Cách viết CV xin việc Quản lý nhà hàng

05/01/2023 14:30
Trở thành quản lý nhà hàng có thể là mục tiêu tuyệt vời nhất mà các bạn đang làm việc ở lĩnh vực dịch vụ nhà hàng khách sạn hướng tới. Nếu như bạn tự tin với kinh nghiệm, kỹ năng của mình và muốn tìm việc làm quản lý nhà hàng thì trước hết, hãy cùng tìm hiểu cách viết CV quản lý nhà hàng nhé.

Bởi vì quản lý nhà hàng là vai trò cấp quản lý nên cách viết CV quản lý nhà hàng cũng khác biệt khá nhiều so với xin việc nhân viên phục vụ nhà hàng hay các vai trò nhân viên thông thường khác. Biết cách chọn mẫu CV, điều chỉnh nội dung chi tiết từng phần trong CV thì cơ hội trúng tuyển vào vị trí việc làm nhà hàng của bạn sẽ gia tăng đáng kể.

Hướng dẫn cách viết CV xin việc Quản lý nhà hàng chuyên nghiệp

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Quản lý nhà hàng

Mỗi bản CV xin việc dù là ứng tuyển vào vị trí nào cũng cần có thông tin trọng tâm, quan trọng nhất để thể hiện rõ thế mạnh của ứng viên. Đối với CV xin việc quản lý nhà hàng, muốn xác định thông tin cần thiết được làm nổi bật này, bạn sẽ cần cân nhắc trên quan điểm của nhà tuyển dụng: Họ tìm kiếm điều gì ở ứng viên, bạn có hay không và liệu bạn sở hữu bằng cấp hay kinh nghiệm, kỹ năng hay chứng chỉ nào giúp bạn khác biệt, xuất sắc, vượt trội hơn ứng viên khác?

Nhìn chung, thông tin nhất định phải có trong CV xin việc quản lý nhà hàng đều nên tập trung vào các thông tin về số năm kinh nghiệm - đặc biệt là kinh nghiệm làm trong nhà hàng lớn có thương hiệu, danh tiếng tích cực. Bên cạnh đó, kỹ năng dịch vụ khách hàng, ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạobằng cấp cũng là những gì bạn nên chú ý thể hiện.

II. Hình thức, bố cục CV xin việc Quản lý nhà hàng

Trước khi tìm hiểu cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng và bắt tay vào tạo CV cho riêng mình, việc bạn cần làm sẽ là thiết kế CV. Với các công cụ tạo CV trực tuyến phổ biến như hiện nay thì thay vì loay hoay tự tạo CV bằng Word hay Excel, Powerpoint thì bạn có thể tìm kiếm và sử dụng các mẫu có sẵn, miễn là chọn được thiết kế phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm là đủ.

Nền tảng CV Pro của JobOKO cung cấp hàng chục mẫu CV online được thiết kế bởi kỹ năng thiết kế đồ họa kết hợp với tri thức của chuyên gia nhân sự hàng đầu nên các mẫu CV đều đảm bảo mức độ chuyên nghiệp. CV cũng được phân loại theo ngành nghề, kèm theo gợi ý chọn theo kinh nghiệm, cho phép tùy biến về màu sắc nên chắc chắn bạn sẽ tìm được mẫu CV ưng ý.

Với CV xin việc quản lý nhà hàng, mẫu CV bạn lựa chọn nên là mẫu dành cho quản lý, cho ứng viên có kinh nghiệm. Các mẫu chuyên nghiệp, sang trọng, thanh lịch sẽ thích hợp hơn mẫu đơn giản. Nếu bạn thích nền đen, chữ trắng thì đó cũng có thể là một lựa chọn tốt.

III. Cách viết CV xin việc Quản lý nhà hàng

1. Thông tin cá nhân

Là phần đầu tiên của CV (dù bạn dùng mẫu nào) nên phần thông tin dù không có gì quá đặc biệt cũng không khó viết nhưng lại vô cùng quan trọng. Bạn viết tốt không có nghĩa là CV của bạn nổi bật nhưng nếu phạm lỗi chính tả, viết sai, viết thiếu số hay ký tự ở phần thông tin cá nhân thì bạn rất dễ bị loại ngay từ vòng xét duyệt CV. Để viết thông tin cá nhân trong CV xin việc quản lý nhà hàng, bạn cần ghi nhớ các nguyên tắc sau:

  • Hình ảnh trong CV: Phải là ảnh chụp chính diện của bạn, tốt nhất là trong trang phục lịch sự, tươi tắn nhưng đảm bảo tính chuyên nghiệp. Trang phục hở hang hoặc không gọn gàng, ảnh tự sướng hay cười quá hoặc quá nghiêm túc, mím môi,... sẽ hoàn toàn không phù hợp do bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lý của lĩnh vực dịch vụ.
  • Về các thông tin của bạn: Họ tên viết hoa, nếu là CV xin việc tiếng Anh thì viết không dấu; SĐT và địa chỉ email viết chính xác, dùng email bạn hay sử dụng và email phải đơn giản, dễ nhớ, nghiêm túc, không "trẻ trâu" hay là từ bậy,...

