Cách viết CV xin việc trái ngành
Từ xưa tới nay, xin việc đúng ngành bao giờ cũng được nhà tuyển dụng ưu ái hơn. Ít nhất, thông qua bằng cấp, ngành học của bạn mà nhà tuyển dụng có thể xác định nền tảng kiến thức, sự am hiểu về ngành và dĩ nhiên, họ sẽ đỡ được rất nhiều công đào tạo. Tuy nhiên, rõ ràng là chẳng phải ứng viên nào cũng tìm việc đúng ngành. Lúc này, khó khăn đầu tiên sẽ là ở chỗ bạn phải biết cách viết CV xin việc trái ngành để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng dù không đúng chuyên môn nhưng bạn vẫn có khả năng đáp ứng được các yêu cầu và kỳ vọng.
MỤC LỤC:
I. CV xin việc trái ngành có gì khác so với CV xin việc đúng ngành?
II. Cách viết CV xin việc trái ngành chuyên nghiệp nhất
III. Những lưu ý khác khi viết, gửi CV xin việc trái ngành
CV xin việc trái ngành viết thế nào mới chuẩn?
I. CV xin việc trái ngành có gì khác so với CV xin việc đúng ngành?
Về cơ bản, CV xin việc dù là đúng ngành hay trái ngành đều được sử dụng với một mục đích duy nhất: Giới thiệu bản thân ứng viên với nhà tuyển dụng, cả về tên tuổi, cách liên lạc, bằng cấp, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm cùng một số thông tin liên quan khác. Nếu như CV của bạn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản mà nhà tuyển dụng đề cập trong mô tả công việc thì bạn sẽ có cơ hội được mời phỏng vấn và nhận công việc.
Tuy nhiên, điểm khác nhau chủ yếu và cũng là cái khó của việc viết CV xin việc trái ngành là ở phần học vấn và kinh nghiệm - 2 phần chính, cốt lõi trong CV.
Khi viết CV xin việc đúng ngành nghĩa là bạn học Quản trị kinh doanh thì ứng tuyển nhân viên sales hoặc bạn học ngành Sư phạm Tiếng Anh thì ứng tuyển giáo viên tiếng Anh. Đó đều là những lựa chọn hiển nhiên, nhà tuyển dụng cũng tin rằng với bằng cấp như vậy, bạn đủ kiến thức nền và kỹ năng để hoàn thành các nhiệm vụ trong vai trò công việc mới.
Trong khi đó, CV xin việc trái ngành lại khác hoàn toàn. Bạn học Báo chí truyền thông nhưng ứng tuyển nhân viên thu mua chẳng hạn - có vẻ như không hề liên quan đến nhau. Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ có nhiều nghi vấn như là vì sao bạn lại lựa chọn như vậy, bạn có khả năng nào, kỹ năng chuyển đổi nào để đảm bảo mình sẽ làm tốt trong một vị trí chẳng hề liên quan tới ngành học? Về phần mình, ứng viên sẽ phải cố gắng chứng minh bản thân, thuyết phục nhà tuyển dụng qua CV xin việc, cover letter và cuộc phỏng vấn tiềm năng.
Nói cách khác, CV xin việc trái ngành khó viết hơn CV xin việc đúng ngành, đòi hỏi bạn khéo léo điều chỉnh thông tin.
Đọc thêm: CV xin việc nên viết tay hay đánh máy?
II. Cách viết CV xin việc trái ngành chuyên nghiệp nhất
1. Thông tin cá nhân
Đây là phần cơ bản mà CV xin việc nào cũng có và có thể được coi là nội dung dễ viết nhất. Dù là CV xin việc trái ngành thì bạn vẫn cần cung cấp các thông tin như:
- Họ và tên.
- Tuổi/ Ngày tháng năm sinh.
- Địa chỉ, nơi ở.
- Số điện thoại và email.
Lưu ý quan trọng nhất khi viết phần thông tin cá nhân trong CV xin việc trái ngành là bạn hãy đảm bảo viết chính xác các thông tin. Bên cạnh đó, hãy chọn ảnh CV thật đẹp và phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển (không quá nghiêm túc, tránh ảnh selfie...).
