Nghỉ việc không báo trước: Lý do không nên tự ý nghỉ

11/02/2022 08:30
Nhân viên nghỉ việc không báo trước là một "thảm họa" với doanh nghiệp, tổ chức và bản thân người lao động không thông báo đã nghỉ việc cũng có thể vấp phải các vấn đề pháp lý, bị phạt vì phá hợp đồng.

Có vô số lý do để một cá nhân quyết định nghỉ việc, nhảy việc dù chưa hết thời hạn hợp đồng thế nhưng, điều quan trọng là cách bạn xin nghỉ như thế nào. Nếu ngay lập tức nghỉ luôn không thông báo trước thì đó là sự thiếu chuyên nghiệp và có thể gây ra tổn thất cho công ty cũng như chính bản thân bạn. Nếu bạn "trót" suy nghĩ tới nghỉ việc không báo trước và lo lắng không biết có bị phạt không thì nhất định phải theo dõi nội dung sau đây của JobOKO để tìm ra câu trả lời nhé.

Có nên nghỉ việc không báo trước hay không?

I. Nghỉ việc không báo trước là gì?

Nghỉ việc không báo trước được hiểu là hành động bạn tự ý nghỉ việc, không xin phép quản lý hay trình bày với công ty mà "im lặng" nghỉ luôn hoặc chỉ thông báo qua điện thoại, email rồi "mất tích" luôn, không chờ hoàn thành các thủ tục bàn giao theo quy định của công ty và luật lao động (báo trước bao nhiêu ngày trước khi chính thức nghỉ). Nghỉ việc không báo trước bị cho là hành vi thiếu chuyên nghiệp, vô tổ chức và có thể khiến bạn bị cho vào "blacklist" mãi mãi.

II. Vì sao không nên nghỉ việc mà không báo trước?

Từ việc hiểu rõ nghỉ việc không báo trước là gì, có lẽ bạn đã phần nào hình dung được những tác hại của hành động nghỉ việc không báo trước. Để liệt kê rõ ràng thì bạn có thể gặp phải các rắc rối như:

  • Vi phạm luật lao động và hợp đồng lao động bạn đã ký trước đó.
  • Đối diện nguy cơ bị kiện tụng, bị xử phạt.
  • Bạn có thể mất toàn bộ tiền lương, thưởng, các khoản phụ cấp đáng ra bạn có thể được hưởng nếu xử lý quy trình nghỉ việc theo đúng quy định.
  • Cho thấy hình ảnh thiếu chuyên nghiệp, cách hành xử không đúng đắn. Khi ứng tuyển, bạn có gửi CV, hồ sơ xin việc và tham gia phỏng vấn - một quy trình đầy đủ nhưng khi nghỉ thì bạn chỉ "chạy lấy người" - rất có thể công việc bạn đang làm dở bị gián đoạn gây thiệt hại về tài sản hoặc khiến đồng nghiệp của bạn phải cố gắng làm để "gánh" việc cho bạn.
  • Bạn sẽ không bao giờ có cơ hội làm việc hay hợp tác làm ăn với công ty, với các chi nhánh hay doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Tệ hơn, "danh tiếng" tiêu cực của bạn có thể được lan truyền rộng rãi và các nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc không liên lạc khi họ nhận được hồ sơ xin việc mới của bạn.

Ngược lại, nếu muốn nghỉ việc trước thời hạn cho dù lý do là gì nhưng bạn có thông báo và làm hết các việc cần làm theo đúng quy trình thì chắc chắn công ty, tổ chức cũng sẽ tạo điều kiện cho bạn. Lúc đó, bạn có thể rời đi mà không còn vướng bận hoặc băn khoăn gì, công ty cũng sẽ có đủ thời gian để tuyển người mới hoặc sắp xếp công việc một cách hợp lý.

III. Nghỉ việc không báo trước có bị phạt không? Quy định chính thức là gì?

Cho dù nghỉ việc không báo trước mang đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như vậy nhưng thực tế là mỗi ngày vẫn có rất nhiều bạn, đặc biệt là các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm hành xử như vậy. Trường hợp các bạn đang thử việc hoặc đã ký hợp đồng nhưng mỗi ngày bỗng không đi làm, nhắn tin xin nghỉ đơn giản và chặn số, biệt tăm không phải là hiếm.

Vậy, điều cần quan tâm tiếp theo ở đây là liệu bạn nghỉ việc không thông báo thì có bị phạt hay không?

1. Nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?

Khoản 1, Điều 35, Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động là bạn có thể xin nghỉ trước thời hạn nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, cụ thể như sau:

  • Báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động vô thời hạn (không có thời hạn).
  • Báo trước ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng (từ 1 - 3 năm).
  • Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Ngoài ra, đối với một số ngành nghề và công việc đặc thù khác thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định riêng.

Do đó, về luật, bạn sẽ buộc phải thông báo trước nếu muốn nghỉ việc còn bạn không báo nghĩa là bạn sai và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Những trường hợp nào nghỉ việc không báo trước được chấp thuận?

2. Khi nào bạn không phải báo trước khi nghỉ việc?

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp mà theo quy định thì người lao động có thể nghỉ ngay lập tức mà không cần báo trước, cụ thể như sau:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận.
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định.
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  • Bị nhục mạ, đánh đập, cưỡng bức lao động, ảnh hưởng sức khỏe và nhân phẩm.
  • Nghỉ việc vì mang thai.
  • Đến tuổi nghỉ hưu.

3. Khi nào bạn bị phạt vì nghỉ việc không báo trước?

Như vậy, trừ những trường hợp được loại trừ thì bình thường, nếu bạn đã ký hợp đồng và nghỉ việc mà không báo trước thì bạn sẽ bị truy cứu theo hợp đồng lao động. Tùy vào mức thiệt hại mà bạn gây ra cho công ty, một số công ty thực hiện truy cứu trách nhiệm pháp lý trong khi người lao động khác có thể "cắn răng" bỏ qua.

IV. Làm gì để hạn chế trường hợp nghỉ việc không thông báo?

Thực tế, khi nghe tới các trường hợp nghỉ việc không thông báo, rất có thể hầu hết mọi người đều cho rằng đó là lỗi của người lao động và dễ nhận xét là "vô ý thức, vô kỷ luật". Tuy nhiên, khi cân nhắc về lâu dài thì trách nhiệm có thể thuộc về cả 2 bên. Để mối quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động diễn ra suôn sẻ, tránh những trường hợp bất hòa, xung đột, tranh chấp hay nghỉ việc không báo trước, người lao động và doanh nghiệp cần:

1. Về phía người lao động

  • Nắm chắc quy định, luật lao động về các quyền lợi và nghĩa vụ.
  • Chịu trách nhiệm với những cam kết bạn đã ký trong hợp đồng lao động.
  • Hiểu được những "tai hại" khi nghỉ việc không báo trước và nguy cơ bị phạt.
  • Khi có những quan điểm bất đồng trong công việc hoặc với đồng nghiệp, với sếp thì nên trao đổi thẳng thắn để xem có thể giải quyết được không trước khi để mọi việc nghiêm trọng hơn.
  • Ngay cả khi bạn cảm thấy không thể gắn bó thêm nữa, tốt nhất hãy làm đúng quy trình xin nghỉ việc trước hợp đồng.

Cá nhân và doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục tình trạng nghỉ việc không báo trước?

2. Về phía doanh nghiệp

  • Xây dựng và phát triển môi trường làm việc tích cực, văn hóa công ty lành mạnh.
  • Thực hiện các cam kết đã đề cập với người lao động trong việc cung cấp thiết bị làm việc, tạo điều kiện để họ thực hiện công việc một cách hiệu quả, duy trì môi trường làm việc công bằng, minh bạch.
  • Không để xảy ra tình trạng bắt nạt công sở, lạm dụng, quấy rối hoặc các vấn đề tiêu cực khác.
  • Trả lương, thưởng, phụ cấp đúng hạn và đầy đủ.
  • Có các chương trình, chính sách đào tạo nhân viên để nâng cao chuyên môn và cung cấp điều kiện phúc lợi tốt để giữ chân nhân tài.

Đánh giá một cách khách quan khi nghỉ việc không thông báo vẫn là một hành động khó chấp nhận trong hầu hết trường hợp vì bạn đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp. Do đó, tốt nhất là kiên nhẫn, giữ bình tĩnh, hiểu các luật và quy định và liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình trong khi không làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh bản thân cũng như quyền lợi của người sử dụng lao động.

MỤC LỤC:
I. Nghỉ việc không báo trước là gì?
II. Vì sao không nên nghỉ việc mà không báo trước?
III. Nghỉ việc không báo trước có bị phạt không? Quy định chính thức là gì?
IV. Làm gì để hạn chế trường hợp nghỉ việc không thông báo?

Đọc thêm: Quy trình chuẩn khi xin nghỉ việc trước hợp đồng

Đọc thêm: Cách xin nghỉ việc chuyên nghiệp, văn minh

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888