Những lợi ích khi làm việc nhóm, teamwork người tìm việc cần biết

30/05/2022 13:30
"Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" - sự cộng tác của nhiều người có thể thúc đẩy hiệu suất công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng yêu thích làm việc nhóm. Chỉ khi thực sự hiểu về teamwork bạn mới rõ ràng về việc vì sao nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có kỹ năng này.

Nhà tuyển dụng đánh giá cao kỹ năng làm việc nhóm của ứng viên

I. Vì sao nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng teamwork?

Trước đây, trong thời đại công nghiệp hóa, con người làm việc theo dây chuyền với mỗi người một công việc cụ thể, lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác nên kỹ năng làm việc nhóm không được đề cập tới quá nhiều. Tuy nhiên, trong một thế giới đa ngành như hiện nay, hầu hết công việc đều đòi hỏi phải có sự tương tác qua lại giữa nhiều người, thậm chí là với những người không cùng trình độ chuyên môn. Đó là lý do tại sao nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng làm việc nhóm tốt.
Kỹ năng này cũng góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết tại nơi làm việc, giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa các nhân viên, nâng cao sự hài lòng và khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn.
Mỗi người có một thế mạnh, điểm yếu và thói quen khác nhau. Vì vậy, nếu không tạo ra một môi trường teamwork hiệu quả thì công ty sẽ gặp phải rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu chung. Nó sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người sẽ chỉ tập trung phát huy những thế mạnh của riêng mình, giành thành tích cá nhân và thậm chí là đấu đá với đồng nghiệp. Như vậy tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh và làm việc kém hiệu quả.
Ngược lại, khi mỗi người có kỹ năng làm việc nhóm tốt hoặc ít nhất là có ý thức thể hiện tinh thần teamwork thì mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng nhờ tất cả thế mạnh của mọi người đóng góp cho công việc chung.

II. Lợi ích khi làm việc nhóm, teamwork​

1. Tăng hiệu suất công việc

Lợi ích đầu tiên của làm việc nhóm là giúp tăng năng suất công việc. Làm việc nhóm nghĩa là công việc sẽ được chia nhỏ thành các nhiệm vụ và mỗi cá nhân sẽ phụ trách phần việc phù hợp với năng lực và thế mạnh của mình. Do đó, mỗi thành viên trong nhóm chỉ tập trung làm một phần việc nhất định, chất lượng và hiệu suất làm việc sẽ tăng cao.
Khi làm việc nhóm, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn vì nếu họ không hoàn thành công việc đúng thời hạn sẽ gây ảnh hưởng đến các thành viên khác trong nhóm. Đồng nghiệp hay cả cấp trên sẽ đánh giá thấp thái độ làm việc của họ và họ thậm chí có thể phải nghỉ việc sau nhiều lần không làm việc nhóm tích cực.

2. Các thành viên đều nhận được sự hỗ trợ từ đồng đội

Môi trường làm việc nhóm gắn kết là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn xây dựng, đặc biệt là trong những thời điểm công ty gặp khó khăn, khi đó các thành viên trong nhóm sẽ giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Sự cộng tác đó sẽ giúp công ty đi quá khó khăn và đạt được những thành tựu mới.
Nếu các thành viên trong nhóm không tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ không biết cách tận dụng kỹ năng của các thành viên khác trong nhóm. Họ sẽ cố gắng tự làm mọi việc. Để một nhóm có thể hoạt động hiệu quả, tất cả các thành viên cần biết rằng các thành viên khác luôn đánh giá cao và sẵn lòng giúp đỡ họ cũng như nắm được thế mạnh của đồng đội và tin tưởng họ khi làm việc chung.
Ngược lại, một cá nhân nếu như tự mình phụ trách khối lượng công việc quá lớn sẽ bị căng thẳng, quá tải và kéo theo đó là những quyết định sai lầm.

