Phỏng vấn xin việc ở ví trí nào thì bạn cũng phải đối mặt với nhiều ứng viên tiềm năng nên sự cạnh tranh vô cùng lớn. Do vậy, nếu bạn không có kinh nghiệm hay kỹ năng chuyên môn tốt thì sẽ khó có được vị trí ưng ý. Điều quan trọng là bạn phải tránh được
những lỗi "chết người" hay mắc phải trong phỏng vấn xin việc để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, bạn có thể tham khảo bí quyết vượt qua phỏng vấn xin việc trong bài viết dưới đây để thuận lợi cho quá trình ứng tuyển nhé.
Làm thế nào để vượt qua phỏng vấn xin việc dễ dàng?
Trong quá trình xin việc, nếu vượt qua vòng loại hồ sơ, tất cả các ứng viên sẽ phải tham gia phỏng vấn với nhà tuyển dụng để hai bên có thể đánh giá mức độ phù hợp với vị trí ứng tuyển. Phỏng vấn có thể dễ dàng với một số người và vô cùng khó khăn với những người khác, đặc biệt là ứng viên chưa có kinh nghiệm. Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể tham khảo để dễ dàng vượt qua cuộc phỏng vấn của mình.
Mẹo vượt qua vòng phỏng vấn xin việc
1. Trước cuộc phỏng vấn
Chuẩn bị trước cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn có được tâm lý sẵn sàng và sự tự tin cần thiết khi gặp nhà tuyển dụng. Bạn nên:
- Biết mọi thứ có thể tìm hiểu được về công ty.
- Tự nhìn nhận, đánh giá kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ của bản thân.
- Luyện tập giới thiệu bản thân, trả lời những câu hỏi phỏng vấn phổ biến.
- Nếu nhận được lời mời phỏng vấn qua email, hãy xác nhận lại rằng bạn sẽ tham dự đúng giờ.
- Chuẩn bị trang phục phù hợp, kiểm tra lại ngoại hình, đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng. Nếu bạn chưa biết mặc gì khi đi phỏng vấn thì hãy theo dõi bài viết này nhé.
- Đến nơi phỏng vấn một mình, không mang theo đồ ăn hay những vật dụng không cần thiết.
- Đến đúng giờ (đến trước khoảng 5 phút).
2. Trong buổi phỏng vấn
Những gì bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả cuối cùng.
- Tạo ấn tượng tốt: Ấn tượng đầu tiên mà ứng viên mang đến cho nhà tuyển dụng vô cùng quan trọng. Nhiều nhà tuyển dụng thậm chí còn cho rằng sau khi thấy một ứng viên bước vào, chỉ bằng cách quan sát cử chi bắt tay và ngồi xuống, họ có thể đánh giá một phần về người đó.
- Nói xin chào với người phỏng vấn bằng giọng điệu phù hợp.
- Ngồi thẳng, tư thế thoải mái nhưng lịch sự. Tránh ngồi ở mép ghế (không an toàn), hoặc ngồi dựa vào lưng ghế ngả người ra sau (thiếu tôn trọng).
- Đừng là người đầu tiên lên tiếng.
- Tập trung lắng nghe và duy trì thái độ thân thiện.
- Không để lộ sự lo lắng, tránh những cử chỉ như cắn móng tay, lắc trên ghế ...
- Không hút thuốc.
- Đừng ngắt lời người phỏng vấn.
- Giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn.
- Đừng nói quá nhiều, nhưng cũng không nên nói quá ít.
- Suy nghĩ kỹ trước khi trả lời câu hỏi.
- Không hung hăng, kích động, không quá nhạy cảm.
- Đừng đến quá gần người phỏng vấn.
- Đừng đặt khuỷu tay lên bàn người phỏng vấn.
- Đừng khoanh tay, vì nó sẽ có vẻ như bạn đang phòng thủ.
- Trả lời rõ ràng và ngắn gọn, nói sự thật.
- Nếu được hỏi về bản thân, hãy nhấn mạnh vào việc đào tạo, kinh nghiệm và kết quả công việc.
- Đừng trả lời với sự lảng tránh và nghi ngờ, hoặc bằng những từ đơn âm.
- Thể hiện sự nhiệt tình với công việc, nhưng đừng cầu xin.
