Tìm việc làm nhà hàng, khách sạn, gồm những vị trí nào?
Cùng với việc làm ngành ô tô, ngành nhà hàng, khách sạn cũng được nhiều người tìm việc quan tâm. Mỗi vị trí trong ngành nhà hàng, khách sạn đảm nhiệm những công việc riêng do đó mức thu nhập cũng có sự khác biệt. Để tìm hiểu chi tiết về vị trí việc làm khách sạn, nhà hàng, mời bạn đọc theo dõi thông tin hữu ích sau.
MỤC LỤC:
I. Việc làm trong ngành nhà hàng, khách sạn
II. Kỹ năng cần có để ứng tuyển vị trí ngành nhà hàng, khách sạn
Những vị trí việc làm phổ biến ngành nhà hàng, khách sạn
I. Việc làm trong ngành nhà hàng, khách sạn
1. Phục vụ bàn (Chạy bàn)
Nhân viên phục vụ bàn làm việc trong nhà hàng, quán bar, khách sạn và sòng bạc. Họ tương tác trực tiếp với khách hàng, nhận gọi món, phục vụ thức ăn, đồ uống và thanh toán. Tùy vào từng cơ sở mà yêu cầu với phục vụ bàn có thể khác nhau. Ở những nhà hàng cao cấp, nhân viên phục vụ cần biết ngoại ngữ, có bằng cấp từ trung cấp trở lên, trong khi các nhà hàng bình dân, nhân viên phục vụ bàn có thể chỉ cần tốt nghiệp cấp 3. Với những yêu cầu này, khi viết CV xin việc nhân viên phục vụ, ứng viên cần lưu ý để đề cập kinh nghiệm và kỹ năng đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng nhé.
2. Đầu bếp
Đầu bếp là người trực tiếp chuẩn bị và chế biến món ăn phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Họ nhận thông tin từ phục vụ bàn, sau đó bắt tay vào chuẩn bị món ăn. Đầu bếp là người nghĩ và thực hiện các ý tưởng thực đơn mới. Có nhiều vị trí đầu bếp khác nhau như bếp bánh, bếp phụ trách món nóng,... Đầu bếp cần có sự kiên nhẫn, khả năng bình tĩnh trong môi trường làm việc nhịp độ nhanh và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
3. Bếp trưởng
Bếp trưởng là người điều hành và giám sát các hoạt động hàng ngày của nhà bếp trong nhà hàng và khách sạn. Công việc của họ có thể bao gồm tuyển dụng, đào tạo và giám sát các đầu bếp, đảm bảo chất lượng và hình thức của món ăn đều đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, bếp trưởng cũng sẽ giám sát việc cung cấp thực phẩm, chuẩn bị các món ăn đặc biệt và phát triển thực đơn mới.
4. Lễ tân nhà hàng, khách sạn
Lễ tân nhà hàng, khách sạn chào đón khách, hỗ trợ đặt phòng và duy trì quầy lễ tân sạch sẽ, hỗ trợ khách trong quá trình dùng bữa hoặc lưu trú. Bạn cũng là người làm thủ tục nhận và trả phòng, giới thiệu một số điểm đến trong khu vực, v.v. Nhân viên lễ tân được xem như "bộ mặt" của nhà hàng, khách sạn.
Đọc thêm: Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân cập nhật mới nhất, ứng tuyển nhanh
5. Bảo vệ nhà hàng, khách sạn
Bảo vệ nhà hàng, khách sạn giúp bảo vệ khách và nhân viên cũng như các đồ vật, tài sản có giá trị của họ. Nhân viên bảo vệ cũng giúp các hoạt động trong nhà hàng, khách sạn diễn ra an toàn. Họ đồng thời phối hợp với công an, cảnh sát trong trường hợp xảy ra sự cố tranh chấp, xung đột.
