Làm thiết kế đồ họa, mục tiêu hàng đầu của bạn là sáng tạo nên những sản phẩm thiết kế khác biệt, phục vụ nhiều mục đích khác nhau như truyền thông, quảng cáo, tiếp thị... Để sức sáng tạo, để năng lực thiết kế của bạn thực sự hữu ích và được nhiều người biết đến, bạn không thể thiếu kỹ năng mềm để lắng nghe, giải thích, thuyết phục cho ý tưởng của mình cũng như phân tích thông tin về ý tưởng của người khác.
Những kỹ năng mềm thiết kế đồ họa cần có để thành công
Vì sao kỹ năng giao tiếp quan trọng?
Đặc thù công việc của một nhà thiết kế đồ họa yêu cầu tương tác và làm việc trực tiếp với khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp,... cả bằng văn bản cũng như lời nói nên khả năng truyền đạt tốt, thuyết trình về ý tưởng và thuyết phục người nghe là không thể thiếu.
Cách cải thiện: Bạn hãy thử tự ghi âm quá trình giới thiệu và trình bày sản phẩm cho khách hàng và đối tác rồi nghe lại. Đừng quên đặt mình vào vị trí của đối phương và trả lời câu hỏi: "Liệu bạn có cảm thấy thuyết phục về những điều ấn tượng trong bài nói?", "Liệu bạn có muốn hợp tác với nhà thiết kế này hay không?", "Có thiếu sót gì trong nội dung hay ý tưởng có gì chưa hợp lý?"...
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp hoặc bạn bè, người thân để tìm ra những điểm cần cải thiện thêm. Nên nhớ rằng bạn sẽ không thể thành thạo kỹ năng giao tiếp chỉ trong vài ba ngày, nhưng tự nhận thức được vấn đề còn thiếu sót sẽ là một khởi đầu tốt.
Vì sao kỹ năng tư duy sáng tạo lại cần thiết?
Với tư cách là một nhà thiết kế đồ họa, bạn sẽ không chỉ có nhiệm vụ tạo ra những tác phẩm truyền tải được thông điệp rõ ràng mà còn nắm bắt tốt nguyện vọng của khách hàng. Và đương nhiên kỹ năng tư duy sáng tạo chính là chìa khóa giúp bạn đạt được thành công như mong muốn.
Cách cải thiện: Bạn không nên tự giới hạn mình với những suy nghĩ theo lối mòn. Ý tưởng thiết kế có thể đến từ nhiều hoạt động, chẳng hạn như thường xuyên xem tạp chí, tiếp xúc với các website, blog của những chuyên gia trong ngành để cập nhật xu hướng tại Việt Nam cũng như trên thế giới; đôi khi là đi du lịch, nhìn ngắm phong cảnh khác nhau... Dù thế nào thì mọi nỗ lực dù là nhỏ nhất đều sẽ góp phần nâng cao kỹ năng tư duy sáng tạo của bạn đấy.
Vì sao kỹ năng giải quyết xung đột lại quan trọng?
Trong quá trình thực hiện các công việc thiết kế đồ họa, bạn sẽ không thể tránh khỏi những bất đồng liên quan đến dự án như ý tưởng, kinh phí hoặc phát sinh vấn đề với khách, với thành viên trong nhóm. Nếu như làm chủ được kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống thì bạn sẽ dễ dàng giữ bình tĩnh để tìm ra giải pháp, tránh những rủi ro không đáng có ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
Cách cải thiện: Bạn hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm giải quyết bất đồng của mình bằng cách làm việc với bạn cùng lớp hoặc cùng dự án. Kiên nhẫn lắng nghe, bình tĩnh giải thích, không bốc đồng, to tiếng mà tập trung tìm giải pháp là định hướng tốt nhất cho bạn.
Lý do các kỹ năng mềm quan trọng với thiết kế đồ họa
Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe tích cực
Là một nhà thiết kế đồ họa, bạn cần nắm được chính xác nguyện vọng của khách hàng hoặc của đồng nghiệp, cấp trên và chuyển nó thành những bản thiết kế trực quan đẹp mắt. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu về khả năng lắng nghe những gì người khác đang nói, tiếp nhận và phân tích thông tin sẽ giúp bạn hiểu những gì người khác muốn, từ đó tìm ra cách đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng trong thiết kế.
