Cách viết CV xin việc Tư vấn viên

16/11/2020 06:30
Ứng tuyển vào các vị trí Tư vấn viên như tư vấn bán hàng, tư vấn tín dụng, tư vấn bảo hiểm,... đều cần có sự chuẩn bị sẵn sàng từ CV xin việc đến câu hỏi phỏng vấn. Bởi vì bằng cấp không phải ưu tiên hàng đầu của nhà tuyển dụng nên bạn cần chứng minh rằng mình có kinh nghiệm và kỹ năng tư vấn xuất sắc.
Tư vấn viên là nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ thử sức bởi tính năng động, linh hoạt, chủ động trong công việc cũng như điều kiện làm việc và mức thu nhập khá hấp dẫn ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm hay không có bằng cấp cao. Tuy vậy, cũng vì vậy mà cạnh tranh cho các công việc tư vấn luôn ở mức cao. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tâm thế sẵn sàng từ bước tạo CV xin việc tư vấn viên thì bạn sẽ rất khó để ứng tuyển thành công.

Cách viết CV xin việc tư vấn viên hiệu quả

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Tư vấn viên

Mỗi CV xin việc đều cần có ít nhất một điểm nhấn để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng thấy được sự khác biệt của ứng viên này với ứng viên khác. Vì là nghề nghiệp phù hợp với nhiều người lại không thực sự yêu cầu nhiều kinh nghiệm nên các bạn tìm việc làm tư vấn viên luôn phải cạnh tranh rất nhiều từ vòng chọn CV, sau đó mới có cơ hội phỏng vấn và nhận việc. Biết cách tạo cho CV của mình một điểm nhấn ấn tượng là con đường ngắn nhất giúp bạn xin việc thành công.
Vậy, với CV xin việc tư vấn viên thì đâu là thông tin quan trọng nhất, không thể không có? Bạn hãy đặt mình vào suy nghĩ của nhà tuyển dụng xem họ cần gì ở ứng viên. Theo đó, thông tìn cần có sẽ là kỹ năng tư vấn, thuyết phục và số liệu khách hàng bạn tư vấn. Bạn có thể khéo léo lồng ghép các thông tin này vào phần kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí là phần sở thích, hoạt động.

II. Mẫu CV xin việc Tư vấn viên

Khi viết CV xin việc Tư vấn viên, lưu ý quan trọng nhất dành cho bạn là không chọn các mẫu quá cứng nhắc vì sẽ làm giảm cảm giác thân thiện, thiếu mềm mại và linh hoạt - những phẩm chất quyết định thành công của vị trí này. Bạn nên chọn mẫu tinh tế, thanh lịch, nên có 2 màu được phối với nhau thật nhã nhặn trong khi bố cục vẫn rõ ràng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý chọn mẫu CV tiếng Anh hoặc tiếng Việt tùy theo công ty bạn ứng tuyển. Nếu chưa có kinh nghiệm hãy chọn CV định dạng kết hợp hoặc chức năng, còn khi đã đi làm 1 - 2 năm trở lên thì mẫu CV xin việc tư vấn viên theo định dạng thời gian sẽ phù hợp nhất với bạn.

III. Cách viết CV xin việc Tư vấn viên

1. Thông tin cá nhân

"Thông tin cá nhân thì ở CV nào chẳng như nhau" gần như là suy nghĩ cố hữu của rất nhiều người tìm việc. Cũng vì thế mà đôi khi bạn sẽ vô tình bỏ lỡ một phần đơn giản nhưng khá hữu ích trong việc thuyết phục nhà tuyển dụng trong CV. Vẫn biết rằng thông tin cá nhân của một người sẽ không thay đổi theo từng nghề nghiệp nhưng với CV xin việc tư vấn viên, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh một chút ở phần này, chủ yếu là với phần ảnh. Ảnh đẹp, tươi sáng, cảm giác dễ tin tưởng, "dễ nói chuyện" sẽ tốt hơn quá nghiêm túc, cứng nhắc.

Viết CV xin việc đúng chuẩn và ấn tượng nhất

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Tư vấn viên tổng đài muốn hỗ trợ được nhiều khách hàng, người dùng sản phẩm và dịch vụ; trong khi tư vấn viên bảo hiểm muốn thuyết phục, bán được nhiều gói bảo hiểm.... Công việc cụ thể khác nhau, với các cá nhân khác nhau thì mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc tư vấn viên cũng không thể giống nhau.
Nguyên tắc để viết mục tiêu nghề nghiệp là bạn hãy nghiêm túc nghĩ về mục tiêu thực sự của mình và xem nó liệu có "khớp" với định hướng của doanh nghiệp, liên quan tới vị trí việc làm hay không. Giả sử, bạn xin vào làm tư vấn viên trong công ty dịch vụ nhưng sau này muốn làm nhân sự thì không nên đưa vào CV, hãy viết mục tiêu ngắn hoặc trung hạn nào cho thấy bạn vẫn đam mê với công việc tư vấn.
Gợi ý:

  • Nhanh chóng thích nghi với quy trình tư vấn tại công ty, hoàn thành các mục tiêu KPI trong 3 tháng đầu và vượt chỉ tiêu sau đó.
  • Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng.
  • Nỗ lực trở thành leader sau 1 - 2 năm làm việc, mục tiêu dài hạn là trở thành trưởng phòng trong 5 - 7 năm nữa.