3. Khuyến khích sự sáng tạo

Nhiều người cùng suy nghĩ sẽ cho kết quả tốt hơn một người. Điều này đặc biệt đúng ở nơi làm việc. Các nhóm có khả năng đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo và thiết thực hơn cho các vấn đề hơn là từng cá nhân làm việc một mình. Sự đa dạng từ chuyên môn, kỹ năng và kiến thức nền của các thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề. Mỗi người sẽ đề xuất các giải pháp khác nhau và cả nhóm sẽ tổng kết lại để chọn ra phương án phù hợp nhất. Những buổi thảo luận như thế sẽ tạo ra những ý tưởng và giải pháp sáng tạo và nổi bật.
Mặt khác, khi làm việc một mình, nhiều người thường chọn các giải pháp an toàn cho bản thân hơn thay vì đưa ra các đề xuất mới mẻ. Chỉ khi ở trong nhóm, họ mới dám nói ra ý tưởng của mình vì khi đó trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người và họ sẽ không bị sếp phê bình như khi làm việc một mình.

Lợi ích của làm việc nhóm hiệu quả không ai có thể phủ nhận

4. Nâng cao tinh thần làm việc

Khi các thành viên chỉ phụ trách một phần việc nhưng lại hoàn thành được cả dự án lớn, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và có động lực hơn vì họ sẽ không thể đạt được kết quả đó nếu làm việc một mình. Cảm giác được công nhận, đánh giá cao có thể nâng cao thái độ và tinh thần của nhân viên.
Khi nhân viên tìm thấy niềm vui, sự hài lòng với công việc, họ sẽ ít căng thẳng hơn, làm việc tích cực hơn. Nhờ đó, tỉ lệ nhân viên xin nghỉ việc ở các công ty cũng sẽ giảm đáng kể.

5. Thu hút nhân tài

Ngày càng có nhiều công ty được thành lập, sự cạnh tranh giữa các công ty để tìm được những ứng viên tài năng cũng tăng lên đáng kể. Người lao động cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm việc làm. Họ sẽ tìm đến các công ty mà ở đó họ không chỉ được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích mà còn đòi hỏi môi trường làm việc thân thiện, các đồng nghiệp hòa đồng, dễ phối hợp. Do đó, các công ty có văn hóa làm việc nhóm mạnh sẽ thu hút và giữ chân được những ứng viên có năng lực hơn.

6. Gắn kết các mối quan hệ

Một lợi ích to lớn khác của làm việc nhóm là giúp thiết lập và phát triển các mối quan hệ ở nơi làm việc. Khi làm việc trong nhóm, bạn phải nói chuyện và tương tác nhiều với đồng nghiệp. Điều này giúp mọi người giao tiếp tự do và cởi mở hơn. Các thành viên cũng sẽ khuyến khích và động viên nhau làm việc, đó là chìa khóa thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Khi là thành viên của một nhóm, các thành viên sẽ tin tưởng, gắn kết với nhau hơn và nhờ đó tạo ra một môi trường làm việc thoải mái. Nếu không có sự tin tưởng, nhóm của bạn sẽ thất bại do các hiểu lầm không đáng có.

7. Tạo sự linh hoạt trong công việc

Sự hợp tác cũng tạo ra tính linh hoạt ở nơi làm việc. Các thành viên có thể hỗ trợ cho nhau khi ai đó có việc bận vì họ đã được đào tạo để đảm nhận các công việc chung trong nhóm. Do đó, mỗi cá nhân sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc. Nhóm của họ vẫn đảm bảo có thể hoàn thành công việc trong thời hạn cho phép.
Làm việc nhóm sẽ tạo ra tính linh hoạt trong giải quyết các công việc, nâng cao năng suất và giúp nhân viên cân bằng được công việc và cuộc sống.

Kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ giúp bạn thành công trong công việc

8. Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề

Mỗi người đều có thói quen và phong cách làm việc riêng, đôi khi phong cách của bạn lại hoàn toàn đối lập với đồng đội của mình và điều này có thể khiến hai người khó hợp tác với nhau. Nhưng khi có chung một mục tiêu, những người đối lập nhau vẫn có thể hợp tác và làm việc chung với nhau. Họ sẽ học cách chấp nhận nhau và làm tất cả để hoàn thành mục tiêu, đánh bại các nhóm khác. Ngay khi bạn hòa hợp được với họ, bạn đã xây dựng được cho chính mình kỹ năng giải quyết vấn đề, mâu thuẫn, xung đột.

