Hướng dẫn cách viết đơn xin việc chuẩn, chuyên nghiệp
Không chỉ đơn giản là mực đen giấy trắng, ứng viên hoàn toàn có thể lấy được thiện cảm từ nhà tuyển dụng nhờ sự sáng tạo trong trình bày đơn xin việc. Tham khảo mẫu thiết kế hoặc tự mình tạo riêng một mẫu thư xin việc độc đáo, miễn sao tổng thể phải dễ theo dõi, trang trọng, phù hợp với lĩnh vực và vị trí tuyển dụng.
Đa số ứng viên khi viết đơn xin việc đều sẽ mở đầu bằng câu "Thưa/Gửi ông/bà" hoặc "Gửi người có liên quan". Và thực tế, phần lớn trong số họ cũng không nhận được email mời phỏng vấn. Lời khuyên tìm hiểu trước bối cảnh và văn hóa doanh nghiệp tuyển dụng không phải là vô nghĩa, bạn sẽ biết được người xét duyệt thư là ai. Như vậy, nhà tuyển dụng cũng sẽ cảm nhận được sự dụng tâm và tôn trọng của ứng viên, từ đó chiều hướng đánh giá cũng tích cực hơn.
Tùy thuộc vào vị trí và lĩnh vực ứng tuyển mà ứng viên lựa chọn sử dụng lỗi diễn đạt và tông giọng sao cho phù hợp nhất có thể. Đơn xin việc vào một công ty luật chắc chắn có lối viết khác với đơn xin vào một công ty công nghệ mới khởi nghiệp. Cơ bản, trên cương vị là người đi xin việc, ứng viên nên giữ giọng văn nghiêm túc, tôn trọng, chân thành, thể hiện được nhiệt huyết với công việc.
Khi tham khảo các mẫu đơn xin việc trên mạng, ứng viên nên tránh kiểu diễn đạt dập khuôn, thậm chí là sao chép nguyên văn. Đôi khi đi theo đám đông không còn là sự lựa chọn an toàn, nhất là trong trường hợp này. Bạn cần biết cách làm bản thân trở nên khác biệt để nổi bật trong số đông người ứng tuyển, khiến nhà tuyển dụng ghi nhớ bạn. Sử dụng cấu trúc khác đi, hoặc ít nhất là thay đổi từ ngữ trong câu.
Viết đơn xin việc chuẩn xin việc dễ dàng hơn
Bạn sẽ không biết hậu quả của việc "bịa" thông tin trong đơn xin việc tệ hại đến đâu cho tới khi chúng bị kiểm chứng. Bằng cách này hay cách khác, bạn không thể mãi che giấu hay nói dối về kỹ năng hay kinh nghiệm của mình. Nếu không muốn mất việc và để lại ấn tượng xấu trong mắt lãnh đạo và đồng nghiệp hãy luôn trung thực nhé!
Sau đoạn giới thiệu ngắn gọn, đơn xin việc cần đề cập cả kinh nghiệm và kỹ năng liên quan của ứng viên. Trước đó, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng mô tả công việc phía công ty để nắm bắt những yêu cầu của họ, từ đó có những ứng biến thích hợp trong thư xin việc.
Nói luôn luôn dễ hơn làm, đừng chỉ liệt kê bạn có kỹ năng này kỹ năng kia. Nhấn mạnh, tập trung thể hiện những điểm có lợi cho kết quả xét duyệt. Nên nhớ, ứng viên chỉ có được niềm tin của nhà tuyển dụng khi đưa ra được chi tiết cụ thể minh chứng cho thông tin của mình. Vì vậy, lấy ví dụ nếu khẳng định bản thân có kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn cần chỉ rõ là vấn đề gì, trong trường hợp nào, hành động của bạn là gì để giải quyết nó và kết quả ra sao.
Nếu đã hài lòng với những kỹ năng và kinh nghiệm đã có, cái tiếp theo nhà tuyển dụng quan tâm là làm thế nào bạn ứng dụng chúng để đóng góp cho sự phát triển chung của công ty. Hay nói cách khác, động lực, mục tiêu làm việc của bạn đến đâu.
Để kết thúc đơn xin việc, ứng viên nên cảm ơn công ty tuyển dụng đã tạo cơ hội ứng tuyển và yêu cầu liên lạc lại một cách lịch sự trong trường hợp sơ yếu lý lịch được chọn.
Lưu ý cuối cùng để có một bức thư xin việc chuẩn chỉnh là luôn đọc soát lại toàn bộ nội dung thư sau khi hoàn thành để xác định lỗi chính tả, lỗi dùng từ, hay lỗi căn chỉnh nếu có. Có như vậy mới đảm bảo đơn xin việc hoàn chỉnh cả về hình thức lẫn nội dung.
Trên thực tế, không hề có cách viết đơn xin việc "chuẩn", "chuẩn" ở đây là chỉ thư xin việc có sức thuyết phục nhà tuyển dụng với phần giới thiệu thu hút, thông tin hoạt động, kỹ năng mềm phù hợp, thành tích cụ thể, cùng với chí hướng, mục tiêu tương lai.
MỤC LỤC:
1. Chọn mẫu thư xin việc phù hợp
2. Thưa gửi rõ ràng
3. Giọng văn chuyên nghiệp
4. Tránh máy móc, dập khuôn
5. Trung thực
6. Nhấn mạnh kỹ năng, kinh nghiệm
7. Chỉ rõ mục tiêu công việc
8. Đọc soát đơn xin việc
Đọc thêm: Tìm hiểu về mẫu đơn xin việc chuẩn nhất
Đọc thêm: Gợi ý cách viết đơn xin việc "ăn điểm" trong mắt nhà tuyển dụng