Cách viết CV xin việc ngành Du lịch

10/04/2024 13:30
Là một trong những ngành nghề năng động nhất trước đại dịch, ngành Du lịch có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, thu hút lượng lớn lao động cả có trình độ và lao động phổ thông. Nắm được cách viết CV xin việc ngành Du lịch, bạn có thể tiến gần hơn tới cơ hội việc làm mơ ước của mình.

Khi tìm kiếm từ khóa cách viết mẫu CV ngành Du lịch, bạn có thể nhận được nhiều kết quả nhưng đều chung chung. Thực tế, mỗi ngành có đặc thù riêng và viết CV thì cần điều chỉnh cho phù hợp với ngành nghề và vị trí cụ thể nhưng cần làm nổi bật thông tin khác nhau. Cách viết CV xin việc ngành Du lịch chi tiết nhất, đầy đủ nhất của JobOKO sau đây chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn trên hành trình tìm việc và xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực Du lịch.

Bí quyết viết CV xin việc ngành Du lịch ấn tượng, dễ dàng "chinh phục" nhà tuyển dụng

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc ngành Du lịch

Trước khi tìm hiểu cách viết CV xin việc ngành du lịch, bạn nên đọc kỹ JD và xác định thông tin quan trọng nhất, không thể không có trong CV. Thông tin này sẽ là trọng tâm, được thể hiện và nhấn mạnh xuyên suốt trong CV và giúp bạn trở nên khác biệt, cạnh tranh hơn so với các ứng viên khác.

Trong CV xin việc ngành du lịch, thông tin phải có sẽ là dịch vụ khách hàng, gồm có kỹ năng mềm, CSKH và kỹ năng giao tiếp. Dù bạn làm ở vị trí nào, cho dù là kinh doanh tour hay hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng hay đầu bếp khách sạn thì định hướng khách hàng và bộ kỹ năng vẫn được đánh giá cao nhất. Có thể nhấn mạnh qua phần kinh nghiệm, kỹ năng và hoạt động trong CV.

II. Hình thức, bố cục CV xin việc ngành Du lịch

Không hẳn là cách viết CV xin việc ngành du lịch nhưng chọn mẫu CV cũng là một bước đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong quy trình tạo và hoàn thành hồ sơ xin việc nói chung. Khi chọn mẫu, bạn nên lựa chọn mẫu CV nào đảm bảo các yếu tố như là bố cục rõ ràng, có tính thẩm mỹ, đơn giản không cầu kỳ nhưng đừng lòe loẹt hay quá cơ bản, cứng nhắc. Màu sắc có thể tươi tắn hoặc nhã nhặn, miễn là cho thấy sự tinh tế và năng lượng tích cực phù hợp với khối ngành dịch vụ nói chung.

III. Cách viết CV xin việc ngành Du lịch

1. Thông tin cá nhân

Thường bị cho là một phần không có gì khó khi viết cũng không có gì đặc biệt nhưng CV, hồ sơ xin việc nào cũng vậy - không thể thiếu thông tin cá nhân. Đối với cách viết CV xin việc ngành Du lịch trong phần này, ứng viên nên lưu ý:

  • Viết đúng thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ (nếu cần) và năm sinh hoặc tuổi tác. Kiểm tra lại thật kỹ để không sai dấu hay thiếu ký tự, thiếu số.
  • Có thể chia sẻ link blog, Facebook hoặc Instagram trong trường hợp bạn có nhiều chia sẻ, hình ảnh, cảm nghĩ, trải nghiệm về những chuyến đi, những bài học hay niềm vui khi làm dịch vụ, làm du lịch.
  • Ảnh trong CV thường ở sát phần thông tin cá nhân đầu CV, hãy chọn ảnh đẹp, tươi sáng, không phải ảnh tự sướng nhưng đừng quá nghiêm túc nhé.

Thông tin cá nhân trong CV xin việc ngành Du lịch cần đề cập những gì?

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Vẫn là làm việc trong ngành du lịch, sẽ có hướng dẫn viên muốn sau này muốn mở công ty hoặc trở thành blogger, trong khi nhân viên lễ tân khách sạn muốn trở thành trưởng bộ phận, nhân viên phục vụ muốn thành giám sát ca,... Mỗi người đều có mục tiêu nghề nghiệp nhưng không ai giống ai và điều đó không sao cả. Tuy nhiên, viết phần này trong CV thì đòi hỏi bạn cân nhắc nhiều hơn.

