Từ quan điểm của nhà tuyển dụng, đặc biệt là chuyên gia tuyển dụng nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì dù chỉ là các chi tiết trong CV xin việc cũng có thể tiết lộ nhiều thông tin giúp họ đánh giá chính xác hơn về ứng viên. Bạn là người thế nào, năng lực ra sao, cách thể hiện trong CV có phản ánh chính xác con người của bạn không? Hãy tham khảo 10 tiêu chuẩn của một bản CV hoàn hảo trong mắt nhà tuyển dụng và điều chỉnh CV của mình kịp thời nhé.
Nhà tuyển dụng kỳ vọng CV xin việc đáp ứng tiêu chí gì?
Cần có thời gian để tìm hiểu công việc mới, quy trình làm việc,... vì vậy, những ứng viên hay nhảy việc sẽ bị đánh giá là "không có quyết tâm", "thiếu trách nhiệm", "thiếu nghiêm túc" hoặc tệ hơn là "năng lực kém". Nếu CV xin việc của bạn không có hoặc rất ít khoảng trống nghề nghiệp, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao hoặc ít nhất họ cũng cho là trong 1, 2 tháng đó, rất có thể là vì bạn tìm việc làm mới chứ không phải 1 năm trống hoác và cứ vài ba tháng bạn lại làm ở một nơi.
Lưu ý: Trường hợp bạn có khoảng trống nghề nghiệp trong CV vì lý do hợp lý như nghỉ làm để đi học lấy bằng cấp cao hơn, chăm sóc gia đình,... thì nên viết rõ trong CV.
Gần như không có bất kỳ ứng viên nào ở một thời điểm tìm việc lại chỉ gửi duy nhất 1 CV đến 1 nhà tuyển dụng. Chắc hẳn bạn đã gửi nhiều nơi, thậm chí là cả chục vị trí việc làm. Dĩ nhiên, nhà tuyển dụng cũng hiểu điều đó nhưng họ sẽ không muốn nhận một hồ sơ xin việc bạn không tùy chỉnh, thậm chí tên vị trí ứng tuyển cũng không khớp.
Giả sử, bạn vẫn xin việc marketing nhưng ở một công ty tuyển Marketing Executive, agency khác tuyển Chuyên viên Digital Marketing và bạn vì quá "vội vàng" hoặc quá lười biếng mà gửi CV xin việc Digital Marketing cho nhà tuyển dụng đầu tiên thì gần như cơ hội để CV của bạn đi tiếp là bằng 0 vì nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá sơ sẩy, cũng không tôn trọng họ và cơ hội việc làm này.
Một bản CV hoàn hảo cần trình bày rõ ràng và thể hiện kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, kỹ năng và thành tích liên quan đến công việc ứng tuyển. Không chỉ ở CV mà cover letter (thư ứng tuyển) gửi kèm cũng nên truyền đạt lý do tại sao bạn quan tâm đến công ty và điều gì làm bạn tự tin rằng mình phù hợp với công việc.
CV xin việc cần được tùy chỉnh sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển
Mục đích quan trọng nhất và duy nhất bạn cần xác định rõ ràng từ khi bắt tay vào viết CV là dùng tất cả hình ảnh, thông tin bạn chia sẻ để chứng minh "không ai khác, tôi là người phù hợp nhất với vị trí này", "anh/ chị nên tuyển tôi vì năng lực, kinh nghiệm của tôi". Với đích đến như thế, tổng thể CV của bạn phải toát lên sự tự khẳng định mình theo cách tích cực nhất.
Lời khuyên của các chuyên gia nhân sự - dù phổ biến - nhưng không phải ứng viên nào cũng làm theo được, đó là đọc và đọc kỹ JD (mô tả công việc), làm nổi bật những gì nhà tuyển dụng quan tâm và tìm kiếm ở một ứng viên tài năng. Đảm bảo rằng bạn có kinh nghiệm liên quan, kỹ năng cần thiết và đã trình bày chúng nổi bật trong CV.
Nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí thực tập hoặc công việc mà bạn không có nhiều kinh nghiệm liên quan thì cũng đừng lo lắng. Công việc không thực sự liên quan hoặc một hoạt động ngoại khóa cũng sẽ là thông tin hữu ích, một khi bạn diễn giải được rằng bạn đã tích lũy được gì, học được gì từ đó, có các kỹ năng chuyển đổi nào.
Nếu các con số duy nhất trên CV của bạn là ngày tháng và số điện thoại thì chắc chắn đã đến lúc bạn nâng cấp cho CV xin việc của mình. Thêm vào các thành tích bạn đạt được, giải thưởng (nếu có) và các con số thể hiện những giá trị bạn đã làm ra, cùng người khác tạo ra.
Ví dụ, nếu bạn là một thực tập sinh biên tập viên trên một trang web, tất nhiên bạn đã viết content và chỉnh sửa nhiều nội dung thú vị, đáp ứng nhu cầu người đọc. Thay vì viết kinh nghiệm đơn giản "Làm biên tập viên website, nhiệm vụ viết bài hàng ngày" - nghe rất nhàm chán đúng không nào - thì hãy viết là "Hoàn thành trung bình 30 bài báo/ tháng, tăng lưu lượng truy cập trang web lên 23%" - trực quan và tạo cảm giác chân thực, thuyết phục hơn rất nhiều.
Khi viết CV xin việc, bạn hãy luôn nhớ rằng thành tích, có số liệu sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc bạn đã làm việc hiệu quả và thu được kết quả - thay vì trình bày rằng mình đã rất "cố gắng".
Thành tích, giải thưởng rất quan trọng trong CV xin việc
Hầu hết nhà tuyển dụng đều thống nhất một quan điểm rằng họ dễ bị thu hút khi nhận được CV, thư xin việc của ứng viên được viết rõ ràng. Ngay từ phần Mục tiêu nghề nghiệp, nhà tuyển dụng muốn thấy ngay điểm mạnh, điểm nổi bật về background, kỹ năng chuyên ngành, thành tích của bạn và tham vọng bạn hướng tới.
Nhiều chuyên gia nhân sự khẳng định, họ gần như không muốn xem thêm CV nếu thấy từ đầu CV đã mờ nhạt, thậm chí là "ảm đạm", đều đều và không có mấy tiêu chí đáp ứng được kỳ vọng.
Nếu như bạn đã chắc chắn CV xin việc của mình rõ ràng, có trọng tâm xuyên suốt thì chúc mừng bạn, cơ hội được mời phỏng vấn của bạn đang tăng lên đáng kể!
Nhà tuyển dụng sẽ dành nhiều sự khen ngợi và niềm yêu thích, quý mến cho ứng viên nào tuân thủ hướng dẫn của họ, ví dụ như gửi CV qua kênh nào, tiêu đề CV và email ứng tuyển ra sao, viết rõ thông tin việc làm biết qua nguồn nào,... Ngược lại, nếu họ viết rằng bạn cần gửi CV file Word mà bạn khăng khăng gửi PDF thì kết quả có thể dự đoán được là bạn dễ bị loại.
Khi tuyển dụng, đặc biệt là cho các vị trí từ xa, điều đầu tiên nhà tuyển dụng tìm kiếm ở một ứng viên là khả năng làm theo hướng dẫn. Đừng bao giờ "thử thách" nhà tuyển dụng bằng cách vô tình hay cố ý làm sai yêu cầu, cả trong CV và các quy trình ứng tuyển còn lại bạn nhé.
CV là lời giới thiệu tương đối đầy đủ và chi tiết về chính bản thân bạn. Nếu bạn cho thấy sự mâu thuẫn của mình trong CV, ví dụ chương trình học nghỉ ngang chuyển ngành, đi làm thì làm các công việc khác nhau, trong thời gian ngắn,... Những trường hợp khác là bạn khẳng định trong phần mục tiêu nghề nghiệp là năng động, sáng tạo nhưng hoạt động không có thông tin gì, phần sở thích lại toàn là hướng nội thì nghĩa là phong cách, cá tính bạn thể hiện trong CV không phải là bạn.