3. Học vấn

Đa số các công việc tư vấn viên không yêu cầu cao ở bằng cấp chuyên môn (trừ tư vấn tài chính, giáo dục hay một số lĩnh vực đặc thù khác). Các bạn có bằng trung cấp, cao đẳng hay đại học đều có thể ứng tuyển. Dĩ nhiên, nếu bạn học sư phạm và tư vấn giáo dục thì được coi là phù hợp hơn một người học khối kỹ thuật nhưng đó không phải tất cả. Vì vậy, với phần này, bạn hãy viết đầy đủ, chính xác thông tin về trường, ngành học, niên khóa. Nhà tuyển dụng chủ yếu sẽ cân nhắc dựa trên các phần kinh nghiệm và kỹ năng trong CV.

Gợi ý: Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (2017 - 2020)
  • Ngành: Marketing thương mại
  • Xếp loại: Giỏi.
  • GPA (Điểm trung bình học tập): 3.26

4. Kinh nghiệm

4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Không phải chỉ có kinh nghiệm là trong vai trò tư vấn viên mới có thể tự tin ứng tuyển tư vấn viên. Có khá nhiều vị trí, trải nghiệm giúp bạn rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức đủ để phục vụ cho các nhiệm vụ trong vai trò mới như: Nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên/chuyên viên tư vấn tuyển sinh, nhân viên chăm sóc khách hàng,...
Dù bạn đã từng có thời gian làm công việc nào, hãy ghi theo thứ tự thời gian đảo ngược từ khoảng 3 - 5 kinh nghiệm vào CV xin việc tư vấn viên. Không chỉ viết về thời gian làm việc, làm những việc gì mà bạn cũng cần ghi thêm thành tích trong công việc, nếu có.
Gợi ý: Công ty Tư vấn Dịch vụ ABC, Nhân viên tư vấn bán hàng (9/2019 - 12/2020)

  • Tư vấn qua chatbot và điện thoại cho khách hàng quan tâm, có nhu cầu sử dụng dịch vụ [tên dịch vụ]; thuyết phục họ đặt dịch vụ.
  • Tỷ lệ tư vấn và chốt đơn hàng thành công lên đến 30% trong 3 tháng liên tục.
Cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV xin việc Tư vấn viên

4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Có những ứng viên hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đi làm nhưng đã đi thực tập, hoặc thậm chí là chưa từng đi thực tập. Mặc dù nhà tuyển dụng có thể sẵn sàng đào tạo cho ứng viên chưa biết gì về công việc tư vấn nhưng chắc chắn, họ vẫn mong tuyển được người có nền tảng cơ bản.
Khi viết nội dung này trong CV xin việc tư vấn viên, bạn cần chú ý:

  • Có kinh nghiệm làm part-time, dù là không thực sự liên quan tới việc tư vấn cũng hãy viết vào CV.
  • Chưa có kinh nghiệm, hãy viết rõ rằng bạn đã học gì, làm gì vào thời điểm đó: Chỉ tập trung học trên trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các khóa học phát triển kỹ năng...

Gợi ý: Công ty Cổ phần ABC, Nhân viên telesale part-time (1/2021 - nay)

  • Tiến hành các cuộc gọi tư vấn, thuyết phục khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ của công ty, chốt đơn hàng.
  • Hoàn thành KPI trong 3 tháng liên tiếp, phát triển kỹ năng giao tiếp qua điện thoại và kỹ năng chăm sóc khách hàng.

5. Kỹ năng

Chắc chắn, khi nói đến nghề tư vấn viên, có một số kỹ năng chủ chốt, quan trọng mà nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu. Thế nhưng, với ứng viên thì việc viết phần này trong CV xin việc tư vấn viên như thế nào lại là câu hỏi không dễ trả lời. Viết kỹ năng dựa hoàn toàn theo mô tả công việc hay chỉ đưa vào những kỹ năng mà bạn có, bạn tự tin và thành thạo? Về cơ bản, bạn nên kết hợp lại để viết CV ấn tượng nhất.
Trước hết, bạn hãy đọc kỹ mô tả công việc cũng như các nội dung về kỹ năng cần thiết nhất với tư vấn viên, sau đó liệt kê các kỹ năng mình có, so sánh và chọn những kỹ năng phù hợp nhất để viết vào CV. Với 4 - 5 kỹ năng, CV xin việc tư vấn viên của bạn sẽ thuyết phục hơn rất nhiều đấy. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động học hỏi và rèn luyện, chủ yếu là các kỹ năng mềm để phục vụ công việc và phát triển, thăng tiến trong tương lai nhé.
Gợi ý:

  • Kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin.
  • Kỹ năng giao tiếp cả trực tiếp và gián tiếp.
  • Kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng.
  • Kỹ năng bán hàng, chốt đơn hàng.
  • Kỹ năng thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin.
  • Kỹ năng đàm phán, thuyết trình và thuyết phục.