Cách viết CV xin việc ngành du lịch trong phần mục tiêu nghề nghiệp phải đảm bảo: Viết ngắn gọn về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; mục tiêu phù hợp với vị trí ứng tuyển và kinh nghiệm, học vấn bạn đang có; mục tiêu nên gắn bó với công ty thay vì định hướng trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, bạn đừng quên "lồng ghép" thế mạnh của mình vào phần này và hứa hẹn cống hiến cho doanh nghiệp nhé.

Gợi ý (vị trí Nhân viên kinh doanh tour):

  • Sử dụng kinh nghiệm kinh doanh tour inbound 2 năm để hoàn thành và vượt chỉ tiêu kinh doanh hàng tháng, hàng quý và hàng năm, tăng doanh thu từ 10% mỗi tháng.
  • Mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng, cung cấp dịch vụ khách hàng theo tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu công ty tích cực, phấn đấu trở thành trưởng nhóm sau 2 năm làm việc.

3. Học vấn

Thực tế, không phải vị trí việc làm nào trong ngành Du lịch cũng yêu cầu bằng cấp, chẳng hạn như tạp vụ, nhân viên rửa bát, nhân viên phục vụ phòng có thể chỉ cần kỹ năng là đủ. Dù vậy, đây vẫn là một phần bắt buộc phải có trong CV. Vì thế, với cách viết CV xin việc ngành du lịch ở phần này, các bạn hãy làm sao để viết đúng, ngắn gọn là hoàn thành. Trường hợp bạn có kết quả học tập tốt thì hãy ghi thêm GPA (điểm trung bình học tập) để tạo ấn tượng tích cực hơn nhé.

Gợi ý (vị trí Hướng dẫn viên du lịch): Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN (9/2016 - 6/2020)

  • Chuyên ngành: Du lịch học.
  • Xếp loại: Giỏi, GPA 3.25.

4. Kinh nghiệm

4.1. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Có một thực tế là rất ít nhân sự ngành du lịch khi xin việc full-time mà hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trước đó vì đa số mọi người đều đã thử sức trong những công việc làm thêm hoặc thực tập trong vai trò liên quan. Dù vậy, nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì cũng đừng lo lắng, sẽ luôn có cách để CV không bị trống và vẫn thuyết phục.

Ở đây, hãy xem bạn chưa đi làm nhưng đã đi thực tập hay chưa, hoặc các trải nghiệm ngắn chẳng hạn như đi phụ tour thời sinh viên (thường mỗi tour chỉ 1, 2 ngày) hoặc hỗ trợ tiệc cưới ở khách sạn 5 sao,... Bạn có thể cảm thấy những trải nghiệm đó không đáng gì nhưng chắc chắn vẫn hơn là không có thông tin gì để viết vào CV hoặc nói dối. Điều quan trọng nhất là nhớ chia sẻ với nhà tuyển dụng những gì bạn tích lũy được, đặc biệt là các kỹ năng.

Gợi ý (vị trí Phục vụ nhà hàng): Thực tập sinh phục vụ, Khách sạn 5 sao ABC (11/2020 - 2/2021)

  • Setup và phục vụ tại nhà hàng 5 sao của khách sạn, dọn dẹp bàn ăn sau khi khách dùng bữa.
  • Thành thạo kỹ năng pha chế cafe và đồ uống cơ bản, quen thuộc quy trình vận hành của nhà hàng, kỹ năng chăm sóc khách hàng và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Các mẫu CV cho ứng viên có và chưa có kinh nghiệm ngành Du lịch lựa chọn

4.2. Với ứng viên đã có kinh nghiệm

Có kinh nghiệm thì cách viết CV xin việc ngành Du lịch ở phần này đơn giản hơn nhiều. Nguyên tắc ở đây là bạn không nên viết quá nhiều kinh nghiệm giống hệt nhau (vì không cần thiết). Số kinh nghiệm nên đề cập là từ 2 - 5 kinh nghiệm, trong đó làm ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm trở lên, ưu tiên trải nghiệm ở các công ty, tổ chức có quy mô lớn, danh tiếng tốt.

Bên cạnh đó, việc đề cập tới thành tích, số liệu ở phần này là quyết định thông minh giúp bạn trở thành một ứng viên sáng giá hơn rất nhiều đấy.

