Cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn

22/11/2021 17:30
Lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cung cấp rất nhiều vị trí việc làm khác nhau, từ yêu cầu trình độ cao như khối văn phòng hoặc quản lý đến các công việc chỉ cần kỹ năng, lao động phổ thông như nhân viên buồng phòng, phụ bếp. Nắm được cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn, bạn có thể tiến gần hơn một bước vào ngành nghề cạnh tranh, nhiều cơ hội này.

CV xin việc nhà hàng, khách sạn có thể được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh và dĩ nhiên sẽ được điều chỉnh theo từng vị trí cụ thể, kinh nghiệm của các ứng viên khác nhau. Trong nội dung sau đây, JobOKO sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn bằng tiếng Việt ở mức chi tiết nhất và giúp bạn điều chỉnh CV dù ứng tuyển vào vai trò nào trong lĩnh vực này.

CV xin việc nhà hàng, khách sạn nên đề cập những gì?

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn

Việc xác định được chính xác thông tin nhất định phải có trong mẫu CV ngành nhà hàng, khách sạn hiểu đơn giản là bạn đang phân tích, đoán ý của nhà tuyển dụng. Từ quan điểm của nhà tuyển dụng, họ kỳ vọng gì vào CV xin việc của ứng viên? Kỹ năng hay kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ hay kỹ năng nấu nướng?... Trả lời được các câu hỏi đó, CV của bạn sẽ đúng trọng tâm và có đầy đủ các keyword mà nhà tuyển dụng muốn thấy.

Đối với CV xin việc nhà hàng, khách sạn thì như đã nói, tùy vị trí mà thông tin cũng sẽ không giống nhau nhưng chắc chắn, các thông tin phải có trong CV sẽ là: Kỹ năng dịch vụ khách hàng, định hướng khách hàng. Ngoài ra, kinh nghiệm và sự Tâm lý học nhân cách, lịch sự cũng sẽ được đánh giá cao. Khi ứng tuyển các vai trò cụ thể thì bạn có thể bổ sung thông tin mà bạn cho là quan trọng nhất ở vị trí đó nhé.

II. Mẫu CV xin việc nhà hàng, khách sạn

Giữa vô vàn mẫu CV có sẵn, việc chọn mẫu CV sao cho phù hợp với ngành nghề, thể hiện được phong cách và cá tính của mỗi ứng viên không phải là dễ. Vì là ngành dịch vụ nên CV xin việc nhà hàng, khách sạn nên tránh các màu tối, phong cách khô khan hay cứng nhắc, thay vào đó, những mẫu CV nhã nhặn, tinh tế hay thanh lịch hoặc đơn giản, gọn gàng sẽ là phù hợp nhất.

Nếu như bạn là ứng viên chưa có kinh nghiệm thì tốt nhất là lựa chọn trong số hàng chục mẫu CV online trên JobOKO. Ưu điểm là khi xem thử các mẫu, bạn sẽ thấy các thông tin mô tả về mẫu này, phù hợp với lĩnh vực nào, ứng viên giàu kinh nghiệm hay fresher. Nhờ vậy, bạn hoàn toàn loại bỏ được nguy cơ chọn nhầm mẫu, sai mẫu.

III. Cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn

1. Thông tin cá nhân

Mặc dù là phần cơ bản nhất trong CV xin việc nhưng thông tin cá nhân cũng là nội dung quan trọng không thể thiếu. Bên cạnh việc điền đầy đủ thông tin như họ và tên, vị trí ứng tuyển, tuổi, địa chỉ, số điện thoại và email thì trong phần này của CV xin việc nhà hàng, khách sạn, bạn nên chú ý nhiều tới phần hình ảnh. Tốt nhất, hãy tránh ảnh quá nghiêm túc hoặc quá trẻ con, thiếu nghiêm túc - làm sao ở mức tạo thiện cảm, sự thoải mái cho đối phương và mỉm cười thân thiện - phong cách như vậy là hợp nhất với lĩnh vực này dù bạn ứng tuyển vị trí nào.

Mục thông tin cá nhân trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn viết như thế nào?

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Trong nghề nhà hàng, khách sạn, dù vị trí bạn đảm nhiệm là gì, mục tiêu cá nhân là tăng thu nhập hay thăng chức thì trước hết, bạn vẫn cần đảm bảo hướng tới khách hàng, cung cấp dịch vụ chất lượng. Một khi có thể làm khách hài lòng, đánh giá tích cực thì năng lực của bạn sẽ được ghi nhận.

Viết mục tiêu công việc trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn nghĩa là bạn sẽ chia sẻ các mục tiêu cá nhân cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Có thể viết thành đoạn ngắn 2, 3 câu hoặc gạch đầu dòng. Tùy vào số năm kinh nghiệm kết hợp với mong muốn của bản thân, đồng thời cho thấy bạn rất rõ ràng về định hướng phát triển sự nghiệp của mình.

