Tất tần tật những điều cần biết về nghỉ việc không lương
Bất kỳ ai đã và đang đi làm thì chắc chắn đều có những lần nghỉ việc không lương, lý do có thể là chủ quan và khách quan. Muốn biết trách nhiệm, quyền lợi của mình như thế nào khi xin nghỉ việc không lương, bạn sẽ cần hiểu đầy đủ về những trường hợp được xin nghỉ không lương, thời gian,... Hãy cùng tìm hiểu rõ ràng hơn với JobOKO qua nội dung sau đây nhé.
MỤC LỤC:
I. Nghỉ việc không lương là gì?
II. Người lao động nghỉ việc không lương trong các trường hợp nào?
III. Nghỉ việc không lương dài ngày có ảnh hưởng tiêu cực gì?
IV. Quy trình xin nghỉ việc không lương
V. Nghỉ việc không lương có được hưởng phụ cấp, hỗ trợ gì hay không?
VI. Khi nào công ty cho người lao động nghỉ việc không lương?
VII. Mẫu quyết định nghỉ việc không lương đúng chuẩn
Thế nào là nghỉ việc không lương?
I. Nghỉ việc không lương là gì?
Nghỉ việc không lương là nghỉ việc ngoài ngày phép và các ngày nghỉ lễ tết theo quy định - nói cách khác, người lao động sẽ xin nghỉ từ nửa ngày, 1 ngày trở lên và không được tính lương những ngày đó. Nghỉ việc không lương có thể là quyết định chủ quan của người lao động, đề xuất và xin được công ty, tổ chức chấp thuận cho nghỉ; trong những trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai hay tình hình kinh doanh khó khăn thì bản thân doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng có thể ban hành chính sách cho một số người lao động nghỉ việc không lương (vì ít việc, không có doanh thu...).
Nói cách khác, nghỉ việc không lương được xem như thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, một bên xin phép và một bên phê duyệt quyết định nghỉ làm ngắn hạn không lương.
Đọc thêm: Nghỉ việc không báo trước: Lý do không nên tự ý nghỉ
II. Người lao động nghỉ việc không lương trong các trường hợp nào?
1. Quy định của Nhà nước về chính sách nghỉ việc không lương
Thông thường, thời gian nghỉ phép hàng năm được áp dụng rộng rãi nhất tại Việt Nam hiện nay là 12 ngày phép/ năm (tương đương mỗi tháng 1 ngày) và nếu người lao động nghỉ trong thời gian cho phép này thì sẽ là nghỉ có lương, không bị trừ tiền lương. Ngược lại, ngoài ngày phép thì bạn sẽ "mất tiền" - bị trừ lương tính từ nửa ngày phép trở lên.
Khoản 4, khoản 6 Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định:
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.
Tuy nhiên, đây là giới hạn thời gian để tính số ngày nghỉ hàng năm nói chung, không quy định thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa.
- Khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động quy định "người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương".
2. Khi nào người lao động có thể xin nghỉ việc không lương?
Tùy vào điều kiện và tình huống cá nhân cũng như các quy định cụ thể của doanh nghiệp mà bạn xin nghỉ việc không lương khi cần. Mỗi người đều sẽ có lý do khác nhau để xin nghỉ nhưng về cơ bản, bạn không nên lạm dụng, xin nghỉ quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng xấu tới hiệu suất, chất lượng công việc cũng như hình ảnh chăm chỉ, nỗ lực của bản thân.
Người lao động có thể xin nghỉ việc không lương trong các trường hợp sau:
- Bận việc riêng không thể không vắng mặt.
- Ốm đau.
- Tham dự các kỳ thi, chương trình học nâng cao năng lực cần nghỉ để hoàn thành.
- Đi du lịch, nghỉ dưỡng tự túc (không phải chế độ của doanh nghiệp, tổ chức),...
III. Nghỉ việc không lương dài ngày có ảnh hưởng tiêu cực gì?
Mặc dù nghỉ việc không lương có thể không bị giới hạn quá nhiều nhưng nhìn chung, thường xuyên xin nghỉ việc không lương mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng tới cả người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
1. Với người lao động
- Nghỉ việc không lương khiến bạn bị giảm thu nhập hàng tháng (bao gồm ngày công cơ bản và phụ cấp chuyên cần - nếu có).
- Gián đoạn công việc, ảnh hưởng tới hiệu suất công việc (trong nhiều trường hợp).
- Có thể dồn việc, gây áp lực về lượng công việc cho đồng nghiệp.
- Ảnh hưởng tới hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp.
- Có thể tác động tiêu cực tới đánh giá nhân viên, các đề xuất và quyết định tăng lương cũng như khiến bạn bị giảm/ mất cơ hội thăng tiến.
2. Với người sử dụng lao động
Trong khi đó, việc người lao động chủ động xin nghỉ việc không lương, nếu nghỉ dài ngày và quá thường xuyên chắc chắn cũng ảnh hưởng tới người sử dụng lao động:
- Thiếu nhân sự, giảm hiệu suất.
- Quản lý phải đột xuất điều chỉnh, điều phối phân công công việc trong bộ phận, thậm chí là điều chỉnh cả hoạt động hợp tác với khách hàng, đối tác hay các bộ phận khác trong công ty.