- Không nói xấu về các công ty cũ.
- Đừng từ chối trả lời câu hỏi. Nếu bạn được hỏi không phù hợp, bạn có thể trả lời rằng vấn đề này không liên quan tới vị trí ứng tuyển. Hãy nói nghiêm túc, không gây hấn. Nhà tuyển dụng có thể chỉ muốn đánh giá khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn.
- Suy nghĩ và phản hồi tích cực.
- Đừng nói rằng bạn đang rất cần công việc. Nếu bạn không có kinh nghiệm thì cũng không nên nói: "Tôi vừa học xong nên không có kinh nghiệm chuyên môn", hãy khẳng định rằng: "Tôi sẵn sàng làm việc và thực hành tất cả các kiến thức mà tôi có được trong quá trình học tập của mình".
- Đặt câu hỏi ngược cho nhà phỏng vấn khi được hỏi "Bạn có câu hỏi gì không?". Hãy nói về khả năng thăng tiến, công ty hoặc nhiệm vụ cụ thể của công việc.
- Đừng quên nói cảm ơn.
3. Sau buổi phỏng vấn
Sau buổi phỏng vấn, bạn nên phân tích kết quả, ghi lại điểm mạnh và điểm yếu của mình. Những tài liệu này có thể hữu ích cho các cuộc phỏng vấn khác. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng một lần nữa.
Những điều cần làm để vượt qua phỏng vấn xin việc, chinh phục được nhà tuyển dụng
4. Những câu hỏi phỏng vấn phổ biến
Chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn phổ biến cũng là một cách để phỏng vấn tốt hơn. Bạn có thể luyện tập với bạn bè hoặc người thân để có tâm thế tự tin, thoải mái nhất khi bước vào vòng phỏng vấn thật. Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến:
4.1. Hỏi về bản thân ứng viên
- Bạn có thể tự giới thiệu bản thân không?
- Hãy cho tôi biết về các hoạt động của bạn ngoài việc học/công việc.
- Bạn có thể kể về một tình huống bất lợi phát sinh ở vị trí [tên công việc] không? Bạn đã vượt qua như thế nào?
- Theo bạn, bạn có gì nổi bật hơn các ứng viên khác?
- Theo bạn, với vị trí này, phẩm chất nào là quan trọng nhất?
4.2. Câu hỏi về quá trình học tập, đào tạo
- Tại sao bạn chọn học ngành này?
- Ai là người ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất khi chọn nghề nghiệp?
- Bạn thích những môn học nào? Tại sao? Điểm số những môn đó của bạn có cao không?
- Trải nghiệm bổ ích nhất trong cuộc đời sinh viên của bạn là gì?
- Bạn có kế hoạch tiếp tục học tập, nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực của mình không?
4.3. Câu hỏi về công việc
- Dự án hoặc giải pháp thành công nhất của bạn là gì?
- Bạn làm thế nào để hòa hợp với bạn cùng lớp, với sếp, với cấp dưới?
- Bạn biết điều gì về công ty chúng tôi?
- Bạn thích môi trường làm việc như thế nào?
- Bạn có sẵn sàng đi công tác không?
- Điểm mạnh và điểm yếu của bạn cho vị trí này là gì?
- Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Vì sao bạn nghĩ rằng mình có thể đạt được mục tiêu đó?
- Bạn có sẵn sàng tham gia một khóa đào tạo do công ty phụ trách trước khi được tuyển dụng chính thức không?
- Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
- Khi nào bạn có thể bắt đầu đi làm?
Ở cuối mỗi buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên rằng "Bạn có câu hỏi nào nữa không?". Vậy
ứng viên nên hỏi gì trong buổi phỏng vấn? Nếu bạn đọc chưa biết thì đừng bỏ lỡ mẹo đặt câu hỏi phỏng vấn ngược mà Joboko chia sẻ nhé. Những thông tin này sẽ giúp bạn tránh bối rối khi đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng, từ đó được công ty, doanh nghiệp này đánh giá cao.
MỤC LỤC:
1. Trước cuộc phỏng vấn
2. Trong buổi phỏng vấn
3. Sau buổi phỏng vấn
4. Những câu hỏi phỏng vấn phổ biến