9. Phát triển sự nghiệp của từng cá nhân

Cuối cùng, làm việc theo nhóm có thể giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Bằng cách cộng tác với những người khác ở nơi làm việc, bạn có cơ hội học hỏi từ họ và nâng cao kỹ năng cũng như chuyên môn của mình. Không chỉ vậy, bạn còn có thể xây dựng các mối quan hệ có khả năng giúp bạn có được những cơ hội phát triển tốt hơn sau này.
Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để bạn chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình khi tham gia các dự án của công ty. Nó sẽ giúp CV của bạn nổi bật và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

III. Ứng viên thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, teamwork như thế nào khi phỏng vấn xin việc?

Kỹ năng làm việc nhóm được thể hiện qua rất nhiều khía cạnh khác nhau trong công việc như khả năng lắng nghe chủ động, giải quyết xung đột, giao tiếp, khuyến khích tinh thần làm việc của nhân viên khác, phân công công việc, hoạt động team-building, ....
Trước khi đến phỏng vấn, hãy chuẩn bị ít nhất 2 ví dụ cho những trường hợp trên; trong đó phải thể hiện được vai trò của bạn trong việc giải quyết một vấn đề mà cả nhóm đang gặp phải. Ví dụ như khi hai thành viên khác trong nhóm có mâu thuẫn và bạn đã giúp họ giải quyết ổn thỏa. Hoặc khi sếp đặt ra deadline quá gấp và bạn đã phải đứng ra phân công công việc cho mọi người để dự án được hoàn thành đúng thời gian cho phép.
Bạn không nhất định phải kể ra toàn các ví dụ mà bạn đã gặp được ở công ty cũ. Một tình huống khi còn đi học, khi tham gia câu lạc bộ hoặc một tổ chức tình nguyện cũng rất hữu ích nếu như bạn biết cách đặt bản thân vào câu chuyện.

Cách để thể hiện kỹ năng làm việc nhóm trong phỏng vấn


Trên thực tế, kể ra một câu chuyện cụ thể là cách tốt nhất để bạn có thể thể hiện kỹ năng làm việc nhóm của mình. Tuy nhiên, bạn phải nhớ những nguyên tắc sau:

  • Câu chuyện phải có cốt truyện rõ ràng, thời gian, địa điểm và các nhân vật cụ thể
  • Nhiệm vụ của các thành viên trong câu chuyện đó là làm gì và họ đã gặp phải những vấn đề gì?
  • Vai trò của bạn là gì trong câu chuyện? Bạn đã làm gì để giúp giải quyết vấn đề?
  • Cuối cùng, câu chuyện có kết thúc như thế nào? Tình huống có được xử lý thành công hay không và bạn đã học được những gì từ đó?

Tất nhiên là trong câu trả lời của mình bạn cần phải nhấn mạnh được bản thân có vai trò như thế nào trong quá trình giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ tập trung vào những thành tích của cá nhân. Một lần nữa, bạn cần phải khẳng định rằng đó là thành tích chung của cả tập thể. Hãy tránh những câu trả lời có tính chất ngụ ý rằng thành công của cả nhóm là nhờ nỗ lực của riêng bạn.
Không ai có thể phủ nhận vai trò của kỹ năng làm việc nhóm. Đây cũng là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của nhà tuyển dụng khi tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho công ty. Bởi vậy, với vai trò là một người đi xin việc làm, đừng quên rèn luyện cho mình kỹ năng làm việc nhóm thật tốt để có thể chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ những vòng đầu tiên.

Những sai lầm chết người chúng ta hay mắc phải khi teamwork

Làm việc nhóm đem lại nhiều lợi ích cho các cá nhân cũng như cho chính doanh nghiệp. Do đó, mỗi công ty cần xây dựng các chiến lược cụ thể tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc nhóm tích cực cho nhân viên. Mặc dù biết rằng làm việc nhóm sẽ mang đến hiệu quả tốt nhưng nếu không biết cách thực hiện đúng sẽ gây phản tác dụng. Một số sai lầm chúng ta hay mắc phải khi làm việc nhóm được chia sẻ chi tiết trong bài viết sau.

MỤC LỤC:
I. Vì sao nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng teamwork?
II. Lợi ích khi làm việc nhóm, teamwork​
III. Ứng viên thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, teamwork như thế nào khi phỏng vấn xin việc?

Đọc thêm: Xây dựng văn hóa làm việc nhóm tại nơi làm việc

Đọc thêm: Cách cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, Teamwork hiệu quả

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888