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Mặc dù không phải nhà tuyển dụng nào cũng sẽ dành thời gian đọc kỹ mục tiêu nghề nghiệp của mỗi ứng viên. Thế nhưng, với các bạn tìm việc làm trái ngành thì phần này khá quan trọng, gần như là một cơ hội để bạn giải thích một phần lý do tại sao bạn mong muốn được nhận cơ hội việc làm này. Cụ thể, hãy viết cả về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn - dĩ nhiên là đều nhằm thích nghi, phát triển trong lĩnh vực mới. Dù mục tiêu của bạn là gì, tốt nhất hãy nhấn mạnh vào mong muốn được học hỏi và phát triển bản thân nhiều hơn, đóng góp và cống hiến cho công ty.
Gợi ý:
- Sử dụng bộ kỹ năng chuyển đổi có được từ các công việc trước đây để nhanh chóng thích nghi, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
- Làm việc chăm chỉ và nghiêm túc, học hỏi để trở nên chuyên nghiệp, thành thạo hơn trong suốt quá trình làm việc tại công ty.
- Thích nghi với công việc, hòa nhập với văn hóa công ty, đóng góp nhiều nhất có thể để đạt được mục tiêu thăng tiến lên leader sau 2 năm.
Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc trái ngành
3. Học vấn
Đây là một phần khác rất cơ bản mà bạn không có lựa chọn nào khác ngoài viết đúng sự thật. Tuy nhiên, với CV xin việc trái ngành thì học vấn, bằng cấp nhìn nhận một cách khách quan lại là điểm yếu của ứng viên. Nhà tuyển dụng sẽ thấy rõ rằng bạn đang tìm việc trái ngành khi nhìn ngành học không thực sự liên quan tới vị trí bạn ứng tuyển. Đương nhiên, bạn không thể "khai man" về trường, ngành học nên hãy viết đúng, ngắn gọn ở phần này trong CV nhé.
Gợi ý: Trường Trung cấp nghề ABC (2018 - 2020)
- Chuyên ngành: Sửa chữa ô tô
- Xếp loại: Khá.
4. Kinh nghiệm
Khi viết CV xin việc trái ngành (hay đúng ngành) thì kinh nghiệm bao giờ cũng là một phần quan trọng nhất. Đối với CV xin việc trái ngành sẽ có ít nhất 2 trường hợp phổ biến là:
- Bạn chưa có kinh nghiệm (hoặc chỉ có trải nghiệm làm thêm) nhưng ngay khi ra trường đã quyết định làm trái ngành. Trường hợp này không phải là hiếm và nhà tuyển dụng sẽ hiểu được vì lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó mà bạn muốn làm công việc không thực sự liên quan tới bằng cấp.
- Bạn đã có vài năm kinh nghiệm, đi làm ở các công việc cả đúng ngành và trái ngành. Lúc này, việc trình bày kinh nghiệm và giải thích lý do có vẻ khó hơn, dễ bị đánh giá là bạn không có định hướng rõ ràng đối với sự nghiệp của mình.
Sau khi nhận thức rõ về trường hợp của mình, bạn có thể bắt tay vào viết phần kinh nghiệm trong CV xin việc trái ngành. JobOKO sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cả 2 trường hợp trên.
4.1. Ứng viên chưa có kinh nghiệm
Đầu tiên, nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì cách tốt nhất là liệt kê 1, 2 trải nghiệm bao gồm cả thực tập và việc làm thêm. Điều quan trọng là bạn đừng quên nhấn mạnh mình đã học được gì từ công việc đó - nhất là nếu công việc liên quan tới vị trí ứng tuyển. Chẳng hạn, bạn học khối ngành ngôn ngữ nhưng đi thực tập ở công ty xuất nhập khẩu và cảm thấy rất hứng thú với vị trí nhân viên mua hàng, vì thế nên khi ra trường quyết định apply.
Gợi ý: Công ty CP ABC (6/2020 - 12/2020)
- Vị trí: CTV content.
- Nhiệm vụ: Viết bài chuẩn SEO cho blog, website (kể tên blog, trang web bạn đã làm); học phân tích số liệu, làm SEO và Digital Marketing nói chung.