Nên viết mục thông tin cá nhân trong CV xin việc Quản lý nhà hàng thế nào?

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu cá nhân của bạn là gì và bạn nghĩ một quản lý nhà hàng thì "nên" có mục tiêu là gì? Đây là bài toán mà bạn buộc phải tìm ra lời giải khi viết CV xin việc quản lý nhà hàng.

Dù cá nhân bạn có mục tiêu nghề nghiệp là gì, muốn đạt được thành công như thế nào từ vai trò quản lý nhà hàng thì khi viết vào CV, bạn cần đảm bảo các yếu tố như sau:

  • Mục tiêu không thể quá đơn giản vì như vậy sẽ cho thấy bạn không có tham vọng gì, không tham vọng sẽ không có động lực - điều tối kỵ đối với một nhà quản lý.
  • Mục tiêu không nên cho thấy bạn muốn học hỏi để sau này mở nhà hàng tương tự cạnh tranh với thương hiệu nhà tuyển dụng hiện tại - điều này cho thấy bạn không tinh tế.
  • Không nên viết chung chung vì như vậy thì vô nghĩa.

Từ đó, lời khuyên là bạn nên chia sẻ mục tiêu của cá nhân bạn và mục tiêu đó gắn với sự phát triển của nhà hàng bạn ứng tuyển. Bên cạnh đó, hãy thể hiện đồng thời cả cái tâm lẫn cái tầm của bạn trong vai trò ứng viên sáng giá của vị trí quản lý nhà hàng.

Gợi ý:

  • Sử dụng kinh nghiệm 3 năm làm việc trong vai trò giám sát nhà hàng tại nhà hàng 5 sao thuộc chuỗi khách sạn [tên khách sạn] để quản lý hiệu quả nhà hàng, tăng doanh thu tổng thể lên ít nhất 10% cho năm đầu tiên đảm nhiệm vị trí.
  • Xây dựng thương hiệu nhà hàng nổi bật trong phân khúc, gia tăng lượng khách hàng có khả năng chi trả cao, hỗ trợ nhà hàng mở rộng các cơ sở và chi nhánh trong tương lai, thăng tiến lên giám đốc nhà hàng chi nhánh sau 3 năm.

3. Học vấn

Đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn là người quản lý cần kỹ năng và kinh nghiệm hơn học vấn, nghĩa là ngay cả khi bạn chỉ có bằng cao đẳng thì vẫn có thể trở thành quản lý nhà hàng. Tuy nhiên, nếu muốn tiến xa hơn, thăng tiến nhanh hơn và làm tốt trong vai trò lãnh đạo thì bằng cấp chuyên nghiệp sẽ cần thiết. Thông thường, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên vị trí quản lý nhà hàng có bằng đại học chuyên ngành nhà hàng khách sạn, du lịch hoặc học cao đẳng nhưng có bằng về quản trị kinh doanh,...

Cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng ở phần học vấn như sau: Viết đúng về bằng cấp, thời gian theo học và tốt nghiệp, chuyên ngành. Vì để tìm việc làm vị trí này bạn bắt buộc phải có kinh nghiệm nên nếu đã ra trường nhiều hơn 5 năm thì có thể bỏ qua xếp loại tốt nghiệp nhé. Trường hợp có 2 bằng hoặc vừa có bằng đại học, vừa có bằng sau đại học thì nên ghi đủ cả 2.

Gợi ý: Cao đẳng Du lịch Hà Nội (2014 - 2017)

  • Chuyên ngành: Quản trị nhà hàng khách sạn.
  • Xếp loại: Giỏi.

Trình độ học vấn là phần quan trọng trong CV xin việc nhà hàng

4. Kinh nghiệm

Chắc chắn khi tuyển quản lý nhà hàng, nhà tuyển dụng đã ghi rõ yêu cầu về số năm kinh nghiệm - một số yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc trong ngành từ ít nhất 5 năm, trong khi nhà tuyển dụng khác cần bạn có kinh nghiệm trong đúng vai trò quản lý từ 1 năm trở lên. Cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng ở phần kinh nghiệm được chia ra thành 2 trường hợp cơ bản như sau:

4.1. Ứng viên đã có kinh nghiệm làm quản lý nhà hàng

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm đúng trong vai trò quản lý nhà hàng thì đây là một điểm cộng, đặc biệt là nếu đã làm ở các nhà hàng lớn hoặc cùng phong cách (ví dụ ứng tuyển quản lý nhà hàng Nhật sau khi làm quản lý tại một nhà hàng Nhật 3 sao nào khác). Lúc này, bạn có thể tự tin liệt kê 3 - 5 kinh nghiệm vào CV nhưng lưu ý là nên tập trung vào các kinh nghiệm giám sát, quản lý thay vì liệt kê đến 3 vị trí nhân viên phục vụ.