Gợi ý (vị trí Nhân viên phục vụ - Waiter/ Waitress):

  • Cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách đến dùng bữa tại nhà hàng.
  • Phát triển các kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh.
  • Góp phần phát triển chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu của nhà hàng; thăng tiến lên giám sát ca sau 1,5 năm.

3. Học vấn

Có rất nhiều vị trí trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn như nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ, nhân viên buồng phòng, đầu bếp, khối văn phòng (HR, Marketing, sales...). Yêu cầu bằng cấp cho mỗi vai trò không giống nhau - cả về chuyên môn, ngoại ngữ. Với từng vị trí, nhà tuyển dụng sẽ ghi rõ yêu cầu. Hơn nữa, bạn cũng không cần mẹo hay lời khuyên nào ở phần này, chỉ nên viết chính xác thông tin trường, ngành học, niên khóa và tốt nghiệp loại gì (có thể chi tiết đến điểm trung bình học tập - GPA nếu bạn có điểm số ấn tượng).

Gợi ý: Cao đẳng Du lịch Hà Nội (2017 - 2020)

  • Ngành: Quản trị khách sạn.
  • Xếp loại tốt nghiệp: Giỏi, GPA 3.45.

4. Kinh nghiệm

Cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn sẽ được JobOKO chia sẻ đầy đủ và chi tiết cho cả trường hợp ứng viên đã có hoặc chưa có kinh nghiệm.

4.1. Ứng viên có kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm là điểm cộng lớn nhất khi của ứng viên khi làm việc trong ngành nhà hàng, khách sạn. Cho dù cùng một vai trò nhưng ở quy mô khách sạn khác nhau, phong cách nhà hàng khác nhau thì các yêu cầu cụ thể thường không hoàn toàn giống nhau. Kinh nghiệm trong cùng một lĩnh vực hoặc liên quan tới dịch vụ khách hàng, CSKH sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi, biết cách điều chỉnh để cung cấp dịch vụ chất lượng nhất.

Ngoài các vị trí tương tự nhau, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, marketing hay hàng không, truyền thông, báo chí,... cũng sẽ được đánh giá cao khi bạn apply vào các vai trò trong ngành này. Đừng chỉ liệt kê thông tin, bạn hãy viết rõ cả về trách nhiệm trong công việc hàng ngày, bạn tích lũy được gì, đạt được thành tựu gì từ đó. Dù có bao nhiêu trải nghiệm chăng nữa thì khi viết CV, bạn chỉ nên nhắc tới 3 - 5 kinh nghiệm là tối đa.

Gợi ý (vị trí Nhân viên lễ tân khách sạn/ Hotel Receptionist):

Khách sạn ABC, Nhân viên lễ tân (6/2020 - 8/2021)

  • Tiếp nhận thông tin đặt phòng, chào đón khách lưu trú, làm thủ tục check-in, check-out và hỗ trợ khách trong suốt quá trình lưu trú; cung cấp thông tin và bán tour du lịch.
  • Thành thạo quy trình nghiệp vụ lễ tân; kỹ năng dịch vụ khách hàng; khen thưởng Nhân viên xuất sắc năm 2020.

4.2. Ứng viên chưa có kinh nghiệm

Mặc dù chưa có kinh nghiệm nghĩa là bạn có thể bị giảm bớt khả năng cạnh tranh so với các ứng viên khác nhưng nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận tuyển người mới, miễn là chăm chỉ, chịu khó, sẵn sàng làm việc theo ca. Lúc này, viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn khó hơn nhưng vẫn có thể điều chỉnh như sau:

  • Bạn chưa từng đi làm chính thức nhưng đã làm thêm, làm CTV hoặc đi thực tập: Liệt kê 2, 3 công việc, trải nghiệm liên quan dù chỉ là làm pha chế theo ca 4 tiếng ở quán trà sữa hay nhân viên phục vụ tiệc part-time. Bên cạnh đó, hãy nhấn mạnh vào những gì bạn đã học được, chẳng hạn như bước đầu hiểu quy trình tổ chức và phục vụ tiệc, cách giao tiếp và trao đổi với khách,...
  • Hoàn toàn chưa có kinh nghiệm: Thay thế nội dung về kinh nghiệm bằng hoạt động ngoại khóa hoặc viết rõ đã dành thời gian làm gì? Chẳng hạn như tập trung học, tham gia các câu lạc bộ phát triển kỹ năng, hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình... Đặc biệt, bạn không nên nói dối, bịa ra các kinh nghiệm không có thật để qua mắt nhà tuyển dụng.
Hướng dẫn cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn cho ứng viên có và chưa có kinh nghiệm

5. Kỹ năng

Cùng với kinh nghiệm, kỹ năng cũng là phần không thể thiếu trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn. Ở nội dung này, bạn nên đề cập tới 4 hoặc 6 kỹ năng bạn có và bạn cho là sẽ cần thiết cho công việc. Đừng chỉ nhắc chung chung tới tiếng Anh, Microsoft Office hay kỹ năng giao tiếp, hãy cụ thể hóa theo từng vị trí, vai trò. Nếu có thể bao gồm các kỹ năng với những từ khóa chuẩn cho phần này, chắc chắn bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng trao cơ hội phỏng vấn cho bạn.