Cách cải thiện: Bạn hãy cố gắng hình thành và duy trì thói quen tập trung vào những gì đối phương đang nói thay vì nghĩ về điều mình định nói tiếp theo. Tiếp đó, thử lặp lại ý họ vừa nói bằng cách sử dụng từ ngữ của riêng mình để xem liệu bạn có hiểu chính xác hay không. Điều này thoạt nghe có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng trên thực tế nó lại đang tạo cơ hội để bạn nâng cao kỹ năng lắng nghe tích cực.
Vai trò của kỹ năng quản lý thời gian
Thành thạo kỹ năng này sẽ giúp bạn quản lý hiệu quả nhiều dự án cũng như các yếu tố liên quan cùng một lúc. Bởi lẽ thiết kế đồ họa luôn song hành cùng "deadline" nên duy trì thói quen sử dụng thời gian hiệu quả sẽ không chỉ tạo ra sản phẩm tốt nhất mà còn giữ được uy tín, hình ảnh với khách hàng.
Cách cải thiện: Bạn hãy bắt đầu từ những hoạt động rất đơn giản như sắp xếp lịch trình, công việc vào mỗi sáng sớm; sử dụng các công cụ lập lịch, ghi chú để không bỏ sót công việc hoặc dành quá nhiều thời gian cho nhiệm vụ không quá quan trọng...
Tầm quan trọng của tính kiên nhẫn, bền bỉ
Những chuyện như thay đổi ý tưởng, bị khách hàng phàn nàn hay hủy hợp đồng vào ngày cuối cùng là những tình huống có thể xảy ra đối với một nhà thiết kế đồ họa. Mỗi khi rơi vào những trường hợp như vậy, khả năng giữ bình tĩnh, sự kiên nhẫn của bạn sẽ giúp bạn không mất tập trung hoặc để cảm xúc lấn át lí trí để tiếp tục công việc.
Cách cải thiện: Kinh nghiệm "va chạm" nhiều sự cố bất ngờ chính là cách cải thiện sự kiên nhẫn và bền bỉ hiệu quả nhất. Điểm mấu chốt ở đây vẫn luôn là thái độ đón nhận vấn đề một cách bình tĩnh, từ đó giữ được uy tín và hình ảnh trong mắt khách hàng.
Làm thế nào để nâng cao kỹ năng mềm cho thiết kế đồ họa?
Cho dù là với những nghề nghiệp chủ yếu hợp tác trực tuyến và làm việc độc lập trên máy tính như lập trình hay thiết kế đồ họa, tổng thể các kỹ năng mềm vẫn sẽ luôn là những kỹ năng cần thiết để thành công. Bạn cũng đừng quên, kỹ năng mềm không chỉ có giao tiếp nhưng về cơ bản, chúng sẽ giúp bạn hòa nhập, thích nghi với môi trường, có quan hệ tốt với sếp, đồng nghiệp và khách hàng.
Không ai có thể thành công trên con đường sự nghiệp mà chỉ đi một mình. Với nhân viên, chuyên viên thiết kế đồ họa thì mối quan hệ rộng, sự ghi nhận của những người trong ngành, có sản phẩm nổi bật là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thăng tiến.
Có thể thấy, để trở thành một nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm hơn mọi người thường nghĩ. Làm chủ được những kỹ năng mà JobOKO.com vừa đề cập phía trên nhất định sẽ giúp bạn tiến lên trên nấc thang sự nghiệp mà mình hằng mong ước. Đặc biệt, bạn cần biết cách liệt kê những kỹ năng này trong CV xin việc thiết kế đồ họa khi ứng tuyển ra sao để "chinh phục" nhà tuyển dụng. Truy cập vào JOBOKO.com để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết nhé.
MỤC LỤC:
I. Bộ kỹ năng mềm quan trọng nhất với nghề thiết kế đồ họa, cách cải thiện
II. Kỹ năng mềm đóng góp thế nào cho con đường sự nghiệp?