Bên cạnh đó, bạn nhất định phải nhớ đề cập tới quy mô nhà hàng bạn từng làm, phong cách và các số liệu liên quan tới lượng khách, doanh số, thành tích, số nhân viên bạn đã quản lý. Bằng cách cung cấp các thông tin đầy đủ như vậy, bạn có thể chứng minh được năng lực quản lý trong thực tế, trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Gợi ý: Quản lý nhà hàng món Việt, Khách sạn ABC (3/2020 - hiện nay)

  • Quản lý tổng thể hoạt động của nhà hàng quy mô 20 nhân sự bao gồm bộ phận bếp và sảnh; quản lý ngân sách, chiến lược kinh doanh và các chiến dịch quảng cáo truyền thông theo sự kiện vào dịp lễ tết.
  • Kỹ năng lãnh đạo xuất sắc, nắm vững quy trình điều phối kinh doanh dịch vụ tại nhà hàng 4 sao. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng 12% bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp.

4.2. Ứng viên chưa có kinh nghiệm làm quản lý nhà hàng

Cũng có trường hợp ứng viên tìm việc quản lý nhà hàng khi chưa có kinh nghiệm đảm nhiệm đúng vai trò này. Bạn có thể là quản lý khách sạn, trưởng phòng ở công ty du lịch, bếp trưởng hoặc giám sát nhà hàng và muốn thăng tiến, đảm nhiệm một vị trí mới. Lúc này, cơ hội ứng tuyển thành công không phải là không có nhưng bạn vẫn cần phải biết cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng đúng chuẩn. Một số nguyên tắc nên tuân thủ sẽ là:

  • Chỉ viết về những kinh nghiệm liên quan nhất tới quản lý, lãnh đạo và lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch nói chung.
  • Nhấn mạnh vào phần nhiệm vụ và kỹ năng học hỏi được, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo và quản trị nhân lực, quản lý ngân sách, phân tích thị trường.
  • Kết hợp gửi kèm CV với thư xin việc để giải thích rõ hơn lý do vì sao bạn muốn tìm việc làm quản lý nhà hàng và vì sao bạn cảm thấy mình là ứng viên phù hợp nhất.

Gợi ý: Giám sát ca, Nhà hàng Nhật ABC (8/2020 - 12/2021)

  • Sắp xếp lịch làm việc theo ca cho 12 nhân viên trong bộ phận phục vụ; phối hợp họp và trao đổi với các bộ phận liên quan như bếp, kinh doanh để hoàn thiện menu, chiến lược marketing; xử lý và giải quyết các vấn đề phát sinh giữa nhân viên cũng như nhân viên với thực khách dùng bữa, đặt món tại nhà hàng.
  • Kỹ năng quản lý nhân sự và làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo xuất sắc; am hiểu quy trình vận hành hoạt động trong một nhà hàng Nhật quy mô 15 bàn.

Dù có hay chưa có kinh nghiệm, bạn đều có mẹo đề cập trong CV xin việc Quản lý nhà hàng

5. Kỹ năng

Như đã đề cập, kỹ năng và kinh nghiệm được xem là 2 phần quan trọng nhất trong CV xin việc quản lý nhà hàng. Đương nhiên, không vì nó quan trọng mà bạn có thể liệt kê hết tất cả các kỹ năng bạn cho là cần thiết vào CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng ở phần này tập trung chủ yếu vào 2 yếu tố: Kỹ năng mà bạn tự tin, bạn thành thạo nhất và kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên.

Hơn ai hết, bạn phải hiểu về bộ kỹ năng của mình và so sánh với tiêu chí của nhà tuyển dụng - có thể đọc ở JD cũng như tìm hiểu về việc làm quản lý nhà hàng để rõ hơn. Sau đó, bạn có thể viết 4 - 6 kỹ năng theo thứ tự ưu tiên vào CV nhé.

Gợi ý:

  • Kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhân sự và quản lý ngân sách.
  • Kỹ năng quản trị kinh doanh.
  • Kỹ năng dịch vụ khách hàng, CSKH.
  • Kỹ năng giao tiếp, tương tác tốt.
  • Khả năng ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung xuất sắc.
  • Kỹ năng phân tích, lập kế hoạch và chiến lược.

