5 kỹ năng công việc quan trọng mà ứng viên mới tốt nghiệp nào cũng cần biết

30/01/2020 03:27
Sinh viên mới tốt nghiệp là người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Bạn đã hoàn thành tất cả các khóa học cần thiết, tích lũy một lượng kiến thức lớn và nhận được bằng tốt nghiệp, thế nhưng, tất cả những điều đó có đủ để bạn bước chân vào thế giới thực? Dưới đây là một số kỹ năng mềm mà sinh viên mới ra trường nào cũng cần biết để nhanh chóng thích nghi và thành công với công việc đầu tiên trong đời.

Trên thực tế, trường đại học thường không dạy sinh viên cách vận dụng kiến thức và kỹ năng để được thăng chức, làm việc với quản lý khó tính hoặc thích nghi với cuộc sống trong văn phòng. Cho dù bạn đã từng tham gia những dự án tại trường, biết cách quản lý thời gian, thành thạo kỹ năng máy tính,... thì vẫn còn nhiều điều bất ngờ trong môi trường công việc. Vì vậy, nhiều bạn trẻ vẫn mắc những sai lầm lớn nhất của sinh viên mới tốt nghiệp khi tìm việc mà không hề biết. Vậy ứng viên mới tốt nghiệp cần có những kỹ năng công việc cơ bản nào?

Kỹ năng công việc mà ứng viên mới ra trường cần có

 

Ứng viên mới tốt nghiệp cần có những kỹ năng nào để đáp ứng công việc

1. Hợp tác với những người xung quanh

Trong những năm tháng trong trường đại học, chắc hẳn bạn đã tham gia rất nhiều hoạt động nhóm, gặp nhiều thành viên với tính cách đa dạng nhưng bạn thậm chí sẽ còn thấy nhiều kiểu người hơn khi đi làm.

Lúc này, bạn đã hoàn toàn là một người trưởng thành, vì vậy, bạn buộc phải học cách đối phó với các khía cạnh xã hội để trở nên tinh tế hơn và thích nghi với văn hoá công sở. Ví dụ như, nhân viên lễ tân của công ty có thể đánh giá cao lời chào buổi sáng, đồng nghiệp thích được quan tâm và lắng nghe về những câu chuyện của họ,... Nhìn chung, bạn cần biết cách hợp tác và làm việc với những người xung quanh. Hãy nhớ rằng, công ty là nơi mà bạn đến ít nhất 5 ngày/tuần, vì vậy dù thế nào đi nữa, bạn cần phải hoà hợp với đồng nghiệp.

2. Cạnh tranh

Muốn có thu nhập tốt và con đường thăng tiến suôn sẻ, bạn cần phải có tính cạnh tranh. Chính bản thân bạn là người quyết định tương lai và sự nghiệp của bản thân, vì vậy, đừng ngại thể hiện những mặt tốt nhất của bản thân. Cho dù công việc của bạn là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, phụ trách các chương trình khuyến mãi hay hỗ trợ sếp, hãy luôn nỗ lực hết sức mình và sẵn sàng cạnh tranh với người khác. Dưới áp lực, bạn sẽ học hỏi được nhiều và trở nên chuyên nghiệp hơn.
 

3. Có trách nhiệm

Không giống như khi đi học và bạn có thể tự chọn thời khoá biểu của mình, đi làm nghĩa là bạn phải tuân theo lịch trình của công ty - ít nhất là đến đúng giờ mỗi ngày. Với một sinh viên mới ra trường, tự ép bản thân vào khuôn khổ có thể là một thử thách.

Đương nhiên, trách nhiệm của bạn không chỉ như vậy. Trong công việc, bạn có thể chịu trách nhiệm (trong một số trường hợp) với dự án, cuộc họp và email trao đổi qua lại. Nếu bạn bỏ lỡ một trong những điều này hoặc làm hỏng gì đó, bạn sẽ phải trả giá. Công việc của bạn ảnh hưởng đến người khác và đồng thời ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp.

4. Kỹ năng thuyết trình và thuyết phục

Có thể bạn đã quá quen thuộc với việc thuyết trình trước các bạn học ở giảng đường. Rõ ràng, đó cũng là một cách tốt để thực hành kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông nhưng trình bày trước mặt sếp và khách hàng sẽ là trải nghiệm hoàn toàn khác. Bạn cần học cách "bán" ý tưởng của mình, không chỉ giải thích về nó.

Làm thế nào để thuyết phục người đối diện khó hơn rất nhiều so với việc chỉ nói về một vấn đề nào đó. Bên cạnh đó, bạn cũng phải chuẩn bị nhiều hơn để trả lời câu hỏi của đối phương, xử lý khác biệt về quan điểm trong khi giữ bình tĩnh và khép lại một cách có lợi nhất có thể.

Ứng viên mới tốt nghiệp có kỹ năng mềm tốt sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao

5. Xử lý phản hồi

Khi còn đi học, nếu bạn được điểm B, điều đó không quá quan trọng, đặc biệt là nếu đó là môn học khó với giảng viên khó tính. Tuy nhiên, trong thế giới công việc, B có nghĩa là bạn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để được A. Bạn cần học cách lắng nghe những phản hồi (cả tích cực và tiêu cực), sau đó cố gắng chấp nhận và thay đổi, không ngừng thúc đẩy bản thân làm tốt hơn lần sau.

Nhìn chung, để thích nghi tốt nhất, bạn hãy cố gắng tham gia các chương trình thực tập, làm thêm hoặc tình nguyện trước khi tốt nghiệp để có kinh nghiệm làm việc thực tế. Bạn có thể tìm hiểu sinh viên làm thêm được gì? sinh viên có nên đi làm thêm không để có lời khuyên hữu ích cho quá trình xin việc sau này. Để thực sự chuẩn bị cho chính mình, đừng chỉ lắng nghe những bài giảng của giáo sư, hãy phân tích những cuộc thảo luận trên lớp hoặc nghiên cứu các trường hợp phát sinh một cách logic và tự hỏi bạn sẽ xử lý nó như thế nào trong cuộc sống thực.

Cuối cùng, bạn nên trao đổi với càng nhiều người càng tốt và cố gắng tìm một cố vấn chuyên nghiệp. Một người mà bạn ngưỡng mộ và có kinh nghiệm trong công việc có thể tư vấn và giúp đỡ khi cần. Với kinh nghiệm, kiến thức và quá trình điều chỉnh bản thân phù hợp, dù mới ra trường, bạn vẫn có thể sẵn sàng đương đầu với các tình huống mới.
  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888