợi cho nhân viên và bạn thường nhận được 8 - 13 triệu/tháng, cao nhất khoảng 20 triệu/tháng.
  • Giảng viên: Giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên cả nước, mức lương theo bậc lương của cả nước.
Quản trị nhân lực có dễ xin việc không? trường nào đào tạo tốt?

III. Học ngành Quản trị nhân lực ở trường nào tốt?

Thực tế, hiện nay chưa có nhiều trường đại học, cao đẳng tổ chức tuyển sinh chương trình đào tạo ngành quản trị nhân lực. Người làm tuyển dụng, nhân sự hay hành chính nhân sự thì nhiều nhưng đa số là làm trái ngành - thường là các bạn học ngành luật, ngoại ngữ, khoa học xã hội, kinh tế... chuyển sang.
Việc học đúng chuyên ngành quản trị nhân sự cũng như học ở trường tốt, có danh tiếng sẽ giúp bạn có nền tảng vững chắc, đào tạo bài bản và làm việc hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, với tấm bằng từ trường uy tín, ngay từ khi ra trường và đi xin việc làm, bạn đã có được nhiều ưu thế hơn so với làm trái ngành.
Một số trường có ngành quản trị nhân sự được đánh giá là tốt nhất hiện nay tại 3 miền Bắc, Trung, Nam là:

1. Miền Bắc

  • Đại học Nội Vụ.
  • Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở Hà Nội).
  • Đại học Kinh tế Quốc dân.
  • Đại học Công đoàn.
  • Đại học Thương mại.
  • Đại học Công nghiệp Hà Nội.

2. Miền Trung

  • Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
  • Đại học Kinh tế - Đại học Huế.
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.
  • Đại học Đông Á.

3. Miền Nam

  • Đại học Nguyễn Tất Thành.
  • Đại học Công nghệ TP.HCM.
  • Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
  • Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở phía Nam).
  • Đại học Mở TP.HCM.
  • Đại học Hoa sen.
Có nên theo học ngành Quản trị nhân lực không?

IV. Những ai phù hợp theo học ngành Quản trị nhân lực?

Rõ ràng, khi bạn chọn nghề, nghề nghiệp đó cũng "chọn" bạn. Có một số người phù hợp với nghề này, trong khi người khác thì không - xác định đúng niềm yêu thích, mong muốn và năng lực của bản thân, sau đó chọn ngành học, chọn trường phù hợp và thi vào là quy trình bạn phải tuân theo. Chỉ khi thật sự yêu thích và thích nghi được, bạn mới có thể thành công.
Những người được cho là có các tố chất, phẩm chất hợp với ngành quản trị nhân lực là:
  • Khéo léo trong giao tiếp, tương tác.
  • Nhanh nhẹn, tâm lý, dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với người khác, suy nghĩ dựa trên quan điểm của đối phương.
  • Yêu thích lĩnh vực nhân sự, tuyển dụng và quản trị con người.
Học ngành quản trị nhân lực không dễ vì người học cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện bản thân, phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là trong xây dựng, mở rộng mạng quan hệ. Thế nhưng, theo ngành này, bạn sẽ học được rất nhiều, cũng có thể phát triển con đường sự nghiệp lâu dài, không lo thất nghiệp hay bị đào thải ngay cả khi đã nhiều tuổi, nhận mức lương hấp dẫn, cạnh tranh hơn so với nhiều ngành khác.

MỤC LỤC:
I. Tổng quan ngành Quản trị nhân lực
II. Học Quản trị nhân lực ra làm gì? Lương bao nhiêu?
III. Học ngành Quản trị nhân lực ở trường nào tốt?
IV. Những ai phù hợp theo học ngành Quản trị nhân lực?

Đọc thêm: ​Cơ sở của cung ứng nhân lực là gì? Vấn đề chi phối kế hoạch cung ứng nhân lực

Đọc thêm: ​​Cách lập kế hoạch cung ứng nhân lực hiệu quả

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888