6. Chứng chỉ

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ marketing, quảng cáo hoặc kế toán,... đều là những tài liệu quan trọng và hữu ích mà bạn nên đưa vào CV xin việc quản lý nhà hàng nếu có. Cùng với bằng cấp, việc sở hữu các chứng chỉ sẽ giúp hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng nổi bật hơn về ít nhất, bạn đã học, tìm hiểu và có các "công cụ", kiến thức cần thiết để phát triển trong lĩnh vực này.

Không chỉ vậy, nếu bạn ứng tuyển trái ngành, ví dụ chuyển từ quản lý kinh doanh ở doanh nghiệp sang quản lý nhà hàng thì việc sở hữu chứng chỉ ghi nhận bạn đã tham gia khóa học quản lý, quản lý nhà hàng sẽ cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

Nhìn chung, nếu có chứng chỉ thì bạn nên viết tên chứng chỉ, ngày cấp, thời hạn (nếu có) vào CV còn nếu chưa, bạn cũng nên cân nhắc đi học để thêm hiểu biết và khi hướng đến các vai trò quản lý dễ dàng hơn.

7. Tham chiếu

Bạn có thể cho rằng khi ứng tuyển quản lý nhà hàng thì chẳng cần thông tin tham chiếu nhưng quan điểm đó là không chính xác. Càng là những vị trí cấp cao, quan trọng thì nhà tuyển dụng càng muốn tìm hiểu kỹ. Bạn vẫn nên viết 1, 2 thông tin tham chiếu nhưng phải là thông tin từ những người ở vị trí quản lý nhà hàng, giám đốc nhà hàng hoặc giám đốc khách sạn bạn từng làm việc. Nhớ xin phép họ trước khi đưa thông tin vào CV nhé.

8. Sở thích

Nhìn chung, sở thích không phải một phần quan trọng trong CV xin việc quản lý nhà hàng (và hầu hết các vai trò quản lý nói chung). Dù vậy, bạn vẫn có thể chia sẻ một chút về tính cách của bản thân mình nếu muốn. Viết 2 - 4 sở thích thường nhật của bạn, nếu có thể cho thấy mặt tích cực, hòa đồng và cầu tiến, có tham vọng và nhìn xa trông rộng thì càng tốt.

Hoạt động, giải thưởng là những phần còn lại trong CV xin việc quản lý nhà hàng - bạn có thể viết hoặc ẩn khỏi CV tùy theo điều kiện của bản thân. Lời khuyên của JobOKO là nếu có thông tin thì bạn nên viết bởi vì việc tham gia những hoạt động như tình nguyện, từ thiện có thể thể hiện hình ảnh tích cực hơn về bạn. Phần giải thưởng cũng tương tự nhưng nhìn chung không thể bịa ra ở đây mà chỉ nên viết nếu bạn thực sự đã từng tham gia, từng nhận giải. Trường hợp các hoạt động hoặc giải thưởng đã từ quá lâu thì nên bỏ qua.

Nhà tuyển dụng tuyển Quản lý nhà hàng dựa trên những yếu tố nào?

IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Quản lý nhà hàng

Cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng giúp bạn nắm được từng bước trong tổng thể quy trình tạo CV, được hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, nếu muốn CV ấn tượng cũng như thể hiện tốt trong cuộc phỏng vấn tiềm năng, điều quan trọng vẫn là bạn phải dành thời gian để đọc, hiểu về các tiêu chí tuyển dụng quản lý nhà hàng, tự biết mình có thể đáp ứng được hay không, thể hiện như thế nào thì tốt nhất.

Một số tiêu chuẩn tuyển dụng quản lý nhà hàng gồm có:

  • Số năm kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, trong đó từng làm giám sát, quản lý.
  • Có khả năng xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành nhà hàng, nghiên cứu và phát triển chính sách có lợi cho hoạt động kinh doanh và hình ảnh thương hiệu.
  • Kiến thức về quản trị, quản trị kinh doanh.
  • Am hiểu về dịch vụ khách hàng và lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, đồ uống, nhà hàng khách sạn.
  • Có mối quan hệ rộng, tích cực.
  • Kỹ năng lãnh đạo xuất sắc, biết dùng người.
  • Nghiêm túc, có tầm nhìn và khả năng phân tích tốt.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Trên đây là hướng dẫn cách viết CV xin việc quản lý nhà hàng chi tiết nhất JobOKO chia sẻ cùng bạn. Hãy kiên nhẫn và tỉ mỉ khi viết từng phần trong CV, đừng viết dài quá 2 trang và kiểm tra lại thật kỹ trước khi gửi đi để có kết quả như ý bạn nhé!

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Quản lý nhà hàng
II. Hình thức, bố cục CV xin việc Quản lý nhà hàng​
III. Cách viết CV xin việc Quản lý nhà hàng
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng Quản lý nhà hàng

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888