6. Sở thích

Một tư vấn viên trong lĩnh vực giáo dục có thể yêu thích môi trường giảng dạy trong khi tư vấn viên thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm sẽ yêu thích kinh doanh, đề xuất các chiến lược quản lý tài chính, tiền bạc... Sở thích của mỗi cá nhân đều không giống nhau và không có một tiêu chuẩn nào cho việc làm tư vấn viên thì "phải" thích gì. Tuy nhiên, qua phần sở thích trong CV xin việc, nhà tuyển dụng có thể phần nào có đánh giá chi tiết hơn về tính cách và dự đoán xem ứng viên có thể phù hợp với môi trường công việc hay không. Đó cũng là lý do bạn không nên bỏ qua phần này.
Hãy viết 2 - 4 sở thích bạn vẫn làm trong thời gian rảnh, thể hiện tính cách tích cực, kiên nhẫn hay sự năng động, sẵn sàng đương đầu với áp lực, thử thách của bạn.
Gợi ý:

  • Tham gia các hoạt động tình nguyện, hiến máu.
  • Đọc sách.
  • Văn nghệ.

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

7. Tham chiếu

Tham chiếu thông tin cũng là một phần không thể thiếu trong CV xin việc tư vấn viên. Dù bạn đã có nhiều kinh nghiệm hay chỉ vừa ra trường, vẫn cần có người đáng tin cậy, chứng minh rằng thông tin bạn chia sẻ là chính xác - cả về học vấn hay trải nghiệm. Nhìn chung, liệt kê vào CV 1 - 2 thông tin của người tham khảo là cách bạn khiến CV của mình thêm phần thuyết phục.
Với các phần hoạt động, giải thưởng và chứng chỉ trong CV xin việc tư vấn viên, ứng viên có thể lựa chọn viết hoặc ẩn đi - tất cả phụ thuộc vào bản thân bạn. Lời khuyên ở đây là, bạn nên viết phần hoạt động, nhất là khi bạn là fresher, chưa có hoặc có rất ít kinh nghiệm làm việc. Lúc này, các hoạt động bạn tham gia có thể giúp nhà tuyển dụng có đánh giá tích cực hơn về bạn, nhìn thấy tiềm năng trong bạn.

Trong khi đó, chứng chỉ hay giải thưởng chỉ nên xuất hiện trong CV xin việc tư vấn viên khi bạn sở hữu một số chứng chỉ (tư vấn giám sát, tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh), tư vấn tài chính,...) còn nếu không, hãy ẩn chúng khỏi CV.

Nên viết thông tin mục hoạt động, chứng chỉ hay tham chiếu như thế nào để làm hài lòng nhà tuyển dụng?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Tư vấn viên

Khi nói đến những tiêu chuẩn để tuyển dụng tư vấn viên thì thực chất, chúng ta đều hiểu rằng sẽ không có tiêu chí cố định mà phụ thuộc vào từng lĩnh vực tư vấn, kinh doanh và nhà tuyển dụng cụ thể. Thế nhưng, rõ ràng vẫn có một số tiêu chuẩn cơ bản mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều coi trọng, dựa vào đó để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Thường thì các tư vấn viên cần đáp ứng được:

  • Nhanh nhẹn, khéo léo trong giao tiếp.
  • Tinh tế trong tiếp cận, tương tác và xây dựng mối quan hệ với khách hàng, khách hàng tiềm năng.
  • Chăm chỉ, không ngại KPI và áp lực công việc.
  • Quản lý thời gian, sắp xếp công việc hiệu quả.
  • Tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn, có khả năng giữ bình tĩnh tốt.
  • Chủ động trong công việc, có mạng lưới quan hệ riêng rộng, hữu ích cho công việc.

Bằng cách tìm hiểu và vận dụng các gợi ý cách viết CV xin việc tư vấn viên và sử dụng các mẫu CV online có sẵn trên JOBOKO, hy vọng các bạn sẽ thuận lợi, suôn sẻ hơn khi tìm việc làm. Tư vấn viên là một vai trò hấp dẫn, nhiều cơ hội và có thu nhập khá ổn nên nếu muốn thử sức, bạn hãy tự tin và nỗ lực thật nhiều nhé!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Tư vấn viên
II. Mẫu CV xin việc Tư vấn viên
III. Cách viết CV xin việc Tư vấn viên
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Tư vấn viên

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888