Lưu ý là nếu có kinh nghiệm nhưng ít, ví dụ đi làm thêm hoặc làm trái ngành thì kinh nghiệm như nhân viên bán hàng, telesales, marketing, tổ chức sự kiện,... đều có thể được đưa vào CV nhưng chỉ nên viết khoảng 2, 3 kinh nghiệm kiểu này thôi nhé.

Gợi ý (vị trí Nhân viên điều hành tour): Nhân viên điều hành tour, Công ty CP EHP (2/2018 - 8/2020)

  • Liên hệ với bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ tour tuyến, phương tiện vận chuyển, nhà hàng khách sạn cho khách lẻ và khách theo đoàn; theo sát hoạt động của từng tour phụ trách để liên hệ, giải quyết vấn đề phát sinh; theo đoàn để hỗ trợ khi có đoàn khách lớn.
  • Mạng quan hệ rộng với các hướng dẫn viên tự do, hệ thống nhà hàng khách sạn 3 miền và đơn vị vận chuyển; phối hợp tốt với bộ phận sales; có kỹ năng giao tiếp xuất sắc và giải quyết vấn đề hiệu quả; 2 năm liền nhận khen thưởng nhân viên xuất sắc của năm với tổng số khách hàng đánh giá tốt lên đến 95%).

5. Kỹ năng

Chắc chắn sẽ là một thiếu sót cực lớn nếu bạn tìm hiểu cách viết CV xin việc ngành Du lịch mà không học cách viết phần kỹ năng trong đó và đây được coi là nội dung gần như quan trọng nhất, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đọc. Không nên lệ thuộc vào những gợi ý kỹ năng điển hình có sẵn trong các mẫu CV, chẳng hạn như tiếng Anh, giao tiếp hay tin học văn phòng mà hãy điều chỉnh theo tiêu chí như sau:

  • Kỹ năng cần thiết nhất cho công việc: Đọc kỹ JD và thông tin về vị trí ứng tuyển xem nhà tuyển dụng cần kỹ năng gì.
  • Tự đánh giá xem bạn có thành thạo các kỹ năng đó hay không.
  • Viết vào CV 4 - 6 kỹ năng theo thứ tự ưu tiên (từ quan trọng nhất).
  • Thêm vào các tính từ chỉ mức độ thành thạo hoặc lựa chọn trong mẫu CV "điểm số" của các kỹ năng đó ở mức điểm cao, có thể áp dụng vào công việc.

Gợi ý (vị trí Hướng dẫn viên):

  • Kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng tương tác và lắng nghe tích cực.
  • Tiếng Anh trình độ C1, giao tiếp tốt với khách du lịch nước ngoài.
  • Kỹ năng thuyết minh, diễn giảng công cộng.
  • Kỹ năng chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng xuất sắc.
  • Sức khỏe tốt, không say xe, có thể đi bộ đường dài.

6. Chứng chỉ

Khác với nhiều nghề nghiệp mà chứng chỉ có thể không quan trọng lắm thì ngành du lịch có nhiều kiểu chứng chỉ và là yếu tố để nhà tuyển dụng đánh giá sự chuyên nghiệp, quyết tâm gắn bó và sự chuẩn bị từ sớm của bạn. Tùy vào vị trí nhưng có những kiểu chứng chỉ như sau:

  • Chứng chỉ Hướng dẫn viên du lịch.
  • Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh, Hàn, Nhật, Trung,...).
  • Chứng chỉ đầu bếp (cho đầu bếp trong khách sạn, resort).
  • Chứng chỉ pha chế (cho nhân viên pha chế)....

Tùy vào vị trí ứng tuyển nhưng nếu bạn có các chứng chỉ kể trên thì nhất định phải viết vào CV. Thậm chí, ngay cả khi chưa có thì hãy cân nhắc học nếu cần để phát triển sự nghiệp nhanh hơn, lâu dài và thăng tiến tốt hơn nhé. Bên cạnh đó, nếu viết phần chứng chỉ thì đừng quên ghi rõ và chính xác tên, thời hạn (nếu có).

Những chứng chỉ nào quan trọng trong CV xin việc ngành Du lịch?

7. Hoạt động

Ngành du lịch năng động, nhà tuyển dụng thích ứng viên nhiệt tình, năng nổ, hướng ngoại và có khả năng làm tốt nhiệm vụ của mình cũng như sẵn sàng hỗ trợ cho khách hàng, đồng nghiệp. Do đó, nếu như trong CV xin việc của bạn đề cập tới những hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng bạn tham gia thì sẽ chứng minh rằng bạn có phẩm chất phù hợp với vai trò ứng tuyển.