6. Nhân viên dọn phòng
Nhân viên dọn phòng là một vai trò công việc không thể thiếu trong khách sạn, chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ, tính thẩm mĩ của các phòng lưu trú, khu vực công cộng, khu vực phía sau và môi trường xung quanh khách sạn. Nhân viên dọn phòng không cần trình độ cao nhưng cần có kỹ năng dọn dẹp tốt và sự chú ý đến từng chi tiết.
Vị trí nhân viên dọn phòng tại nhà hàng, khách sạn không đòi hỏi bạn có bằng cấp
7. Nhân viên bellman
Nhân viên bellman là người giúp vận chuyển hành lý của khách đến lưu trú tại khách sạn. Trong các khách sạn cao cấp, nhân viên bellman thường chịu trách nhiệm dỡ hành lý từ xe xuống ngay khi khách đến, cũng như giao hành lý đến phòng khách sau khi nhận phòng.
8. Room service (Phục vụ phòng)
Room service làm việc trong các khách sạn, phụ trách giao đồ ăn, thức uống, v.v. mà khách hàng yêu cầu. Ở những khách sạn lớn, room service thường được đào tạo rất chuyên nghiệp vì họ tiếp xúc trực tiếp với khách trong phòng lưu trú và đảm bảo khách cảm thấy hài lòng tối đa với dịch vụ khách sạn cung cấp.
9. Nhân viên đặt phòng khách sạn
Nhân viên đặt phòng khách sạn có nhiệm vụ nhận thông tin đặt phòng từ nhiều nguồn khác nhau như khách cá nhân đi theo nhóm, đại lý bán phòng của khách sạn, các bên đối tác,... qua điện thoại hoặc email. Sau đó, nhân viên đặt phòng sẽ kiểm tra số lượng phòng còn trống để thông báo lại, chuyển thông tin cho các bộ phận liên quan (dọn phòng, lễ tân,...) để chuẩn bị đón tiếp khách đến lưu trú.
10. Quản lý nhà hàng
Quản lý nhà hàng giám sát các hoạt động hàng ngày của một nhà hàng riêng biệt hoặc nhà hàng trong khách sạn. Trách nhiệm của họ bao gồm tuyển dụng và đào tạo nhân viên, điều phối lịch làm việc của nhân viên và đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn của nhà hàng được tuân thủ. Quản lý nhà hàng cũng là người lên kế hoạch thực đơn, đặt đơn cung cấp thực phẩm, quản lý ngân sách và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
11. Quản lý khách sạn
Quản lý khách sạn giám sát tất cả các hoạt động hàng ngày trong một khách sạn. Họ đảm nhận nhiều nhiệm vụ bao gồm quản lý mọi thứ từ kế toán, bán hàng, phát triển kinh doanh và chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự, doanh thu, theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên khách sạn.
12. Giám sát nhà hàng
Giám sát nhà hàng là vị trí quản lý trực tiếp thấp hơn quản lý nhà hàng, giải quyết mọi hoạt động của nhà hàng để đảm bảo hoạt động trơn tru. Họ đào tạo và giám sát nhân viên nhà hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn và sức khỏe thực phẩm và giải quyết các khiếu nại. Ngoài ra, giám sát cũng có thể là người tìm cách để giảm chi phí hoạt động của nhà hàng.
13. Nhân viên pha chế
Nhân viên pha chế (Bartender) chào đón khách, tìm hiểu về sở thích hoặc nhu cầu với đồ uống của họ, trả lời các câu hỏi, đề xuất các đồ uống trong thực đơn, chuẩn bị và phục vụ đồ uống.
Nhân viên pha chế đồ uống là vị trí không thể thiếu trong nhà hàng, khách sạn
II. Kỹ năng cần có để ứng tuyển vị trí ngành nhà hàng, khách sạn
Để thành công trong các vị trí công việc ngành nhà hàng, khách sạn, ứng viên cần có một bộ kỹ năng cốt lõi. Xét cho cùng, lòng hiếu khách là trên hết khi nói về việc cung cấp dịch vụ xuất sắc và để lại cho khách hàng một trải nghiệm tuyệt vời tại nhà hàng, khách sạn dù bạn ở vai trò nào.