Nếu kinh nghiệm của bạn hoàn toàn trống trơn thì sẽ khó khăn hơn khá nhiều (do đã ứng tuyển trái ngành lại chưa từng làm việc trong môi trường thực tế). Thay vì cố gắng nói dối hay bịa ra một vài kinh nghiệm không có thật, bạn nên giải thích ngắn gọn rằng mình đã rất tập trung vào việc học hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa (sẽ trình bày đầy đủ ở phần hoạt động trong CV). Sự trung thực luôn được đánh giá cao còn nói dối có thể khiến bạn bị loại ngay lập tức khi bị phát hiện.
4.2. Ứng viên đã có kinh nghiệm
Khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc thì dù là trái ngành cũng sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao miễn là bạn biết cách liên kết các kinh nghiệm, kỹ năng bạn có được với vị trí hiện tại. Khi đề cập đến kinh nghiệm, bạn nên viết rõ nhiệm vụ và mình đã học được những gì - ví dụ bạn muốn chuyển nghề sang Digital Marketing (trái ngành) nhưng từng làm báo điện tử hoặc thiết kế đồ họa thì kỹ năng thiết kế, viết nội dung chắc chắn sẽ có ích trong vai trò mới.
Gợi ý: Công ty CP XYZ (1/2020 - 10/2021)
- Nhân viên thiết kế đồ họa
- Thiết kế logo sản phẩm, banner, hình ảnh phục vụ mục đích quảng cáo và truyền thông, tiếp thị; Thành thạo kỹ năng thiết kế bắt kịp các xu hướng mới nhất, có kỹ năng làm việc nhóm tốt và khả năng viết content đơn giản, chuẩn SEO.
Dù có hay chưa có kinh nghiệm thì đều có cách đề cập ấn tượng trong CV xin việc trái ngành
5. Kỹ năng
Có thể nói, trong CV xin việc trái ngành thì phần kỹ năng là phần "cứu nguy" cho toàn bộ CV. Bạn thiếu kiến thức chuyên ngành, cũng đồng thời không có trải nghiệm và kinh nghiệm tương tự, vậy thì bạn tự tin vào kỹ năng nào, thành tích nào để khiến nhà tuyển dụng muốn thuê và quyết định thuê bạn?
Trong phần kỹ năng, bạn sẽ nên cân nhắc bằng cách tự trả lời các câu hỏi sau:
- Nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên có các kỹ năng nào? (Đọc kỹ mô tả công việc cũng như tìm hiểu về nhiệm vụ công việc cụ thể để hiểu rõ hơn về vai trò).
- Bạn có các kỹ năng nào thành thạo, cảm thấy tự tin nhất?
- Các kỹ năng bạn có có phải là những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm?
Sau khi so sánh, đối chiếu, bạn sẽ quyết định được sẽ viết kỹ năng nào vào CV xin việc trái ngành. Hãy nhớ ưu tiên kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm (mà bạn có) đặt lên đầu tiên. Tổng thể, bạn nên liệt kê khoảng 4 - 6 kỹ năng.
6. Hoạt động
Trong CV xin việc trái ngành, phần hoạt động (hoạt động ngoại khóa) cũng được coi là bổ sung những thông tin quan trọng, ý nghĩa giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng. Bạn có thể không làm đúng ngành, thậm chí chẳng có mấy kinh nghiệm nhưng bạn có kỹ năng, đồng thời là người năng nổ, nhiệt huyết hoặc có khả năng giao tiếp tốt, làm việc nhóm, hỗ trợ và giúp đỡ những người xung quanh... thì đó đều là điểm cộng.
Tuy nhiên, khi bạn chia sẻ về các hoạt động mình từng tham gia trong CV xin việc trái ngành, hãy chọn các hoạt động có liên quan tới vị trí bạn ứng tuyển và cân nhắc tới văn hóa công ty. Ví dụ, bạn xin việc nhân viên truyền thông thì hoạt động làm MC ở sự kiện trường, tình nguyện sẽ phù hợp nhưng nếu bạn ứng tuyển vai trò kỹ sư xây dựng thì hoạt động liên quan tới thiết kế, tham gia các cuộc thi chuyên ngành lại hợp lý hơn.