Hãy chắc chắn rằng CV xin việc bạn viết đã thể hiện chính xác về bạn, sự nỗ lực, quyết tâm, làm việc hiệu quả và hướng tới mục tiêu rõ ràng.
Bất chấp mọi lời khuyên rằng CV xin việc nên ngắn gọn trong 1 - 2 trang (với các vị trí thông thường, không phải quản lý), nhiều ứng viên vẫn gửi CV dài 4 - 5 trang khiến nhà tuyển dụng muốn "khóc thét". Dù bạn nhiều kinh nghiệm hay muốn thế hiện mình đến đâu, hãy đảm bảo CV cô đọng và có độ dài được khuyến nghị.
JobOKO có kho mẫu CV độc đáo, thiết kế riêng từng ngành nghề, phù hợp cho mọi đối tượng từ sinh viên mới ra trường cho đến người nhiều kinh nghiệm làm việc. Đặc biệt, nhờ công cụ tạo CV Pro, CV được thiết kế nhanh chóng, có tính thẩm mỹ cao, gia tăng hiệu quả ứng tuyển.
Nhà tuyển dụng có thể đọc CV của bạn ngay khi nhận được hoặc sử dụng hệ thống sàng lọc ứng viên (ATS) - thường có ở các công ty lớn. Muốn CV được "điểm cao", ít nhất là vượt qua giai đoạn sàng lọc cơ bản thì CV của bạn phải có từ khóa về công việc, các kỹ năng liên quan, chức danh,... "Đi đâu" để tìm kiếm các từ khóa chuẩn cho CV - câu trả lời nằm ở ngay JD của nhà tuyển dụng và cách bạn hiểu về công việc của mình.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng CV bạn gửi không dùng những mẫu câu, cụm từ tiêu cực, gay gắt hay sáo ngữ không có ý nghĩa gì. Ví dụ "làm tốt", "tôi rất sáng tạo", "tôi được giao cho",... hãy chủ động, tích cực, tự tin và bám vào keyword - "tôi phụ trách", "tôi đã xử lý",...
Để CV nổi bật, bạn cần biết cách viết từ khóa, sử dụng ngôn ngữ phù hợp
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, khi gửi CV xin việc, bạn nhất định phải kiểm tra chính tả, ngữ pháp để không có lỗi - cả với CV tiếng Việt cũng như tiếng Anh hay ngoại ngữ khác. CV là một tài liệu không quá gấp gáp hoặc nhạy cảm về thời gian, do đó, bạn luôn có hàng ngày, hàng giờ để đọc, xem xét, chỉnh sửa và nhờ người khác sửa giúp trước khi gửi. Mọi JD thực chất đều yêu cầu kỹ năng giao tiếp bằng văn bản và CV chính là nơi đầu tiên bạn thể hiện kỹ năng này.
Bằng cách nhận thức được về các tiêu chuẩn nhà tuyển dụng dùng để đánh giá một bản CV hoàn hảo mà JobOKO chia sẻ trên đây, bạn nhất định có thể viết, chỉnh sửa CV xin việc chất lượng, ấn tượng và xuất sắc vượt qua vòng sàng lọc, đánh giá đầu tiên!
MỤC LỤC:
1. CV không có hoặc ít khoảng trống nghề nghiệp
2. Bạn đã điều chỉnh CV cho từng nhà tuyển dụng khác nhau
3. CV bao gồm các kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển
4. CV nổi bật bởi những thành tích, giải thưởng, số liệu
5. CV rõ ràng, có trọng tâm, dễ theo dõi
6. Bạn đã làm đúng hướng dẫn của nhà tuyển dụng
7. CV phản ánh cá tính, phong cách cá nhân đồng nhất
8. Độ dài của CV được giới hạn "vừa đủ"
9. CV có từ khóa, ngôn ngữ và diễn đạt hợp lý, cuốn hút
10. Không có lỗi chính tả, ngữ pháp
Đọc thêm: Đừng bỏ qua 5 lưu ý quan trọng khi viết CV xin việc
Đọc thêm: CV xin việc liệu có cần quá chi tiết? dài bao nhiêu là vừa đủ?