Ngay cả khi vì khó khăn về hoạt động kinh doanh, do các vấn đề bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai mà công ty buộc phải cho người lao động nghỉ việc không lương dài hạn thì về bản chất, họ cũng phải đối diện với vô số áp lực và nguy cơ, chẳng hạn như sau khi ổn định và đề nghị người lao động có thể nghỉ luôn dẫn tới thiếu nhân sự, xử lý các vấn đề liên quan tới chế độ bảo hiểm, hình ảnh thương hiệu tuyển dụng của công ty trong mắt ứng viên cũng bị ảnh hưởng (vì ứng viên có thể nghi ngại về môi trường, khả năng hoạt động tạo doanh thu dài hạn của công ty).
Rõ ràng là, nghỉ việc không lương dài hạn, xin nghỉ không lương thường xuyên là không tốt và cả người lao động lẫn người sử dụng lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng với quyết định này.
Nghỉ việc không lương cần thực hiện theo quy trình nào?
IV. Quy trình xin nghỉ việc không lương
Bởi vì xin nghỉ việc không lương không phải là xin nghỉ việc hẳn nên quy trình khá đơn giản. Tùy vào mỗi công ty, tổ chức khác nhau mà sẽ có quy định chính thức về vấn đề này - theo quy chế, chính sách công ty được thông báo từ bộ phận hành chính nhân sự hoặc đề cập trong sổ tay nhân viên. Nhìn chung, bạn có thể sẽ cần thực hiện các bước sau khi xin nghỉ không lương:
- Đề cập, trao đổi với quản lý trực tiếp.
- Viết đơn xin nghỉ việc hoặc điền vào form có sẵn (hỏi bộ phận hành chính nhân sự), xin chữ ký của quản lý trực tiếp.
- Thường thì nghỉ việc không lương trong thời gian ngắn từ 0,5 - 2 ngày có thể chỉ cần xin chữ ký xác nhận của quản lý bộ phận, giám sát và gửi bộ phận nhân sự, trong khi nghỉ dài ngày sẽ cần trao đổi, có được sự cho phép từ ban giám đốc.
Lưu ý: Khi xin nghỉ việc không lương dù là với lý do gì, bạn cũng cần trình bày lý do của mình (trung thực và thuyết phục), cam kết không làm ảnh hưởng tới công việc chung, và nhất là tuân thủ thời gian xin nghỉ - chẳng hạn bạn xin nghỉ 2 ngày thì đến ngày tiếp theo hãy đi làm bình thường, trừ trường hợp bất khả kháng).
V. Nghỉ việc không lương có được hưởng phụ cấp, hỗ trợ gì hay không?
Theo quy định, khi nghỉ việc không lương thì bạn sẽ KHÔNG được hưởng phụ cấp hay các khoản hỗ trợ, ngay cả trong trường hợp sau khi bạn xin nghỉ không lương thì bị ốm đau, tai nạn (nếu vì ốm đau mà xin nghỉ thì vẫn sẽ được hỗ trợ theo chính sách của công ty). Nói cách khác, nghỉ việc không lương từ 14 ngày trở lên sẽ khiến người lao động "thiệt thòi" vì bị cắt hết các chế độ lương, thưởng, phụ cấp và các khoản bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế (vì các doanh nghiệp sẽ báo giảm lao động để không chi các khoản này).
Mặc dù vậy, trong những tình huống mà công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ việc không lương dài hạn thì họ có thể cân nhắc cung cấp một khoản hỗ trợ giúp người lao động tạm ổn định cuộc sống trong thời điểm bị gián đoạn công việc. Chính sách này không bắt buộc mà tùy theo mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
VI. Khi nào công ty cho người lao động nghỉ việc không lương?
Như đã đề cập, đôi khi các doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ việc không lương - có thể ngắn ngày từ 1 tuần đến 1 tháng hoặc dài hơn với lý do chủ yếu là do:
- Dịch bệnh, thiên tai xảy ra trong khi nhiều vị trí không thể làm việc online.
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty biến động, gặp khó khăn nên ít việc, không có việc.
- Quỹ lương cạn kiệt không đủ trả lương đủ cho số lượng công nhân viên ở quy mô hiện tại.
Một số trường hợp khác cũng có thể là khi công ty muốn kỷ luật, phê bình một vài cá nhân có thái độ làm việc không đúng đắn hoặc gây thiệt hại, ảnh hưởng tới các mục tiêu chung.
VII. Mẫu quyết định nghỉ việc không lương đúng chuẩn
Mẫu quyết định nghỉ việc không lương là các mẫu quyết định được soạn thảo sẵn, để ban quản lý và bộ phận nhân sự của công ty, tổ chức gửi cho công nhân viên của mình khi chính thức yêu cầu họ nghỉ việc không hưởng lương. Nói cách khác, tài liệu này dành cho phía nhà tuyển dụng và quản lý nhân sự của doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo mẫu quyết định nghỉ việc không lương sau đây của JobOKO nhé.
Tham khảo mẫu quyết định nghỉ việc không lương chuẩn
JobOKO vừa chia sẻ cùng bạn những thông tin đầy đủ nhất, chi tiết nhất mà bạn nhất định phải biết khi cân nhắc xin nghỉ việc không lương (và cả khi bị cho nghỉ việc không lương). Nhìn chung, trừ trường hợp bắt buộc, hãy chuyên nghiệp và đi làm thật chăm chỉ, chuyên cần vì nghỉ việc không lương thường xuyên, dài ngày gần như đều sẽ mang đến các ảnh hưởng tiêu cực.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.