Hoạt động là phần cũng khá quan trọng trong CV xin việc trái ngành
7. Sở thích
Đối với CV xin việc trái ngành hay đúng ngành, sở thích luôn là phần mang tính chất tham khảo để nhà tuyển dụng hình dung rõ ràng hơn về ứng viên, đánh giá xem tính cách, sở thích cá nhân có phù hợp với vị trí cũng như văn hóa công ty hay không. Mặc dù mỗi người có một sở thích khác nhau, không có quy định nào cụ thể nhưng giữa những sở thích và thói quen của mình, bạn có thể chọn để "khoe khéo" với nhà tuyển dụng.
Ví dụ, bạn ứng tuyển biên tập viên nội dung website thì sở thích viết lách hay đọc sách có vẻ hấp dẫn hơn là chơi game nhập vai. Ít nhất, nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn có thể có khả năng diễn đạt tốt, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc
8. Tham chiếu
Tham chiếu thông tin thực chất có thể không mấy quan trọng trong CV xin việc trái ngành nhưng cũng không vì thế mà bạn qua loa. Thông tin liên hệ của giảng viên, giáo viên và người quản lý trực tiếp trong vai trò trước đây của bạn sẽ phù hợp nhất để viết vào CV xin việc.
9. Chứng chỉ, giải thưởng
Phần chứng chỉ, giải thưởng trong CV xin việc trái ngành chỉ được viết khi bạn đã có chứng chỉ hoặc giải thưởng - tốt nhất là liên quan tới vị trí ứng tuyển. Ví dụ bạn học ngoại ngữ tiếng Nhật chuyên ngành biên phiên dịch nhưng ứng tuyển giáo viên tiếng Nhật thì chứng chỉ sư phạm hoặc giải thưởng cuộc thi nói tiếng Nhật sẽ có ý nghĩa. Nếu chưa có bất kỳ thông tin nào để đưa vào phần này, bạn nên ẩn nội dung khỏi CV.
Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?
III. Những lưu ý khác khi viết, gửi CV xin việc trái ngành
1. Lựa chọn thật kỹ thông tin để đưa vào CV
Tham khảo cách viết CV xin việc trái ngành ở trên, chắc hẳn bạn đã hiểu được rằng không phải thông tin nào, nội dung nào cũng phù hợp để đề cập tới trong CV. Tùy vào vị trí ứng tuyển cụ thể, bạn nên cân nhắc kỹ để không thừa thông tin không cần thiết mà thiếu những nội dung nhà tuyển dụng thực sự quan tâm.
2. Luôn kiểm tra lại toàn bộ nội dung, hình thức, định dạng CV trước khi gửi đi
Chuẩn bị kỹ lưỡng không bao giờ là thừa. Dành thời gian chọn mẫu CV xin việc trái ngành, viết và kiểm tra tỉ mỉ từng phần là cách tốt nhất để bạn đảm bảo không phạm lỗi cơ bản như chính tả, ngữ pháp. Sử dụng các mẫu CV xin việc có sẵn trên JobOKO cũng là một cách cực kỳ lý tưởng để bạn hoàn toàn yên tâm về hình thức, định dạng và bố cục của CV.
Cần lưu ý điều gì trước khi gửi CV xin việc trái ngành?
3. Gửi kèm với thư xin việc, portfolio
Khi bạn không thực sự tự tin với CV xin việc của mình, chủ yếu là do làm việc trái ngành thì giải thích, trình bày nguyện vọng trong thư xin việc sẽ hỗ trợ rất nhiều, giúp bạn tác động tích cực tới nhà tuyển dụng. Điều quan trọng ở đây là bạn nên diễn đạt làm sao cho nhà tuyển dụng tin tưởng rằng bạn thực sự yêu thích, muốn gắn bó với nghề nghiệp này, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức để học hỏi và đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của công ty.
Ngoài ra, dù là làm trái ngành nhưng nếu bạn đã nuôi tham vọng chuyển nghề từ trước thì portfolio về các sản phẩm bạn đã thiết kế, bài báo bạn đã viết, danh mục đầu tư, dự án bạn đã tham gia,... có thể là "bằng chứng" chứng minh khả năng của bạn.
Cách viết CV xin việc trái ngành mà JobOKO vừa chia sẻ cùng bạn có phải những thông tin hữu ích bạn đang tìm kiếm? Chúc bạn suôn sẻ khi chuẩn bị CV ứng tuyển và sớm có được công việc như ý!
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.