Sơ yếu lý lịch tự thuật bao quát bối cảnh ứng viên một cách chi tiết, bao gồm nhiều thông tin quan trọng. Chính vì đặc điểm này mà không ít người thấy bối rối. Viết thế nào cho chuyên nghiệp, ấn tượng? Viết bao nhiêu là đủ? Viết thế nào là "chuẩn" nhất?
Sơ yếu lý lịch đúng chuẩn cần có những gì?
Trước khi bắt tay vào viết sơ yếu lý lịch tự thuật, bạn cần xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng những yêu cầu kinh nghiệm và kỹ năng trong bản mô tả công việc. Sơ yếu lý lịch cần chứa những từ khóa liên quan tới thông tin đưa ra trong đó. Ví dụ "Photoshop CC", "đồ họa", "thiết kế",... là những từ khóa mà sơ yếu lý lịch xin việc nhân viên thiết kế đồ họa nên có.
Hiểu được nhà tuyển dụng không thể dành thời gian đọc từng chữ trên sơ yếu lý lịch, ứng viên cần chủ động rút gọn nội dung sao cho trực tiếp, cụ thể, dễ theo dõi nhất. Vì vậy, bạn chỉ nên viết những thông tin liên quan nhất, có ích nhất, tránh lan man. Bằng cách này, chỉ trong thời gian ngắn, nhà tuyển dụng sẽ nhanh chóng nắm bắt được toàn bộ thông tin nổi bật của bạn.
Như đã đề cập, để tiết kiệm thời gian xét duyệt cũng như để truyền tải thông tin đầy đủ, hiệu quả nhất, font chữ sử dụng cho sơ yếu lý lịch cần đơn giản, dễ nhìn. An toàn nhất là ứng viên nên theo quy ước của văn bản hành chính, chọn kiểu chữ Arial hoặc Times New Roman, cỡ chữ từ 10 đến 12.
Ngoài ra, cần chú ý không nên để xuất hiện nhiều khoảng trống trên sơ yếu lý lịch, tạo cảm giác ứng viên không có nhiều thông tin để chia sẻ. Mẹo đơn giản để khắc phục vấn đề này là chọn cỡ chữ to (cỡ 12) hoặc thêm các đề mục khác như "Giải thưởng và thành tích đạt được" chẳng hạn.
Mắc phải lỗi cơ bản như căn chỉnh lệch, dòng thò ra thụt vào không đều, bản sơ yếu lý lịch của bạn chắc chắn sẽ không được đánh giá cao. Thông thường, bạn có thể giữ nguyên căn lề 2.54cm, căn chỉnh nội dung trình bày đẹp mắt, dễ nhìn nhất. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các dòng các kí tự cũng cần được chú ý, tránh để dòng nọ chèn lên dòng kia hay khoảng cách dòng quá xa, gây cảm giác trống trải.
Sơ yếu lý lịch lấy tiêu chí ngắn gọn làm chủ đạo, phải làm gì khi thông tin trình độ học vấn và kinh nghiệm quá dài? Trong trường hợp này, ứng viên chỉ nên lựa chọn những thông tin quan trọng, có ích nhất cho quá trình xét duyệt. Lược bớt phần không liên quan, cụ thể là không cần liệt kê bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở khi đã đề cập bằng đại học, bỏ bớt kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực không liên quan. Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ chỉ tập trung ghi nhớ điểm nổi bật mà bạn có.
Đừng chỉ kể suông những kinh nghiệm, công việc mà bản thân từng trải qua, hãy tạo thế mạnh và nâng cao sức cạnh tranh bằng cách đính kèm thành tích sáng giá của mình. Lưu ý, để làm nổi bật và tăng độ tin cậy, bạn nên đính kèm số liệu, con số thống kê cụ thể tương ứng thành tích mình đạt được. Hiệu quả hơn, bạn có thể đề riêng một mục "Thành tích" chỉ để tập trung thể hiện tài năng, trình độ của mình.
Khi viết sơ yếu lý lịch, bạn hãy lợi dụng sức mạnh ngôn từ để thuyết phục nhà tuyển dụng. Sử dụng kết hợp động từ mạnh, chuyên nghiệp, có tính biểu đạt cao. Ví dụ như "hoàn thành" có phần trang trọng hơn "làm xong", "đạt được" mang tầng nghĩa tích cực hơn "nhận được". Cùng biểu đạt một ý nghĩa nhưng thuyết phục hay không, sức lay động đến đâu là phụ thuộc vào cách dùng từ và diễn đạt của người viết.
Sơ yếu lý lịch chuẩn giúp bạn xin việc làm dễ dàng hơn
Trên mạng có sẵn khá nhiều mẫu sơ yếu lý lịch để ứng viên tham khảo, tuy nhiên những mẫu này sẽ không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, bạn cần cân nhắc nội dung các phần, phần nào nên tập trung, phần nào cần bỏ qua, phần nào nên đưa lên trước.
Lấy một ví dụ, là sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn nên đưa phần trình độ học vấn lên trước, tập trung chia sẻ những hoạt động, thành tích liên quan tới lĩnh vực tuyển dụng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bao giờ cũng vậy, sau khi hoàn thiện sơ yếu lý lịch, bạn nên đọc soát lại để phát hiện những lỗi sai chính tả, lỗi căn chỉnh vô tình mắc phải trong quá trình viết. Thực chất, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của các trang web soát lỗi trực tuyến, tuy nhiên phương thức này đôi khi không thể phát huy hiệu quả như mong đợi. Cách tốt nhất là hãy nhờ người thân, đồng nghiệp góp ý để có cái nhìn trực quan nhất về cả nội dung và hình thức.
Mỗi công ty đối với mỗi vị trí đều có những yêu cầu tuyển dụng riêng không trùng lặp. Vì vậy, để chắc chắn sơ yếu lý lịch đi đúng hướng, thể hiện chủ nhân là ứng cử viên thích hợp nhất, bạn cần chủ động điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp trước khi nộp vào các công ty khác nhau. Kỹ năng và kinh nghiệm nên chiếu theo yêu cầu mỗi công ty tuyển dụng đưa ra là tốt nhất.
Sơ yếu lý lịch là bước đệm cho mọi công việc mơ ước. Đảm bảo đề cập đầy đủ mọi thông tin quan trọng, cẩn thận trong cách diễn đạt, cách trình bày, cơ hội nhận email thông báo phỏng vấn sẽ tới thôi!
MỤC LỤC:
1. Đọc kỹ mô tả công việc
2. Diễn đạt ngắn gọn, súc tích
3. Cỡ chữ, kiểu chữ hợp lý
4. Căn chỉnh sơ yếu lý lịch
5. Chọn lọc thông tin
6. Nhấn mạnh thành tích
7. Ngôn ngữ chuyên nghiệp
8. Chia bố cục hợp lý
9. Đọc và soát lỗi chính tả, ngữ pháp
10. Điều chỉnh để phù hợp với mỗi công việc
Đọc thêm: Sơ yếu lý lịch là gì? Bao gồm những thông tin gì?
Đọc thêm: 6 sai lầm khi làm sơ yếu lý lịch khiến bạn vẫn thất nghiệp