Đương nhiên, điều kiện ở đây là bạn phải thực sự từng tham gia các hoạt động, ví dụ như làm trong ban truyền thông, ban hậu cần của câu lạc bộ ở trường đại học - bạn nhiệt tình, có kỹ năng tổ chức hoặc thiết kế và truyền thông. Trường hợp khác là khi bạn đi tình nguyện ở vùng cao hoặc tham gia hoạt động hiến máu - bạn tích cực, quan tâm và giúp đỡ người xung quanh.

Dù phần này thường ngắn nhưng hướng dẫn cách viết CV xin việc ngành du lịch của JobOKO vẫn khuyên bạn nên đề cập tới 2 - 3 hoạt động (nếu có).

8. Sở thích

Cũng tương tự như phần hoạt động, sở thích cũng là một phần khá quan trọng và ý nghĩa khác trong CV xin việc ngành du lịch do đặc điểm của ngành nghề là coi trọng khả năng kết nối giữa nhân sự với khách du lịch, lưu trú nên phẩm chất, tính cách cực kỳ quan trọng. Viết từ 2 - 4 sở thích để giới thiệu về bạn là được.

Tuy nhiên, lưu ý là đối với nội dung này, bạn cũng đừng viết "bừa" mà hãy lựa chọn những sở thích thể hiện được cá tính, phong cách cá nhân của bạn và thể hiện sự tích cực, năng nổ, nhiệt tình của bạn, sở thích liên quan tới du lịch cũng sẽ "hợp lý" hơn nhé.

9. Tham chiếu

Viết phần tham chiếu thông tin trong CV xin việc ngành du lịch cũng như trong CV cũng giống như các ngành nghề khác. Bạn viết thông tin liên lạc của 1 hoặc 2 người tham chiếu để nhà tuyển dụng có thể liên hệ nếu muốn xác nhận lại thông tin về bạn. Nhìn chung, chỉ cần chú ý là bạn cần viết phần này, không lấy nguyên thông tin trong mẫu CV, hơn nữa thông tin phải chính xác và liên lạc được.

Phần cuối cùng trong CV xin việc ngành du lịch là giải thưởng, bạn có thể viết nếu có giải thưởng hoặc bỏ qua (ẩn cả mục khỏi CV) nếu chưa giành được bất kỳ giải thưởng nào. Giải cuộc thi hướng dẫn viên là một ví dụ về giải thưởng phù hợp để khoe với nhà tuyển dụng trong CV ứng tuyển.

Nhà tuyển dụng kỳ vọng điều gì ở nhân sự ngành Du lịch?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự ngành Du lịch

Bên cạnh việc tìm hiểu cách viết CV xin việc ngành Du lịch, bạn cũng nên biết rõ các tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự của nhà tuyển dụng. Dù cho các yêu cầu này luôn thay đổi, điều chỉnh theo vị trí cụ thể nên sẽ không hoàn toàn trùng khớp nhưng vẫn là tiêu chí chọn lọc cơ bản nhất của ngành:

  • Kỹ năng mềm xuất sắc: Giao tiếp, lắng nghe, tương tác, xây dựng mối quan hệ...
  • Trung thực, nhiệt tình, năng động, hiếu khách.
  • Khéo léo, tinh tế.
  • Có trình độ, bằng cấp chuyên ngành du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn là điểm cộng.
  • Trình độ, khả năng ngoại ngữ tốt, ít nhất là giao tiếp thành thạo tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác.
  • Sức khỏe tốt, yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài với nghề.
  • Chăm chỉ, chịu được áp lực công việc, kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả.

Cách viết CV xin việc ngành du lịch đầy đủ, chi tiết JobOKO vừa chia sẻ có giúp bạn dễ hình dung hơn về từng bước tạo và hoàn thành CV hay chưa? Đừng quên kiểm tra lại để không có bất kỳ sai sót nào trước khi gửi đi nhé. Chúc bạn thành công!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc ngành Du lịch
II. Hình thức, bố cục CV xin việc ngành Du lịch
III. Cách viết CV xin việc ngành Du lịch
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự ngành Du lịch

Đọc thêm: Học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ra làm gì? Các trường đào tạo

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888