1. Kỹ năng phục vụ khách hàng
Cho dù bạn làm nhân viên phục vụ bàn với nhiệm vụ đơn giản là phục vụ đồ ăn, thức uống hay quản lý nhà hàng, khách sạn, công việc của bạn là đảm bảo khách có khoảng thời gian tuyệt vời và họ không có gì phải lo lắng, phàn nàn.
Về cơ bản, chăm sóc khách hàng trong nhà hàng, khách sạn chủ yếu là về sự tích cực và chủ động. Ngay cả khi bạn gặp một khách hàng khó tính, điều quan trọng là hãy mỉm cười, lịch sự và vẫn chuyên nghiệp. Có thể nói, kỹ năng phục vụ là kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc trong ngành.
Đọc thêm: Ngành nhà hàng - khách sạn: Lựa chọn của người trẻ muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ
2. Nhận thức về sự khác biệt văn hóa
Trong nhà hàng lớn hay khách sạn, đối tượng khách rất đa dạng và có nhiều khách nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ tiếp xúc với những người có nguồn gốc văn hoá đa dạng. Khả năng nhận thức về sự khác biệt văn hoá và thích nghi với thái độ, chuẩn mực khác rất quan trọng.
Dĩ nhiên, khách hàng của bạn sẽ không chủ động chia sẻ cùng các giá trị, hệ thống niềm tin và nhận thức của họ. Là người làm trong ngành nhà hàng, khách sạn, bạn phải tự lưu ý để giúp họ thoải mái nhất có thể. Đó cũng là cách hiệu quả thu hút khách hàng đưa ra đánh giá tích cực và sẵn sàng quay trở lại.
3. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp được đánh giá cao trong tất cả các ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch. Mỗi ngày, bạn sẽ tiếp xúc với mọi người từ nhiều quốc gia, lứa tuổi và tính cách khác nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn có thể giao tiếp theo cách vừa rõ ràng, vừa dễ hiểu, cũng như đại diện nhà hàng, khách sạn. Kỹ năng giao tiếp và tương tác cũng giúp vun đắp các mối quan hệ và tăng tỷ lệ khách quay trở lại.
Để thực hiện tốt công việc được giao, ứng viên ứng tuyển vào nhà hàng, khách sạn cần có kỹ năng mềm tốt
4. Kỹ năng đa nhiệm
Khả năng đa nhiệm và xử lý nhiều nhiệm vụ cùng một lúc giúp bạn làm việc tốt hơn trong ngành nhà hàng, khách sạn. Điều này có nghĩa là học cách ưu tiên và quản lý thời gian của bạn một cách hiệu quả, trong khi bạn cũng cần có khả năng xử lý áp lực và giữ bình tĩnh khi mọi thứ trở nên hỗn loạn. Ngay cả khi nó chỉ là một vai trò bán thời gian trong khi bạn đang học đại học, sự đa nhiệm vẫn cần thiết và được coi trọng ở bất cứ đâu.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề nhanh chóng có thể giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối tiềm ẩn. Lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là môi trường có rất nhiều sự tiếp xúc, va chạm giữa người với người. Chẳng hạn, nếu một vị khách phàn nàn vì chưa được làm thủ tục nhận phòng dù đã quá giờ, bạn có thể cung cấp cho họ đồ uống miễn phí trong quán bar trong khi chờ người khách cũ trả phòng. Như vậy, khách sẽ thấy hài lòng và có ấn tượng tích cực với khách sạn.
Tìm hiểu về kỹ năng giải quyết vấn đề chi tiết
Kỹ năng giải quyết vấn đề vô cùng quan trọng đối với các việc làm ngành dịch vụ. Do đó, bạn hãy tìm hiểu và trau dồi cho mình những kỹ năng còn thiếu để hoàn thiện bản thân. Dù bạn ứng tuyển việc làm khách sạn hay nhà hàng thì khi có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.