Gợi ý (vị trí Đầu bếp):

  • Kỹ năng nấu nướng, dùng dao và các thiết bị nhà bếp.
  • Kỹ năng làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, làm việc tốt dưới áp lực.
  • Khả năng sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực, nghiên cứu và thử nghiệm để tạo menu mới.
  • Kỹ năng cộng tác, lãnh đạo.
  • Kỹ năng lập kế hoạch, chú ý tới chi tiết.

6. Sở thích

Một nhân viên lễ tân trong khách sạn có thể thích gặp gỡ mọi người, trò chuyện, đi du lịch, trong khi chuyên viên tuyển dụng của khách sạn hoặc quản lý bộ phận, quản lý nhà hàng thích đọc sách về kinh doanh, chơi thể thao,... Mỗi người đều có thói quen và sở thích, tính cách khác nhau và bạn có thể thoải mái chia sẻ về sở thích của mình trong CV, miễn là chúng lành mạnh.

Một lưu ý nhỏ là trong số nhiều sở thích cá nhân, nếu có thể thì bạn hãy chọn những sở thích nào thể hiện tốt nhất cá tính của bạn để giới thiệu mình với nhà tuyển dụng. Những sở thích cho thấy bạn có sự kiên nhẫn, nhiệt tình,... có thể sẽ phù hợp với ngành nhà hàng, khách sạn đấy.

Gợi ý (vị trí Nhân viên lễ tân khách sạn):

  • Cắm hoa.
  • Đọc sách.
  • Đi du lịch.

7. Hoạt động

CV xin việc nhà hàng, khách sạn của những ứng viên chưa có hoặc có rất ít kinh nghiệm nên được trau chuốt cho phần hoạt động vì nội dung này có thể mang tính chất bổ sung, giúp nhà tuyển dụng đánh giá chân thực, chính xác hơn về bạn. Hoạt động ngoại khóa, tổ chức sự kiện, tham gia chương trình ở trường, tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng,... được cho là phù hợp để đưa vào CV.

8. Tham chiếu

Thông thường, nếu bạn xin việc làm nhà hàng, khách sạn cho các vị trí cần trình độ và kỹ năng hoặc apply vào các khách sạn, nhà hàng lớn thì phần tham chiếu mới thực sự quan trọng. Ở các quy mô nhỏ hơn hoặc vai trò như nhân viên buồng phòng, thu ngân nhà hàng,... thì phần này có thể ẩn khỏi CV.

Tham chiếu trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn cần thông tin liên hệ của từ 1 đến 2 người là thầy cô hoặc quản lý, giám sát của bạn. Viết nội dung này khá đơn giản, bạn cần chia sẻ họ tên, chức danh, số điện thoại và email của người tham chiếu.

9. Chứng chỉ, giải thưởng

Có các chứng chỉ như nấu ăn, ngoại ngữ, hoặc giải thưởng về hoạt động, học tập hay trong công việc thì bạn cũng có thể chia sẻ trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn. Ở trường hợp còn lại, bạn ẩn toàn bộ phần này khỏi CV cũng không thực sự ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả ứng tuyển.

Nhà hàng, khách sạn tuyển nhân viên đòi hỏi đáp ứng những yêu cầu gì?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng ngành nhà hàng, khách sạn

Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự ngành nhà hàng, khách sạn chắc chắn sẽ khác nhau tùy vào nhà tuyển dụng, chẳng hạn cùng một vai trò nhưng có nơi cần ứng viên có bằng cấp chính quy, trong khi nơi khác thì ứng viên có kinh nghiệm, quen việc là đủ. Dù vậy, nắm được các tiêu chí lựa chọn cơ bản, chung nhất của ngành này cũng giúp bạn biết tự so sánh, đánh giá mức độ phù hợp của mình, điều chỉnh CV xin việc cũng như chuẩn bị cho phỏng vấn.

Các tiêu chuẩn tuyển dụng ngành nhà hàng, khách sạn gồm có:

  • Chăm chỉ, sức khỏe thể chất tốt.
  • Nhiệt tình, thích giúp đỡ những người xung quanh.
  • Tỉ mỉ, cẩn thận và trung thực.
  • Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn thành thạo.
  • Khéo léo trong giao tiếp, ứng xử.
  • Tinh tế và có các kỹ năng như trang trí, sắp xếp, quản lý thời gian.

Những chia sẻ về cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn được JobOKO giới thiệu trên đây có giúp bạn tự tin hơn khi tự tạo CV ứng tuyển cho mình? Đừng quên kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, định dạng trước khi gửi đi nhé. Chúc bạn thành công!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc nhà hàng, khách sạn
II. Mẫu CV xin việc nhà hàng, khách sạn
III. Cách viết CV xin việc nhà hàng, khách sạn
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng ngành nhà hàng, khách sạn

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888